Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ để phát triển kinh tế xã hội

Chưa như kỳ vọng

Trong giai đoạn 2016-2020, đã có một số công trình, dự án giao thông quan trọng được đưa vào sử dụng như: Các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải. Nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn khác cũng đã được đầu tư.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là tại các đô thị lớn đang từng bước được đầu tư, mở rộng, hoàn thiện theo hướng hiện đại và đồng bộ hóa với hình thức đầu tư đa dạng, các nguồn vốn mở rộng hơn. Nhiều tuyến giao thông chính ra vào thành phố, các trục giao thông hướng tâm, các tuyến tránh đô thị, các cầu lớn và nút giao lập thể được đầu tư xây dựng. Chất lượng phục vụ của hạ tầng kỹ thuật đô thị được cải thiện. Tỷ lệ đô thị hóa đã tăng từ 35,7% năm 2015 lên khoảng 39,3% năm 2020.

Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa; hạ tầng thủy lợi đồng bộ theo hướng đa mục tiêu; nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và hoàn thành góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và tăng năng lực tưới tiêu, tạo nguồn cấp nước và tiêu thủy, ngăn mặn... Củng cố, hoàn thiện, phát triển tổ chức quản lý khai thác hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

Hạ tầng được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng (Ảnh minh họa)

Hạ tầng năng lượng đầu tư tăng thêm, nhiều công trình lớn (trên 1.000 MW) được hoàn thành, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được phát triển góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao.

Hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển khá hiện đại, rộng khắp, kết nối với quốc tế và bước đầu hình thành siêu xa lộ thông tin. Từng bước xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước mang lại hiệu quả thiết thực. Bưu chính chuyển dịch từ dịch vụ truyền thống sang tham gia phát triển dịch vụ chuyển phát cho thương mại điện tử và hỗ trợ dịch vụ công. Hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch... được quan tâm đầu tư.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đánh giá, những kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Bởi các dự án, công trình giao thông khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020 còn rất ít so với yêu cầu quy hoạch phát triển, bao gồm các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), nhiều dự án hạ tầng giao thông còn chậm tiến độ. Đầu tư mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ, chưa quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thủy, thiếu cảng biển, cảng đường sông hiện đại để phát triển kinh tế và du lịch. Hạ tầng hàng không đã được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và du lịch, một số sân bay quốc tế lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng... đều đã quá tải.

Hạ tầng năng lượng còn thiếu tính đồng bộ, một số dự án điện quan trọng chậm tiến độ, việc phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng thay thế còn có những bất cập. Kết nối và truyền tải điện tại một số khu vực chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có cơ chế để tư nhân tham gia đầu tư phát triển truyền tải.

Hạ tầng đô thị phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian và chất lượng. Năng lực hệ thống hạ tầng đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển và tốc độ gia tăng dân số đô thị, nhất là về giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải... Thiếu kết cấu giao thông đồng bộ kết nối đô thị và nông thôn, giữa trung tâm và các khu vực mở rộng ven đô. Phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra.

Đẩy mạnh đầu tư

Từ thực tế nêu trên, nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đã đặt mục tiêu, đến năm 2025, hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn, các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ quan trọng; nâng cấp cảng hàng không, đặc biệt là các cảng trọng điểm; đầu tư nâng cao năng lực hệ thống cảng biển; chuẩn bị triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt vùng; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển.

Đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải theo đúng tiến độ được duyệt. Mở rộng lưới điện tới các vùng nông thôn, biên giới, hải đảo, bảo đảm an toàn và chống thất thoát điện. Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước; khuyến khích tham gia mạnh mẽ của khu vực ngoài nhà nước. Phấn đấu mức tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm.

Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin.

Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Xây dựng cơ sở hạ tầng liên xã, cấp huyện, vùng, bảo đảm tính kết nối theo hệ thống, nhất là về thủy lợi, giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án đường sắt đô thị, đường vành đai, đường xuyên tâm, các bãi đỗ xe, các công trình, đầu mối về cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, giảm ùn tắc giao thông, ngập nước tại các đô thị lớn. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là đầu tư theo phương thức PPP.

Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị phù hợp với xu hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên và nguồn lực. Xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Trung - Nam. Phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là đối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tăng tính kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; gắn kết phát triển đô thị và nông thôn.

Ngọc Quỳnh