Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thẩm tra sơ bộ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Tham gia phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ễn Văn Hùng; các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành Trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2.6.2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chính phủ đã xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam.

Di sản văn hóa quy định tại luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Bố cục của dự thảo luật gồm 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương, 73 điều).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Bố cục của dự thảo Luật gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua.

Chính sách 1 về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng.

Chính sách 2 về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương.

Chính sách 3 về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật như được nêu tại Tờ trình số 119/TTr-CP ngày 29.3.2024 của Chính phủ. Việc sửa đổi luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện hành

Cho rằng, hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định, Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để nội luật hóa đầy đủ nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa... Đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo luật liên quan đến các luật khác để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Các ý kiến tại phiên họp cũng bày tỏ thống nhất với tính cấp thiết của việc sửa đổi luật và cho rằng, trước những yêu cầu thực tế, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần đưa ra thêm lý lẽ đối với những quy định cấm; điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để thi hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm chính sách dân tộc, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, quy định về di sản tư liệu...

Toàn cảnh phiên họp

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Để phục vụ thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban đã tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa tại một số tỉnh, thành phố; họp tổ thẩm tra; tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện luật và các nội dung của dự án luật, xin ý kiến của các cơ quan có liên quan...

Đánh giá hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu từ rất sớm, đủ chất lượng để có thể báo cáo trình ra Quốc hội. Để đảm bảo tính chặt chẽ, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện; đặc biệt rà soát thật kỹ nội dung về 3 nhóm chính sách lớn. Bên cạnh đó, nghiên cứu, rà soát thêm các nội dung đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); nguồn nhân lực, về tài chính; vấn đề sở hữu của một số di tích giao tư nhân quản lý…

Nhấn mạnh dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là một dự án luật lớn, liên quan đến rất nhiều luật khác, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự án luật, cần đối chiếu, rà soát thật kỹ các nội dung có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tin: Ng. Phương, Ảnh: Ngh. Đức