Tin thế giới 29/6: Nga nói Czech ngông cuồng; Mỹ 'khai hỏa' chuỗi đòn báo thù? Ông Biden dọa không để Iran có vũ khí hạt nhân

Nga-Czech tiếp tục lâm căng thẳng khi Prague đòi Moscow bồi thường liên quan vụ nổ kho đạn Vrbetice. (Nguồn: BrainStudy)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Czech: Prague đòi bồi thường, Moscow nói 'ngông cuồng'

Ngày 28/6, Bộ Ngoại giao Czech đã triệu Đại sứ Nga để đòi bồi thường cho các vụ nổ gây chết người tại kho đạn Vrbetice hồi năm 2014, được cho là liên quan đến hai nhân viên tình báo của Moscow.

Bộ trên không nêu rõ số tiền yêu cầu bồi thường, song truyền thông Czech cho hay, khoản tiền này lên tới 25,5 triệu Euro (khoảng 30,35 triệu USD).

Phản ứng với động thái này, trên kênh Telegram cá nhân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: "Không hiểu chuyện gì đang diễn ra trong đầu các chính trị gia Czech? Họ luôn nghĩ cách làm xấu đi quan hệ song phương trong nhiều tháng dù không cần thiết".

Quan chức này cho rằng, chính Czech tự đẩy mình vào danh sách quốc gia không thân thiện của Nga và "với mọi tuyên bố và hành động ngông cuồng mới đây" - ám chỉ yêu cầu đòi bồi thường - họ đã "tự xác nhận mình xứng với vị trí đó".

Nhận định Czech đang hành động theo nguyên tắc "trừng phạt người vô tội, thưởng cho kẻ chẳng liên quan", bà Zakharova ám chỉ, "những người hành động theo cách trên, không xét xử hoặc điều tra mà sử dụng lời đe dọa và lăng mạ để moi tiền là những kẻ tống tiền". (Sputnik)

Nga-Mỹ: Muốn quan hệ ổn định và có thể dự đoán, Mỹ vẫn liên tục cảnh báo Moscow

Ngày 28/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay, ông đã nói rõ với Nga rằng, mối quan hệ Nga-Mỹ nên ổn định và có thể dự đoán.

Tuy nhiên, ông Biden cũng khẳng định, ông sẽ phản ứng trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công mạng hay can thiệp vào nền kinh tế Mỹ mà Nga đứng sau.

Sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục tái khẳng định kỳ vọng của Washington trong quan hệ với Moscow, song một lần nữa cảnh báo đáp trả "nếu Nga tiếp tục tấn công". (Reuters)

EU-Belarus: Minsk phản công đòn trừng phạt của Brussels

Ngày 28/6, Belarus đã triệu hồi đại diện thường trực của nước này tại Liên minh châu Âu (EU) về nước để tham vấn sau khi bị khối này áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới, đồng thời "mời" đại diện của EU quay về Brussels chuyển tải lập trường của phía Minsk.

Bên cạnh đó, Belarus cũng thông báo tạm ngừng tham gia chương trình “Đối tác Phương Đông”, sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác giữa EU và các nước Đông Âu, cho rằng, nước này “không thể hoàn thành các nghĩa vụ theo chương trình trong bối cảnh EU áp đặt những biện pháp trừng phạt và hạn chế”. (AFP, Sputnik)

Mỹ không kích Syria-Iraq:

Ngoại trưởng Mỹ bảo vệ hành động, chuyên gia nói bất hợp pháp

Kênh truyền hình RT của Nga đưa tin, ngày 28/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên tiếng bảo vệ cuộc không kích của Lầu Năm Góc nhằm vào các mục tiêu mà Washington cho là các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn ở biên giới Iraq-Syria.

Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi đã thực hiện những hành động cần thiết, thích hợp và có chủ đích nhằm hạn chế nguy cơ leo thang trong khu vực. Đồng thời, đây cũng là một thông điệp răn đe rõ ràng”.

