Thực hiện Phong trào thi đua 'Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới' tại tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025

Ông Đỗ Minh Tuân – Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Phó trưởng ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hưng Yên. Ảnh TH tỉnh Hưng

Để đạt được kết quả đáng ghi nhận như vậy là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là sự chung sức đồng lòng của người dân. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ưng Yên tiếp tục thực hiện việc xây dựng Nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra mục tiêu phấn đấu: đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 55-60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25-30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 1-2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025?

Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020 đã giúp cho nhiều vùng nông thôn trên cả nước nói chung và vùng nông thôn của tỉnh Hưng Yên nói riêng có nhiều đổi thay. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam và còn tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn phát triển kinh tế. Với những kết quả đã đạt được của giai đoạn trước, bước sang giai đoạn 2021-2025, để thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Ở giai đoạn 2021-2025 này, xây dựng NTM không chỉ tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng mà còn chú trọng đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng trong xã hội nông thôn. Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế - văn hóa và xã hội trên địa bàn nông thôn. Đây chính là điểm mới trong xây dựng NTM so với giai đoạn 2011-2020.

- Xin ông cho biết thêm, đến nay tỉnh Hưng Yên đã và đang thực hiện như thế nào để đưa Chương trình MTQG xây dựng NTM vào cuộc sống của người dân?

Để xây dựng NTM, bên cạnh thực hiện tốt các quy định của trung ương, tỉnh Hưng Yên ban hành nhiều cơ chế chính sách, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Tiêu biểu như: Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 233/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 quy định chính sách hỗ trợ các địa phương về đích sớm, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025 như một chất xúc tác, tạo động lực mạnh mẽ để các địa phương phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2279/KH-UBND ngày 30/9/2021 phê duyệt Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025. Đây được coi là điểm sáng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021- 2025 của tỉnh Hưng Yên. Nhờ việc ban hành các cơ chế mở đã tạo điều kiện cho các xã tối đa hóa các nguồn lực của địa phương để đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025. Các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM vào kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm và thống nhất nhận thức “Xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, người dân là chủ thể”. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng các tổ chức thành viên, các ngành chức năng tập trung tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tuyên truyền xây dựng mô hình “khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”, “khu dân cư 3 không”, khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường… Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; vận động các tầng lớp nhân dân hiến kế, hiến công, hiến đất làm đường, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi; bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn. Các nội dung tuyên truyền đã phù hợp với thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của người dân, do vậy khi triển khai đã nhận được sự đồng thuận, đồng lòng của người dân và trở thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.

Ở giai đoạn trước, các địa phương chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì giai đoạn này chuyển sang thực hiện những nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân như: phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện Chương trình OCOP; triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Bức tranh khu vực nông thôn thay đổi theo hướng toàn diện hơn. Tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hưng Yên đã đạt gần 65 triệu đồng/người; tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,93%; giá trị thu được trên một ha canh tác đạt 230 triệu đồng; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,5%; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi trong cộng đồng dân cư.

Đến hết tháng 11/2023, tỉnh Hưng Yên đã có 93 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 155% kế hoạch đặt ra tới năm 2025; có 22 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 73% kế hoạch đặt ra tới năm 2025. Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đảm bảo kết nối chặt chẽ thành thị với nông thôn đồng bộ, hiện đại; nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của cơ sở trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tiến tới xây dựng NTM thông minh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; phát huy mọi nguồn lực xã hội trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh.

Bên cạnh đó, cũng tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền và sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ở nông thôn, hướng vào phục vụ dân, sát dân, vận động nhân dân tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của nông dân và dân cư nông thôn để vươn lên làm giàu cho chính mình và gia đình, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Nguyễn Ngọc (Thực hiện)