Tin thế giới 12/4: Hàng loạt binh sĩ Ukraine tử trận; Mỹ phủ đầu Nga; Động thái mới sau vụ 'khủng bố' ở Iran; Philippines 'nhắn nhủ' Trung Quốc

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine:

Ukraine tố bị Nga "phớt lờ"

Ngày 12/4, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Iuliia Mendel cho biết, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã đề nghị thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột leo thang ở miền Đông quốc gia Đông Âu này, song chưa nhận được hồi đáp từ phía Moskva.

Theo bà Mendel, Nga đã bố trí hơn 40.000 quân nhân tại khu vực biên giới phía Đông Ukraine và hơn 40.000 binh sĩ ở Crimea. Trước đó, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, Nga đã từ chối các nỗ lực của Kiev nhằm khởi động đối thoại về sự gia tăng hiện diện quân sự của Moscow ở khu vực này.

Bà Mendel cũng cho hay, Tổng thống Zelensky sẽ tới thủ đô Paris của Pháp để bàn về động thái tăng cường quân sự của Nga và cuộc xung đột leo thang ở vùng Donbass. (Reuters)

Hàng chục binh sĩ Ukraine thiệt mạng ở Donbass

Ngày 11/4, quân đội Ukraine cho biết, một binh sĩ nước này đã thiệt mạng và một binh sĩ khác bị thương ở miền Đông do trúng đạn pháo của lực lượng đòi độc lập ở đây.

Ukraine xác nhận, 27 binh sĩ nước này đã thiệt mạng từ đầu năm đến nay. Ukraine thường xuyên đổ lỗi cho Nga tiếp tay cho các lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine mặc dù Moscow kiên quyết phản đối. (The Guardian)

Mỹ "phủ đầu", cảnh báo hậu quả nếu Nga gây hấn ở Ukraine

Ngày 11/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay, ông lo ngại về các hành động của Nga ở biên giới Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ lưu ý: "Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rất rõ ràng về điều này. Nếu Nga hành động liều lĩnh hoặc gây hấn, thì sẽ phải trả giá và sẽ có nhiều hậu quả". (AFP)

Nga-Mỹ: Nga nhận định đã bắt đầu "thời điểm khó khăn" trong quan hệ với Mỹ

Người đứng đầu Ủy ban về các vấn đề quốc tế của Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Grigory Karasin nhận định, "thời điểm khó khăn" trong quan hệ giữa Mỹ và Nga đã đến.

Tuy vậy, Nga vẫn giữ nguyên lập trường sẵn sàng phối hợp hành động và hợp tác bình đẳng trong những lĩnh vực đáp ứng lợi ích của chúng tôi và lợi ích của toàn thế giới", đồng thời lưu ý, những biện pháp trừng phạt và gây hấn đối với Nga "sẽ không bao giờ mang lại kết quả mong muốn". (Sputnik)

Vấn đề Iran:

Cơ sở hạt nhân Natanz gặp sự cố, đã xác định được thủ phạm?

Ngày 11/4, Iran cho hay, cơ sở hạt nhân Natanz của nước này đã gặp sự cố và bị mất điện, tuy nhiên sau đó, nước này tuyên bố đây là cuộc "tấn công khủng bố hạt nhân".

Theo The New York Times (Mỹ), sự cố này do một vụ nổ lớn gây ra, đã phá hủy hoàn toàn hệ thống điện nội bộ độc lập để chạy các máy ly tâm làm giàu uranium dưới lòng đất.

Chiều 12/4, truyền thông Iran cho biết nước này đã xác định được thủ phạm gây mất điện tại cơ sở hạt nhân Natanz. Trong khi đó, truyền hình nhà nước Iran dẫn lời Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif cáo buộc Israel gây ra sự cố mất điện tại nhà máy hạt nhân Natanz và cảnh báo Tehran sẽ có hành động "phục thù". (Kyodo, Reuters)

Iran tiếp tục làm giàu uranium tại cơ sở Natanz sau vụ tấn công, Đức lo ngại

Phó Tổng thống Iran Ali Akbar Salehi, phụ trách Cơ quan Năng lượng Nguyên tử (AEOI) nước này cho biết, vụ tấn công không làm ảnh hưởng đến hoạt động làm giàu uranium và nước này tiếp tục các hoạt động làm giàu tại cơ sở hạt nhân Natanz sau vụ tấn công.

Ông này cho biết thêm, các máy ly tâm bị phá hỏng sẽ được thay thế bằng những máy công suất lớn hơn trong một vài ngày tới.

Sau những diễn biến trên, Ngoại trưởng Đức cảnh báo, điều này không mang lại điềm báo tốt lành cho cuộc đàm phán hạt nhân nhằm khôi phục một thỏa thuận đang gặp khó khăn, vốn có mục đích kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo mọi mưu đồ hòng làm lệnh hướng cuộc đàm phán để đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời yêu cầu "làm rõ sự thật" về các diễn biến tại cơ sở hạt nhân này của Iran. (AFP, Sputnik)

Tình hình Myanmar: Bà Suu Kyi bị cáo buộc thêm tội danh

Reuters đưa tin, ngày 12/4, bà Aung San Suu Kyi tiếp tục ra hầu tòa thông qua nền tảng video. Tại tòa án, bà đã yêu cầu được phép gặp trực tiếp các luật sư đang bảo vệ quyền lợi cho mình.

Luật sư Min Min Soe cho hay, bà Suu Kyi đang chịu thêm một cáo buộc nữa liên quan đến luật đối phó với thiên tai. Dự kiến, phiên xét xử tiếp theo diễn ra vào ngày 26/4 tới.