Trong khi đó, một số chuyên gia pháp lý nhận định, Mỹ dường như không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế và trong nước để giải thích cho các cuộc không kích này, có nghĩa là các cuộc tấn công có thể được coi là "hành động xâm lược, vi phạm chủ quyền của cả 2 nước".

Tuy vậy, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Điều II trong Hiến pháp Mỹ đã trao quyền cho Tổng thống Joe Biden thực hiện cuộc không kích và lập luận rằng, đây là hành động "tự vệ".

Syria và Iraq cũng đã lên tiếng chỉ trích động thái của Washington, cho rằng đây là hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của hai nước Trung Đông này.

Mỹ kích hoạt đòn báo thù lẫn nhau?

Tối 28/6, Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria đưa tin, một căn cứ quân sự của Mỹ nằm tại mỏ dầu Al-Omar, khu vực nông thôn tỉnh Deir al-Zour, miền Đông nước này bị tấn công bằng rocket.

Người phát ngôn quân đội Mỹ, Đại tá Wayne Marotto đã xác nhận thông tin về vụ tấn công và cho biết đang đánh giá thiệt hại.

Cơ quan giám sát nhân quyền Syria cho biết, vụ tấn công đã gây cháy một số tài sản và thiêu cháy một số xe ô tô trong căn cứ. Không có thông tin thiệt hại về người.

TASS dẫn lời Đại tá Marotto viết trên Twitter cho biết thêm, Mỹ đã nã pháo đáp trả cuộc tấn công trên, nêu rõ: "Chúng tôi đã hành động tự vệ và bắn pháo phản lực vào các vị trí phóng tên lửa".

Mỹ-Israel:

Tổng thống Mỹ gặp người đồng cấp Israel

Ngày 28/6, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp người đồng cấp Israel Reuven Rivlin và thảo luận về quan hệ song phương cũng như các vấn đề trong khu vực.

Trong cuộc gặp, ông Biden đã kêu gọi Israel hỗ trợ các cơ hội kinh tế lớn hơn cho người dân Palestine, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhà nước Do Thái thực hiện các bước đảm bảo bình yên, ổn định cho người dân Palestine.

Ông chủ Nhà Trắng cũng bày tỏ ủng hộ các nỗ lực của Israel bình thường hóa quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cho biết, ông sẽ tiếp đón Thủ tướng Israel Naftali Bennett tại Nhà Trắng trong thời gian sớm nhất có thể. (Reuters)

Tổng thống Biden: Iran đừng hòng có vũ khí hạt nhân khi tôi còn 'canh gác'

Trong cuộc thảo luận của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Israel, ông Biden tái khẳng định cam kết "không thể lay chuyển" của Washington đối với quyền tự vệ của đồng minh Trung Đông này.

Tổng thống Biden cho biết, ông sẽ không để cho Iran có được vũ khí hạt nhân và sẽ ủng hộ quyền tự vệ của Israel trước các đối thủ trong khu vực.

Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: "Tôi có thể đảm bảo rằng, Iran sẽ không bao giờ có được vũ khí hạt nhân khi tôi còn đang 'canh gác'". (Sputnik)

G20: Khai mạc Hội nghị ngoại trưởng, tìm 'liều thuốc' cho các khủng hoảng toàn cầu

Ngày 29/6 tại thành phố Matera, miền Nam Italy, ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tổ chức hội nghị trực tiếp đầu tiên trong 2 năm qua.

Hội nghị kéo dài 1 ngày sẽ thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác để ứng phó các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch Covid-19.

Trong số các quan chức có mặt tại Matera có các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức và Ấn Độ. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Brazil và Australia tham dự theo hình thức trực tuyến. Nga và Hàn Quốc cử các thứ trưởng ngoại giao tới tham dự.

Trước thềm Hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định tầm quan trọng của việc cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo hơn, cho rằng, cuộc khủng hoảng y tế mà dịch Covid-19 gây ra đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế trên toàn thế giới. (Reuters)