Tin thế giới 8/7: Nga gọi nhưng Mỹ chưa hồi đáp; Quân đội Mỹ bị tấn công; Ấn Độ cải tổ nội các; Cựu Tổng thống Nam Phi tự thú

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: AP)

Nga: Mỹ chưa phản hồi về tổ chức đối thoại an ninh mạng

Ngày 8/7, tại buổi nói chuyện ở trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng hiện Moscow chưa nhận được phản hồi rõ ràng từ Washington về việc khởi động đối thoại liên quan đến các vấn đề an ninh mạng.

“Họ tiếp tục cáo buộc chúng tôi tấn công bằng tin tặc, cáo buộc rằng chúng tôi đang phá hoại an ninh của hầu hết các nước phương Tây. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi rõ ràng về vô số lời đề nghị của chúng tôi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế thay vì những vấn đề giả tạo”, ông Lavrov nói. (TASS)

Nga cảnh báo các hành động khiêu khích ngoài khơi bán đảo Crimea

Phó Thủ tướng Cộng hòa Crimea, Đại diện thường trực của Tổng thống Nga tại Crimea, ông Georgy Muradov ngày 8/7 cảnh báo phương Tây sẽ tiếp tục các hành động khiêu khích ngoài khơi bán đảo này.

Theo ông Muradov, các nước phương Tây sẽ cố tình làm leo thang tình hình và các hành động khiêu khích mới dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8, thời điểm khai mạc hội nghị thượng đỉnh “Nền tảng Crimea” ở Ukraine.

Ông Muradov cho rằng cần đặc biệt chú ý đến các hành động của phương Tây ở Biển Azov, vì các tàu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể tìm cách đi vào các cảng Mariupol và Berdyansk của Ukraine qua eo biển Kerch.

Trước đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, nếu tàu khu trục HMS Defender của Anh không rời khỏi lãnh hải ở gần Crimea thì quân đội Nga sẽ buộc phải hành động cứng rắn. (TASS)

Quân đội Mỹ liên tục bị tấn công ở Iraq và Syria

Các quan chức Mỹ và Iraq hôm 7/7 cho biết, hàng loạt các vụ tấn công bằng rocket và thiết bị bay không người lái trong 24 giờ qua nhằm vào lực lượng Mỹ tại Iraq và Syria, làm 2 quân nhân Mỹ bị thương.

Trong khi đó, 2 quả rocket đã rơi trúng khu vực gần Đại sứ quán Mỹ bên trong Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad. Một quan chức an ninh làm việc trong trụ sở ở Vùng Xanh cho hay hệ thống chống rocket của Đại sứ quán Mỹ đã làm chệch hướng 1 quả rocket, trong khi quả thứ 2 rơi xuống gần khu vực vòng ngoài Vùng Xanh.

Theo chuyên gia phân tích, đây có thể là một phần trong chiến dịch do các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn thực hiện. Các nhóm vũ trang tại Iraq trước đó cam kết trả đũa sau khi Mỹ không kích khu vực biên giới Syria và Iraq làm 4 thành viên của nhóm này thiệt mạng. Iran ngay lập tức lên tiếng phủ nhận cáo buộc này. (Reuters)

Báo Trung Quốc nói Mỹ ‘điều khiển’ NATO chống Nga

Trang Sohu của Trung Quốc bình luận rằng Mỹ với sự trợ giúp của các đồng minh NATO tại châu Âu đang tổ chức những cuộc khiêu khích quy mô lớn ở Biển Đen nhằm vào Nga.

Mở đầu bài viết, tờ Sohu khẳng định cuộc tập trận Sea Breeze 2021 diễn ra từ ngày 28/6 tại Biển Đen rõ ràng là một hành động chính trị nhằm chống lại Nga một cách trực tiếp.

"Khu vực Biển Đen luôn được coi là 'sân sau' của Nga. Nhận thức rõ điều này, Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn ở đây, trong đó có sự tham gia của 32 quốc gia, hàng nghìn quân nhân và hàng chục tàu chiến", tờ Sohu nhấn mạnh.

