Thúc đẩy dịch vụ logistics ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Ðồng Nai. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển dịch vụ logistics. Song đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ vừa chậm vừa thiếu đồng bộ đã trở thành "điểm nghẽn" khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng,… Vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là có tầm nhìn chiến lược, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém về hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ, kết nối liên vùng,… để phát huy hơn nữa thế mạnh của dịch vụ logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh so các nước trong khu vực.

Bài 1: Chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế

Hoạt động logistics trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Tại một số tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Ðồng Nai, Bình Dương, Long An,… dịch vụ logistics cũng là lĩnh vực tiềm năng, kết nối hai chiều xuất - nhập khẩu hàng hóa trong nước với thị trường quốc tế.

Thế mạnh cảng biển

Ngoài năm cảng cạn (ICD) của TP Hồ Chí Minh, cụm cảng Tân Cảng Cát Lái được xem là cảng biển có quy mô và sản lượng cao nhất, nhì thành phố. Năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng Cát Lái đạt gần 5,606 triệu TEUs, tăng gần 7,7% so năm 2019. Tỷ lệ tăng trưởng hàng hóa bình quân trong 10 năm qua (2011-2020) tại cảng này đạt 10,9%. Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị quản lý và khai thác cụm cảng Tân Cảng Cát Lái, cảng Cát Lái đứng thứ 19 trong cụm cảng công-ten-nơ trên thế giới, tăng một bậc so năm 2019. Cảng Cát Lái cũng được xem là nơi giao nhận hàng hóa quan trọng tại khu vực các tỉnh phía nam. Cùng với hệ thống cảng biển và cảng sông, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Ga đường sắt Sài Gòn cũng được xem là đầu mối giao thương hành khách và hàng hóa có quy mô lớn nhất nước, góp phần làm cho hệ thống logistics tại TP Hồ Chí Minh đa dạng, phong phú và nhiều tiềm năng. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo quy hoạch, có 69 dự án cảng được triển khai xây dựng, đã đưa vào hoạt động gần 50 dự án với công suất 141,5 triệu tấn/năm. Trong đó, hàng công-ten-nơ bằng tàu biển đạt bình quân 2,93 triệu TEUs/năm. Ðáng chú ý, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ) liên tục nhiều năm qua thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với mức tăng khoảng 22%/năm, cao thứ sáu trên thế giới và cao nhất khu vực Ðông - Nam Á. Ðây là cụm cảng duy nhất trên cả nước và là một trong 21 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 200 nghìn tấn.

Cũng nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cảng Ðồng Nai là đầu mối giao lưu hàng hóa xuất, nhập khẩu lớn nhất của tỉnh Ðồng Nai cũng như khu vực lân cận. Năm 2020 đã có hơn 10 triệu tấn hàng hóa quy đổi luân chuyển qua đây. Ðây chính là thị trường lớn, đầy tiềm năng cho hệ thống cảng, dịch vụ vận tải hàng hóa, logistics vì toàn tỉnh Ðồng Nai hiện có 40 Khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút hàng nghìn doanh nghiệp (DN) từ 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư. Trong khi đó, là địa phương phát triển mạnh công nghiệp với kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều gần 49 tỷ USD/năm, đây chính là yếu tố quan trọng cho dịch vụ logistics tại Bình Dương phát triển. Ðến nay, toàn tỉnh có khoảng 50 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, kho bãi và lưu thông hàng hóa của các DN đầu tư tại Bình Dương và khu vực lân cận. Các DN đã đầu tư khoảng 21 kho ngoại quan, bốn kho gom hàng lẻ (CFS), hai cảng cạn và 31 đại lý hải quan để cung cấp dịch vụ logistics cho các DN hoạt động xuất, nhập khẩu,…

Hạ tầng giao thông - dịch vụ yếu và thiếu

Nằm ở vị trí thuận lợi với nhiều tiềm năng vốn có nhưng hoạt động và dịch vụ logistics trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung vẫn còn hoạt động nhỏ lẻ, thiếu tập trung, chưa thể tạo thành chuỗi hoạt động logistics liên hoàn. Nguyên nhân chính là do sự yếu kém về hạ tầng giao thông, kể cả giao thông kết nối vùng. Cùng với đó, hạ tầng dịch vụ, hệ thống kho, bãi, trung tâm phân phối còn nhỏ lẻ, chưa được đầu tư đúng mức đã làm tăng thời gian vận chuyển và chi phí logistics, giảm tính cạnh tranh so với các địa phương trên cả nước lẫn trong khu vực. Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, cảng Cát Lái, nơi tập trung khoảng 70% lượng công-ten-nơ xuất, nhập khẩu của cả nước với lượng xe vận tải công-ten-nơ ra vào cảng bình quân khoảng 22 nghìn xe/ngày đêm, có thời điểm lên đến 23,5 nghìn xe/ngày đêm, nhưng chỉ có một tuyến đường ra vào cảng khiến khu vực cảng thường xuyên bị ùn tắc.

