Thúc đẩy giao thông điện: Cần có mục tiêu và lộ trình rõ ràng

Lượng khí thải từ giao thông đang tăng cao

Phát biểu tham luận tại tọa đàm với chủ đề "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam" sáng nay 24/5, Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế chung của đất nước, ngành vận tải nói chung và vận tải đường bộ nói riêng cũng có tốc độ phát triển nhanh chóng; chất lượng phương tiện đã được nâng lên rõ rệt, các loại phương tiện được đầu tư mới, chất lượng đã tốt lên; nhiều phương tiện chất lượng cao được đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam)

Theo thống kê, năm 2013 cả nước có tổng số 5.761 đơn vị kinh doanh vận tải được cấp giấy phép thì đến hết năm 2023, con số này tăng lên gần 86.000 đơn vị.

Tính đến hết năm 2023, cả nước hiện có 921.322 ô tô kinh doanh vận tải. Trong đó, có 331.914 xe khách (gồm 17.537 xe tuyến cố định, 225.264 xe hợp đồng, 4.717 xe du lịch, 74.222 xe taxi, 8.757 xe buýt và 1.417 xe trung chuyển) và 589.408 xe tải các loại (77.639 xe công-ten-nơ, 223 xe taxi tải, 20.835 xe đầu kéo và 490.711 xe tải).

Dự kiến trong tương lai đường bộ đảm nhận 87,5% và 88,1% nhu cầu luân chuyển hành khách năm 2030 và 2050, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 3.1%/năm, theo dự thảo báo cáo của tổ chức GIZ năm 2024.

Tuy nhiên, lượng phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) chiếm khoảng 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) của cả nước và vẫn đang trong xu thế gia tăng. Trong đó, vận tải đường bộ chiếm khoảng 80% tổng lượng phát thải KNK toàn ngành, theo sau là vận tải đường thủy, hàng không và đường sắt.

Vì vậy, việc phát triển và thúc đẩy phương tiện giao thông điện (PTGTĐ) là một trong những giải pháp quan trọng để giảm phát thải KNK cho ngành GTVT, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Năm 2050: 100% phương tiện cơ giới tại Việt Nam chuyển sang chạy điện và năng lượng xanh

Việc chuyển đổi sang PTGTĐ đòi hỏi lộ trình chiến lược dài hạn, gồm các mục tiêu cụ thể, cột mốc quan trọng cũng như chính sách khuyến khích và hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng điện trên quy mô lớn.

Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng kế hoạch mở rộng nguồn năng lượng, quy mô sản xuất, cải tiến công nghệ, và đầu tư hạ tầng trạm sạc nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi.

100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2050

Năm 2022, thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT. Theo đó, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông đường bộ được đề ra cụ thể như sau:

Giai đoạn 2022 - 2030: Đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và sử dụng xe điện và phát triển mạng lưới hạ tầng trạm sạc. Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030: Tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2040: ngừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Đến năm 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Tính đến hết tháng 9 năm 2023, cả nước đã có hơn 28.000 ô tô thuần điện lưu hành so với 138 xe vào năm 2019. Xe buýt điện được vận hành ở 2 thành phố lớn là Hà Nội (khoảng hơn 239 xe) và Hồ Chí Minh (khoảng hơn 167 xe) và hơn 2.700 xe taxi điện hoạt động ở các thành phố lớn.

Công ty nghiên cứu thị trường BMI Research dự báo, doanh số bán ô tô điện mới tại Việt Nam sẽ tăng 114,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 18.000 chiếc. Trong đó, doanh số bán xe thuần điện tăng 104,4%, dự kiến sẽ đạt gần 17.000 chiếc. Doanh số bán xe điện hybrid plug-in (PHEV) cũng được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng đáng kể, tăng gấp 9 lần so với năm 2022, lên gần 1.100 chiếc.

Thúc đẩy giao thông điện: Cần có mục tiêu rõ ràng

Dù đạt được một số kết quả ban đầu, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển dịch năng lượng và phát triển giao thông điện. Vì vậy để thực hiện lộ trình chuyển đổi phương tiện vận tải đường bộ sang sử dụng phương tiện giao thông điện, năng lượng xanh và định hướng xây dựng chính sách khuyến khích chuyển đổi, ngành GTVT đường bộ cần xác định rõ mục tiêu.

Trong đó, ba mục tiêu tổng quát gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải số, chuyển đổi và điều hành trên nền tảng số, nâng cao khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu; Thực hiện chuyển đổi và hướng tới loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu có các-bon trong hoạt động giao thông vận tải đường bộ; Đạt mục tiêu điện khí hóa hoạt động giao thông vận tải đường bộ vào năm 2050.