Tờ báo Trung Quốc nói thêm, Mỹ chắc chắn nhận thấy mức độ quan trọng của Biển Đen đối với Nga, vì vậy họ đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra chuỗi hành động khiêu khích mới trong khu vực.

Trong khi đó, bài viết cũng cảnh báo việc gây hấn với Nga không chỉ khó mà còn nguy hiểm. Nga nhiều lần nói rõ về việc họ sẵn sàng đáp trả cứng rắn trước bất kỳ hành động gây hấn nào, cho nên tất cả những hành động khiêu khích gần đây ở Biển Đen đều là "hành động tự sát".

Ấn Độ cải tổ nội các, 12 bộ trưởng từ chức

Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 7/7 thông báo 12 bộ trưởng của nước này đã xin từ chức. Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ và mở rộng nội các của chính quyền Thủ tướng Modi, trước thềm các cuộc bầu cử cấp bang ở Ấn Độ diễn ra vào năm tới.

Trong số những cái tên xin rời khỏi nội các Ấn Độ lần này, có Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan, Bộ trưởng Giáo dục Ramesh Pokhriyal Nishank, Bộ trưởng Tư pháp và Công nghệ Ravi Shankar Prasad cùng Bộ trưởng Môi trường Prakash Javadekar. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman và Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar vẫn được giữ nguyên chức vụ của mình.

15 tân bộ trưởng và 28 tân thứ trưởng đã tuyên thệ nhậm chức tại một buổi lễ ở Phủ Tổng thống Ấn Độ trong hôm 7/7 vừa qua. Cùng ngày, 8 thứ trưởng trong nội các hiện tại của Thủ tướng Narendra Modi cũng đã được thăng chức. Danh sách các tân bộ trưởng của Ấn Độ dự kiến sẽ được công bố trong hôm 8/7. (ABC)

Iran nói làm giàu urani vì mục đích hòa bình

Ngày 7/7, Bộ Ngoại giao Iran trấn an dư luận quốc tế rằng Tehran làm giàu urani lên mức tinh khiết 20% chỉ dành cho các mục đích hòa bình, đồng thời khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ đảo ngược những bước đi hạt nhân nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Saeed Khatibzadeh nêu rõ: “Trái ngược với những tuyên bố của Mỹ và các cường quốc châu Âu, biện pháp này chỉ phục vụ cho các mục đích hòa bình và sử dụng cho Lò phản ứng nghiên cứu Tehran”.

Liên quan đến cuộc đàm phán hạt nhân, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/7 cho biết Washington hy vọng vòng đàm phán không chính thức thứ 7 giữa Mỹ và Iran về khả năng quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân sẽ diễn ra “vào thời điểm thích hợp”, song không nêu rõ mốc thời gian cụ thể. (Reuters)

Tái bổ nhiệm Thủ tướng Thụy Điển

Nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển Stefan Lofven đã được Quốc hội nước này tái bầu làm Thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu hôm 7/7 (giờ địa phương), tạm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Thụy Điển.

Sau khi ông Lofven từ chức, cơ hội thành lập chính phủ được trao cho ứng cử viên cánh hữu đối lập Ulf Kristersson. Tuy nhiên, ông Kristersson sau đó đã tuyên bố từ bỏ nỗ lực thành lập chính phủ do "các điều kiện không cho phép".

Mặc dù được tái bổ nhiệm, ông Lofven tuyên bố vẫn sẽ từ chức một lần nữa nếu đề xuất ngân sách của ông không được Quốc hội thông qua vào mùa Thu tới. (Reuters)

Cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tự thú

Cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma ngày 7/7 đã tự nộp mình cảnh sát để bắt đầu thụ án 15 tháng tù vì tội khinh thường tòa án.

Vụ việc trên là đỉnh điểm của tranh cãi pháp lý kéo dài, được xem như một bài kiểm tra đối với năng lực thực thi pháp quyền của đất nước Nam Phi trong thời kỳ hậu apartheid (chế độ phân biệt chủng tộc).

