Tiếp nối đưa điện về vùng xa

Kéo cáp điện trên biển ra đảo Phú Quốc 1.

Ðiện khí hóa nông thôn là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất đến nay. Tỷ lệ hộ gia đình có điện tăng từ 2,5% vào năm 1975 lên 99,26% ở thời điểm hiện tại. Tính cả một số đảo, thôn đảo, cả nước chỉ còn gần 154 nghìn hộ dân chưa có điện và hơn 717 nghìn hộ dân có điện nhưng không ổn định, liên tục. Ðây là các khu vực có suất đầu tư cấp điện rất cao, nhưng cũng là vùng biên giới, hải đảo, vùng tập trung đồng bào dân tộc ít người, có ý nghĩa an ninh - quốc phòng quan trọng cho nên rất cần thiết tiếp tục triển khai đưa điện về trong thời gian tới.

100% số xã có điện

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Hội nghị T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu đến năm 2020 "cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư, các cơ sở công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn", từ năm 2009 đến nay được xác định là giai đoạn mở rộng tiếp cận điện cho các hộ dân chưa có điện. Nhất là từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2081/QÐ-TTg ngày 8-11-2013 phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo (Chương trình) giai đoạn 2013 - 2020, sau đó là Quyết định số 1740/QÐ-TTg ngày 13-12-2018 phê duyệt Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 có thể xem như chặng đường "về đích" cho mục tiêu điện khí hóa nông thôn của Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Ðiện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Bùi Quốc Hùng thông tin, trong giai đoạn 2016 - 2020, với nguồn vốn ngân sách trung ương huy động được là 4.743 tỷ đồng, cùng với vốn đối ứng của các chủ đầu tư, Chương trình đã cấp điện thêm cho 17 xã, đưa tỷ lệ số xã có điện trên cả nước đạt 100%; số hộ dân được cấp điện mới là 204.737 hộ; đồng thời, hoàn thành cấp điện cho các đảo gồm Lý Sơn, Bạch Long Vĩ, Nhơn Châu, Cù Lao Chàm, Trần, Cái Chiên. Thực tế cho thấy, việc đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo đã không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho các khu vực này. Cuộc sống hằng ngày của người dân sau khi có điện đã thay đổi sâu sắc, giúp thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi quy mô và tập quán canh tác, chăn nuôi, tăng năng suất trồng trọt và chế biến nông, lâm sản, nâng cao thu nhập. Mặt khác, điện cũng giúp cho các làng nghề truyền thống sử dụng công cụ, máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền và mở rộng ngành nghề mới. Các phương tiện nghe nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến trong mỗi gia đình người dân đã cải thiện đời sống văn hóa, nâng cao dân trí, đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài cho các địa phương, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Công thương Ðặng Hoàng An, do những hạn chế về nguồn lực tài chính, huy động vốn ngân sách trung ương cho Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 4.743 tỷ đồng, cộng thêm vốn đối ứng của các chủ đầu tư mới đạt khoảng 18,5% tổng nhu cầu vốn nên mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện vẫn chưa thực hiện được. Hiện vẫn còn khoảng 154 nghìn hộ dân chưa có điện, khoảng 717 nghìn hộ dân có điện nhưng không ổn định. Mặt khác, một số đảo như Cồn Cỏ (Quảng Trị); Thổ Chu, An Sơn và Nam Du (Kiên Giang); Côn Ðảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); các thôn đảo Ninh Tân, Ninh Ðảo, Ðiệp Sơn, Bích Ðầm ở Khánh Hòa,... cũng chưa có điện lưới. Ðây là các khu vực biên giới và hải đảo, có ý nghĩa an ninh - quốc phòng quan trọng nên Bộ Công thương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chấp nhận kéo dài Chương trình sang giai đoạn 2021 - 2025.

Huy động mọi nguồn lực

Thực tế, các khu vực nêu trên cũng là những nơi có suất đầu tư cấp điện cao nhất từ trước đến nay. Theo tính toán, nhu cầu vốn cần có lên tới 25.884 tỷ đồng, trong bối cảnh việc huy động vốn ngân sách gặp nhiều khó khăn, không đủ nguồn lực để đầu tư. Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cân đối nợ công, ưu tiên để Chính phủ huy động các nguồn vốn vay ODA, vốn ưu đãi nước ngoài bổ sung ngân sách trung ương nhằm thực hiện cấp phát kết hợp cho các chủ đầu tư vay lại triển khai Chương trình. Phó Cục trưởng Bùi Quốc Hùng cho biết, Bộ Công thương đã trình Bộ Kế hoạch và Ðầu tư thẩm định phương án sử dụng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 360 triệu USD, vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khoảng 400 triệu USD cho Chương trình trong giai đoạn tới, kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt nguồn vốn vay ưu đãi này để hoàn thành mục tiêu của Chương trình, giúp tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng với các tỉnh được giao trực tiếp thực hiện, cần có kế hoạch cân đối ngân sách địa phương hoặc huy động từ các nguồn khác, nhất là nguồn xã hội hóa để có vốn đối ứng.

Khẳng định việc huy động tài chính là hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của Chương trình, nhưng Thứ trưởng Ðặng Hoàng An cũng lưu ý một số vấn đề liên quan đến các bước triển khai tiếp theo. Ðó là mục tiêu mở rộng tiếp cận điện cho các hộ chưa có điện cần được ưu tiên triển khai ngay sau khi huy động được nguồn tài chính. Trong đó, phải xác định được cách thức thích hợp nhất để cung cấp điện cho các hộ còn lại vì hầu hết đều ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, khả năng cấp điện từ lưới điện quốc gia có suất đầu tư lớn. Do đó, cần thúc đẩy giải pháp cấp điện bằng nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) với chi phí trang thiết bị đã giảm đáng kể.

Giai đoạn vừa qua, cả nước đã triển khai giải pháp cấp điện NLTT cho các cụm dân cư nhỏ lẻ tại khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng, giúp giảm suất đầu tư trung bình từ khoảng 450 triệu đồng/hộ (đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia) xuống còn khoảng 80 triệu đồng/hộ. Hoặc việc phê duyệt bổ sung dự án thủy điện Mận Thắng 3 vào Chương trình, thực hiện cấp điện cho 167 hộ dân và bán điện dư thừa vào lưới điện quốc gia cũng giúp giảm đầu tư vốn ngân sách khoảng 12 tỷ đồng nhờ huy động tốt nguồn tài chính của doanh nghiệp địa phương. Các mô hình trên cần được nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai hiệu quả trong thời gian tới, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân. Cùng với đó, phát triển điện nông thôn cần gắn chặt với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo môi trường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người. Trong đó, cách thức triển khai tiếp cận điện cho giai đoạn tới cần tập trung vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện sinh kế cho các cộng đồng nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số; cung cấp điện cho phát triển, sử dụng điện cho sản xuất và chuyển dịch kinh tế.

Chí Công