Dẫn chứng về hạ tầng giao thông đường bộ còn yếu và chậm được kết nối, Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An cho biết, theo quy hoạch, các tuyến kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Ðông Nam Bộ gồm năm trục (quốc lộ và đường cao tốc song hành), nhưng hiện nay, ngoài trục kết nối với các tỉnh phía bắc (quốc lộ 1 và đường cao tốc bắc - nam) được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, các trục còn lại hiện chỉ khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ; các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai. Trong đó, các đường vành đai của TP Hồ Chí Minh chưa hoàn thiện khép kín, nhất là tuyến đường vành đai 3 với vai trò giảm tải lưu lượng di chuyển xuyên qua khu vực trung tâm và hỗ trợ kết nối giữa vùng Ðông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đã gây ùn tắc giao thông thường xuyên tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Ðại tá Nguyễn Năng Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đánh giá, hiện nay, có tới 82% lượng hàng hóa cập các cảng của tổng công ty tại Cái Mép - Thị Vải được chuyển về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ. Do đó, nếu chính quyền địa phương không có các giải pháp phát triển hệ thống vận tải thì chi phí cho logistics sẽ tăng cao, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa. Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ðồng Tâm, chủ đầu tư Cảng quốc tế Long An Võ Quốc Thắng: "Long An có Cảng quốc tế Long An và Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp nhưng quốc lộ 62 chưa được đầu tư mở rộng chính là cản trở lớn trong việc phát triển hệ thống logistics và cũng làm chậm đà phát triển khu vực mậu biên".

Tại các hội nghị, hội thảo chuyên sâu về phát triển dịch vụ hậu cần cảng, dịch vụ logistics được tổ chức, rất nhiều ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia đều cho rằng, với kết cấu hạ tầng giao thông lạc hậu như hiện nay chính là điểm nghẽn hạn chế sự phát triển của ngành dịch vụ hậu cần cảng, logistics tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo tính toán, nếu vận chuyển bằng đường bộ, chỉ cần một "tàu mẹ" hơn 15 nghìn TEUs cập cảng cũng đủ khiến quốc lộ 51, tuyến đường độc đạo nối Bà Rịa - Vũng Tàu với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trở nên tê liệt. Do đó, nếu không sớm phát triển nhanh các tuyến đường thủy nội địa, đường sắt chuyên dụng, đủ năng lực cung ứng và giải phóng hàng hóa, thì cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải dù hiện đại đến đâu cũng không thể hấp dẫn các hãng tàu trên thế giới.

Bên cạnh những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông cũng còn không ít bất cập cản trở hệ thống logistics trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận phát triển. Ðơn cử, các cảng nhỏ lẻ, thiếu tập trung và liên kết với nhau, chưa được đầu tư đồng bộ; các kho hàng chủ yếu phát triển theo tính tự phát nên chưa tạo được sự liên kết để khai thác hết hiệu quả, cũng như tổ chức vận hành kho theo hướng chuyên nghiệp. Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, cả nước có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại dịch vụ logistics, trong đó 70% số đơn vị đặt trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, đóng góp 35% doanh thu vận tải, kho bãi của cả nước. Tuy nhiên, đến nay TP Hồ Chí Minh chưa có trung tâm logistics đáp ứng cho yêu cầu vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Là DN có 25 năm hoạt động trong lĩnh vực logistics, bà Ðặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Công ty cổ phần Minh Phương Logistics, đánh giá: Chi phí logistics của Việt Nam quá cao so với các nước trong khu vực. Các nước trong khu vực chi phí cho logistics khoảng 14 đến 16%, còn ở nước ta chi phí lên đến 20%, đã làm giảm tính cạnh tranh so với các nước khác, dẫn đến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bị ảnh hưởng.

Một đánh giá mới đây của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, nhìn chung DN logistics TP Hồ Chí Minh có ưu thế về hoạt động nội địa, chủ yếu cung cấp dịch vụ logistics giản đơn 2 PL (hình thức dịch vụ logistics), đóng vai trò như vệ tinh cho các DN cung cấp dịch vụ logistics tích hợp (3 PL, 4 PL) của nước ngoài. Trên bình diện chung, khó khăn cơ bản của DN logistics TP Hồ Chí Minh là có quy mô nhỏ và vừa, nên thường gặp khó khăn về vốn đầu tư và đào tạo, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng còn nhiều hạn chế, phần lớn website DN logistics thành phố thiếu các tiện ích mà khách hàng cần dùng như: Công cụ theo dõi đơn hàng, theo dõi chứng từ, xem lịch tàu, e-Booking,...

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên thường trú tại TP Hồ Chí Minh