Tòa án đã kết án ông Zuma 15 tháng tù giam vì tội chống lệnh của tòa hồi tháng 2 về cung cấp bằng chứng cho cuộc điều tra cáo buộc tham nhũng trong suốt 9 năm ông cầm quyền. Cuộc điều tra này được lãnh đạo bởi Phó Chánh án tòa Tối cao Raymond Zondo.

Trong một thông báo trên Twitter, đại diện của ông Zuma cho biết: “Xin lưu ý rằng cựu Tổng thống Zuma đã quyết định tuân thủ lệnh giam giữ”. Tuyên bố này đánh dấu lần đầu tiên đội ngũ của ông Zuma hợp tác với tòa án. (AFP)

Tình báo Hàn Quốc: Ông Kim Jong-un sụt khoảng 20 kg

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đã sụt tới 20 kg nhưng không gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, theo cơ quan tình báo Hàn Quốc.

"Nếu ông Kim Jong-Un có vấn đề bất thường về sức khỏe, người ta sẽ phát hiện dấu hiệu cho thấy thuốc đang được nhập đến phòng khám phụ trách sức khỏe của ông ấy. Tuy nhiên, điều này hiện vẫn chưa được ghi nhận", nghị sĩ Hàn Quốc Kim Byung Kee nói với báo giới hôm 8/7.

Nghị sĩ 59 tuổi nói thêm rằng ông Kim gần đây vẫn tổ chức "các cuộc họp dài hàng giờ" và không có dấu hiệu bất thường nào trong cách đi lại. (Yonhap)

EU khẳng định không bao giờ chấp nhận giải pháp 2 nhà nước về vấn đề Cyprus

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 8/7 thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ "không bao giờ" chấp nhận một thỏa thuận hai nhà nước với đảo quốc Cyprus bị chia rẽ sắc tộc.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, bà von der Leyen nêu rõ: "Tôi muốn nhắc lại rằng chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một giải pháp hai nhà nước. Chúng tôi chắc chắn về điều này và rất thống nhất. Các nước láng giềng của chúng tôi có (một) sự quan tâm đến quan hệ song phương tốt đẹp. Nếu trong trường hợp này, chúng tôi cũng quan tâm tới quan hệ song phương hữu hảo, tôi muốn các nước láng giềng của chúng tôi biết rằng nếu họ nói với một trong các nước thành viên, ví dụ như Cyprus, với bất cứ giọng điệu nào, họ đang nói với EU".

Bà von der Leyen, người đang ở thăm Cypurs, cho biết EU đã từng lên tiếng về cuộc xung đột vốn kéo dài nhiều thập kỷ và là một rào cản chính trong những tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này. (Reuters)

Đài Loan phản ứng với Mỹ

Đài Loan (Trung Quốc) đã gửi thông điệp "tránh gây hiểu lầm" tới Washington thông qua Văn phòng Đối ngoại Đài Loan tại Mỹ, Reuters đưa tin hôm 8/7.

"Do các phương tiện truyền thông có cách hiểu khác nhau, cơ quan đối ngoại Đài Loan đã yêu cầu văn phòng tại Mỹ nhắc nhở Washington tránh gây ra những đồn đoán hay hiểu lầm không cần thiết", bà Joanne Ou, người phát ngôn Cơ quan đối ngoại Đài Loan, cho biết.

Trước đó, Nhóm Phản ứng với Covid-19 của Nhà Trắng đã đăng trên Twitter thông tin về việc Mỹ cung cấp vaccine cho các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nội dung bài đăng xuất hiện lô vaccine Moderna Nhà Trắng gửi đến Đài Loan. Thông tin trên gắn kèm hình ảnh lá cờ của hòn đảo, bên cạnh các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Dù vậy, Reuters cho biết dường như dòng tweet của Mỹ đã bị gỡ bỏ hôm 7/7. (Reuters)