Tiêm tai tài lộc: 'Trái bản chất tướng pháp, phản khoa học'

Trong dịp cận Tết, dịch vụ tiêm filler vào dái tai hay các dịch vụ sửa mũi, làm mày, làm cằm được nhiều người tìm đến. Điều khiến nhiều người quan tâm đó là một số người có suy nghĩ đi phẫu thuật thẩm mỹ một số điểm trên khuôn mặt với mục đích thay đổi số mệnh, tăng tài lộc.

Bình luận về việc này, ngày 6/2, trao đổi với báo Đất Việt, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Trung tâm Lý học Đông phương cho rằng, trong bộ môn xem tướng người ta mô tả cái dái tai dày là người có phúc và thọ, còn tài lộc không liên quan đến tai. Tài lộc chỉ liên quan đến mũi.

"Một số người nghĩ bơm dái tai cho dày lên để có phúc thọ tôi thấy là rất buồn cười vì tôi nghiên cứu rất sâu về môn Lý học Đông phương này chứ không chỉ riêng tướng số đâu nên tôi biết, không có ai bơm dái tai cho dày lên mà có phúc thọ.

Cái gì cũng vậy, vũ trụ sinh ra vạn vật trên thế gian này là rất cân đối, con thỏ có 2 cái tai dài, còn con trâu thì có 2 cái sừng chứ không thể có tai như con thỏ. Chúng được tạo ra như vậy để sinh tồn phù hợp với điều kiện môi trường của nó.

Bởi vậy, khi đi vào chi tiết từng bộ phận của con người thì cái gì cũng phải cân đối. Một người đang bình thường, tự dưng đi làm phồng cái dái tai ra, còn những chi tiết khác trên khuôn mặt vẫn xấu thì trong tướng pháp gọi là phá cách", ông Tuấn Anh nói.

Nhu cầu tiêm tai tài lộc để thay đổi tướng số, phù hợp phong thủy đang tăng dần. Ảnh: Zing.vn

Theo ông Tuấn Anh, đối với mũi, nếu một người đi nâng mũi cao lên sẽ làm cho gò má bị xẹp xuống. Vũ trụ sinh ra con người, về mặt tướng pháp tự nó sẽ cân đối các bộ phận, chi tiết trên khuôn mặt. Nếu làm phồng lên một chi tiết nào đó sẽ mất cân đối, cuộc sống sẽ bị đảo lộn.

"Phúc đức là do mình tạo ra, mình tích lũy được mà có. Con người sống có tâm thì tự khắc nhìn khuôn mặt bên ngoài cũng hài hòa, cân bằng, hiền lành, không thể hiện được cái ác.

Không phải cứ bỏ ra vài triệu bơm dái tai, hay vài chục triệu để sửa đi cả khuôn mặt là tốt lên đâu, như vậy thì cần gì phải đi tu, cần gì phải làm đi làm phước nữa. Bố mẹ sinh ra như nào thì hưởng như vậy.

Tôi nghiên cứu về môn Lý học Đông phương và tướng số mấy chục năm rồi chưa thấy ai đi sửa tướng mà tốt. Người có suy nghĩ đó là trái với khoa học, trái với bản chất thực sự của tướng pháp", nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.

Nói về việc này, cùng ngày, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, tai là một trong ngũ quan của cơ thể, nhu cầu tạo hình thẩm mỹ, làm đẹp bộ phận này là chính đáng.

Tiêm tai cũng là thủ thuật rất đơn giản và thường gặp với các bác sĩ. Tuy nhiên, nếu không được thực hiện bởi người có chuyên môn, trong môi trường đảm bảo, việc làm này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

"Tiêm filler là thủ thuật có xâm nhập - sử dụng các chất liệu bên ngoài đưa vào lớp dưới da. Thủ thuật này bắt buộc phải do bác sĩ thực hiện", thạc sĩ Minh khẳng định.

Da có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các vi khuẩn. Do đó, trên bề mặt da và dưới lỗ chân lông, vi khuẩn có sẵn thường tồn tại với số lượng lớn. Trong điều kiện thông thường, các loại vi khuẩn này vẫn sống chung với chúng ta mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, khi tiêm filler trong điều kiện không đạt tiêu chuẩn, dụng cụ chưa vô khuẩn, việc sát trùng không đúng quy cách..., chúng ta sẽ phá vỡ lớp bảo vệ, tạo điều kiện để các loại vi khuẩn đó xâm nhập vào cơ thể xuyên qua da, gây nhiễm trùng nghiêm trọng.

"Nhiều trường hợp nhiễm khuẩn gây ra các micro áp-xe, trở thành một lớp vỏ bọc cho vi khuẩn khu trú trong cơ thể. Một số bệnh nhân nặng có thể nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng", thạc sĩ Minh nói.

Vì vậy, bác sĩ thực hiện phải kiểm soát tác nhân gây nhiễm trùng khi thực hiện phẫu thuật, tiểu phẫu. Cụ thể, dụng cụ được diệt khuẩn, phòng thực hiện thủ thuật được cấy không khí và hoàn toàn không có vi khuẩn.

Theo thông tin trên tờ Zing.vn, bác sĩ Nguyễn Đình Minh nhận định nhu cầu làm đẹp tai rất lớn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, người dân cần tới bệnh viện uy tín hoặc các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép để thực hiện các thủ thuật có xâm nhập như tiêm filler, tiêm botox, căng chỉ da mặt..., tránh các nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Thu Hoài