Trước đó, bà Suu Kyi từng bị cáo buộc một số tội danh như vi phạm quy định hạn chế chống Covid-19, nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc, tội vi phạm đạo luật liên quan tới bí mật nhà nước. Bà cũng vướng cáo buộc tham nhũng tiền và vàng.

Trong số các cáo buộc trên, vi phạm luật liên quan tới bí mật nhà nước được xem là trọng tội và có thể đối mặt với án tù tối đa 14 năm.

Phiên tòa kế tiếp xét xử bà Suu Kyi dự kiến diễn ra vào ngày 26/4. (Reuters)

Tình hình Yemen:

Lực lượng Houthi tấn công các cơ sở lọc dầu của Aramco tại Saudi Arabia

Ngày 12/4, phong trào Houthi tại Yemen cho biết, đã phóng 17 thiết bị bay không người lái vào các mục tiêu tại Saudi Arabia, trong đó có 10 thiết bị tấn công vào các cơ sở lọc dầu của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco ở Jubeil và Jeddah.

Theo kênh truyền hình Al Masirah TV của phong trào thân Iran này, lực lượng Houthi cũng bắn 2 quả tên lửa đạn đạo nhằm vào Saudi Arabia.

Chưa có xác nhận nào từ phía Saudi Arabia trước thông tin trên.

Trước đó, hôm 11/4, liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen cũng đã ngăn chặn và phá hủy 6 máy bay không người lái chứa đầy chất nổ do phong trào Houthi phóng về phía nước này. (Reuters)

Nga kêu gọi các bên xung đột Yemen tiếp cận mang tính xây dựng

Ngày 11/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Nga dự định sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Liên hợp quốc, cũng như tiếp tục hối thúc Tổng thống Yemen Abdrabbuh Mansur Hadi và lãnh đạo phong trào Houthi Ansar Allah thực hiện cách tiếp cận mang tính xây dựng và sẵn sàng cho các thỏa hiệp khi thảo luận những bất đồng hiện có.

Ông Lavrov lưu ý rằng việc hòa giải ở Yemen là một trong những chủ đề thảo luận trong các cuộc đàm phán gần đây của ông với lãnh đạo các quốc gia vùng Vịnh Persian từ ngày 9-11/3.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh, Moscow vẫn theo dõi sát diễn biến tình hình ở Yemen và "đặc biệt quan ngại về tình trạng thù địch quay trở lại giữa Houthi và các lực lượng trung thành với Tổng thống Hadi ở tỉnh Marib". (TASS)

Bầu cử Đức: Lần đầu tiên lãnh đạo CDU và CSU đều muốn ứng cử thủ tướng

Lần đầu tiên, Chủ tịch hai đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) Armin Laschet và Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) Markus Söder tuyên bố công khai ý định ra tranh cử chức thủ tướng, kế nhiệm đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Cả hai ông Laschet và Söder đều mong muốn ban lãnh đạo liên đảng nhanh chóng thống nhất để đưa ra một ứng cử viên chung nhằm dẫn dắt liên đảng bảo thủ hướng tới cuộc bầu cử Quốc hội, dự kiến diễn ra vào ngày 26/9 tới.

Trong tất cả các cuộc khảo sát gần đây về một ứng cử viên thủ tướng tiềm năng, chính trị gia Söder đều giành ưu thế so với ông Laschet.

Đối với đảng Dân chủ Xã hội (SPD), ứng cử viên thủ tướng của đảng trung tả đã lộ diện ngay từ tháng 8/2020, đó là ông Olaf Schoz, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính liên bang. (Reuters)

Biển Đông: Mỹ sẽ triển khai thêm nhiều tàu

Ngày 11/4, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết, Mỹ sẽ triển khai thêm nhiều tàu đến Biển Đông và đây là một phần của hoạt động tự do hàng hải.

Ông Manuel Romualdez nói thêm, Philippines đã nhận được nhiều sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ từ "những người bạn" khi cần cũng như khi quan hệ giữa nước này với Trung Quốc xấu đi.

Nhà ngoại giao Philippines cho hay: "Tôi hy vọng Trung Quốc không trở thành kẻ thù của chúng tôi và tình hình sẽ không leo thang căng thẳng. Tôi hy vọng các tàu của Trung Quốc sẽ sớm rời khỏi Đá Ba Đầu". (Philstar)

Mỹ-Trung Quốc: Mỹ lo ngại mối đe dọa tiềm ẩn từ đồng nhân dân tệ kỹ thuật số

Bloomberg trích dẫn các nguồn thạo tin cho hay, các nhân viên Bộ Tài chính Mỹ, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng đang nỗ lực "tìm hiểu những hậu quả có thể xảy đến" từ việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc.

Một số quan chức Mỹ tỏ ý lo ngại sâu sắc rằng, việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ trở thành "một trong những yếu tố nằm trong kế hoạch lâu dài nhằm tước bỏ vai trò của USD như đồng tiền dự trữ chính trên thế giới".

Ngoài ra, các quan chức Mỹ cũng lo ngại về những con đường phổ biến đồng nhân dân tệ kỹ thuật số và việc liệu đồng tiền này có thể được sử dụng để lách các lệnh trừng phạt của Mỹ hay không.

Washington đặc biệt quan tâm tìm hiểu về những hậu quả mang tính dài hạn có thể xảy ra đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Các nguồn tin lưu ý, hiện tại chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa có kế hoạch "áp dụng bất kỳ biện pháp nào để chống lại các mối đe dọa từ tiền kỹ thuật số của Trung Quốc", mà ngược lại quan tâm đến khả năng tạo ra một "đồng USD kỹ thuật số". (Sputnik)