Việt Nam quyết tâm đạt mục tiêu điện khí hóa hoạt động giao thông vận tải đường bộ vào năm 2050

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%; tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt đạt ít nhất 15% so với tổng số xe buýt đang hoạt động và tại đô thị loại I đạt 10% số lượng xe buýt mới.

Cùng đó, áp dụng công nghệ cào bóc tái chế mặt đường đạt 30%; triển khai rộng rãi công nghệ bê tông nhựa ấm trong các dự án xây dựng, bảo trì đường bộ; ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường; tối ưu hóa giải pháp thi công, hạn chế phát thải khí nhà kính.

Đến năm 2040, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%; tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt đạt ít nhất 40% so với tổng số xe buýt đang hoạt động và tại đô thị loại I đạt 30% số lượng xe buýt mới.

Hoàn thiện mạng lưới đường bộ cả nước đồng bộ, hiện đại, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, đảm bảo thuận tiện, an toàn và chi phí hợp lý.

Áp dụng công nghệ cào bóc tái chế mặt đường đạt 40%; triển khai rộng rãi công nghệ bê tông nhựa ấm trong các dự án xây dựng, bảo trì đường bộ; ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường; tối ưu hóa giải pháp thi công, hạn chế phát thải khí nhà kính.

Đến năm 2050, đặt mục tiêu 100% phương tiện kinh doanh vận tải hành khách đường bộ (bao gồm cả vận tải công cộng và taxi, xe tải hạng nhẹ) chuyển đổi sang phương tiện điện (không áp dụng đối với phương tiện sản xuất, lắp ráp phục vụ mục đích xuất khẩu).

100% xe ô tô phục vụ công tác đào tạo, sát hạch lái xe cũng sẽ chuyển đổi sang phương tiện điện, phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch vào năm 2050.

Cùng đó, 100% phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa và phương tiện, thiết bị chuyên dùng chuyển đổi sang phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (hai đối tượng này hiện các nghiên cứu về công nghệ nhiên liệu đang triển khai thử nghiệm, chưa thương mại hóa, nên mục tiêu đối tượng này được đưa ra là “nhiên liệu sạch” để phù hợp với sự phát triển công nghệ và sẽ được làm rõ hơn trong giai đoạn tiếp theo).

Áp dụng công nghệ cào bóc tái chế mặt đường đạt 50%; tiếp tục triển khai rộng rãi công nghệ bê tông nhựa ấm trong các dự án xây dựng, bảo trì đường bộ; ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường; tối ưu hóa giải pháp thi công, hạn chế phát thải khí nhà kính.

Xây dựng chính sách phát triển giao thông điện

Để thực hiện các mục kể trên, cần định hướng, xây dựng chính sách khuyến khích cụ thể như sau:

Rà soát, đề xuất sửa đổi Luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng phương tiện điện, phương tiện sử dụng năng lượng sạch hơn.

Xây dựng, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT phục vụ chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh; Xây dựng sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, hướng dẫn kỹ thuật cho hạ tầng và phương tiện phục vụ chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh; Xây dựng quy định, tiêu chí cho kết cấu hạ tầng giao thông “xanh” cho bến xe khách, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ, hệ thống dịch vụ hỗ trợ xanh.

Cần có chính sách khuyến khích phương tiện giao thông chạy điện

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các công trình hạ tầng giao thông, phương tiện chuyển đổi theo tiêu chí “xanh” cho các bến xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống dịch vụ hỗ trợ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí “xanh”; Thực hiện chuyển đổi các công trình hạ tầng giao thông hiện hữu và xây mới đạt tiêu chí “xanh” như thí điểm lắp đặt trạm sạc xe điện tại các bến xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống dịch vụ hỗ trợ trên các quốc lộ.

Nghiên cứu, phát triển, chuyển đổi công nghệ phương tiện, năng lượng, kết cấu hạ tầng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt chú trọng công nghệ, công nghiệp hỗ trợ phát triển, bảo trì phương tiện, trang thiết bị GTVT sử dụng điện, năng lượng xanh; nghiên cứu công nghệ ITS trong quản lý điều hành các lĩnh vực GTVT.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng sẽ phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện nhiệm vụXây dựng quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ” và “Đề xuất xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến nhập khẩu, sản xuất, đóng mới và hoán cải, chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, năng lượng xanh”.

Cùng đó, phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển GTVT thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng chiến lược truyền thông của Bộ GTVT về lộ trình, chính sách và lợi ích chuyển đổi phương tiện, thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh”.

Thế Đạt