Tin tức Đời sống 23/4: Tử vong sau khi ăn trứng luộc chỉ vì sơ suất của người lớn

Tử vong sau khi ăn trứng luộc vì sơ suất của bà nội

Theo Sina, bác sỹ cho biết, chính những quả trứng luộc kiểu lòng đào để trong tủ lạnh là nguyên nhân khiến bé trai 4 tuổi ở Chiết Giang, Trung Quốc tử vong.

Theo truyền thông địa phương, cha mẹ cậu bé 4 tuổi này do bận công việc nên giao con cho bà nội chăm sóc. Một hôm, bà nội phát hiện cháu trai rất thích ăn trứng luộc lòng đào. Chiều theo sở thích của cháu, bà thường xuyên luộc trứng theo kiểu này cho cháy ăn.

Do bản tính tiết kiệm, bà nghĩ mỗi lần luộc là một lần mất thêm thời gian và tiền điện, nước nên thường luộc nhiều quả trứng cùng một lúc. Những quả mà cháu trai không ăn hết được bà cho vào tủ lạnh để bảo quản, ăn dần trong vài ngày.

Cách đây ít ngày, cậu bé trở nên mệt mỏi, cơ thể suy nhược nhanh chóng. Quá sợ hãi, người bà đã báo ngay cho bố mẹ cậu bé về nhà, đồng thời đưa cháu đi cấp cứu. Dù được đưa tới bệnh viện nhanh chóng, cậu bé được xác nhận đã tử vong.

Bác sỹ nhận định, chính những quả trứng luộc lòng đào, để lâu trong tủ lạnh là nguyên nhân gây nên cái chết của bệnh nhân nhỏ tuổi. Trứng không được nấu chín hoàn toàn, lại để lâu khiến vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó phổ biến nhất là Salmonella. Khi nhiễm vi khuẩn này với số lượng lớn, bệnh nhân thường bị tiêu chảy, đau bụng, sốt và suy nhược toàn thân.

Các triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ 8 đến 72 giờ sau khi ăn thực phẩm nhiễm khuẩn. Cậu bé 4 tuổi ở Chiết Giang, Trung Quốc có khả năng miễn dịch kém, tình trạng nhiễm vi khuẩn lại không được phát hiện kịp thời nên mất đi mạng sống quý giá.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có tới 220 triệu trẻ em bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 40% là trẻ dưới 5 tuổi. Thời gian ủ bệnh ở nhiều trẻ chỉ kéo dài vài giờ. Các biểu hiện ngộ độc bao gồm nôn mửa, tiêu chảy và các triệu chứng khác. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể chuyển sang trạng thái sốc, hôn mê và thậm chí tử vong trong trường hợp nặng như cậu bé nói trên.

Thực hư hiệu quả của nhịn ăn gián đoạn

Nhiều người có thói quen nhịn ăn và chỉ nạp năng lượng một lần trong ngày với mục đích giảm cân. Trong đó, nhịn ăn gián đoạn, hay còn gọi là phương pháp “16:8”, rất phổ biến. Nó được coi như một giải pháp hiệu quả để giảm cân và ngăn ngừa các bệnh khác nhau.

Nhiều nghiên cứu gần đây cảnh báo về những hậu quả có thể gây hại đến sức khỏe tim mạch từ chế độ nhịn ăn gián đoạn. Một trong số đó là nghiên cứu từ Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Nghiên cứu đã chỉ ra những tác động có hại tiềm ẩn đối với hệ tim mạch từ việc nhịn ăn gián đoạn.

Chia sẻ về phương pháp nhịn ăn này, bác sĩ Tạ Tùng Duy, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, nếu nhịn ăn sai cách, mọi người có thể cảm thấy đau đầu, khó chịu, đau bụng, mệt mỏi và không thể tập trung. Không phải tất cả các loại thực phẩm hay đồ uống nào cũng có tác dụng sau nhiều giờ không ăn.

Bác sĩ Tùng dẫn chứng, theo các khuyến nghị, trong thời gian nhịn ăn, mọi người nên uống nhiều nước. Sau khi kết thúc thời gian nhịn ăn, nên tập trung vào đồ uống như: sữa, nước ép trái cây hoặc sinh tố.

Những đồ uống này sẽ giúp cung cấp một số chất dinh dưỡng mà không gây khó chịu cho hệ tiêu hóa như: Đồng mangan, kali và chất xơ. Những người nhịn ăn cũng không nên sử dụng đồ uống có chứa đường, kể cả đường fructose, như nước hoa quả, nước ngọt có gas vì sẽ gây ra tình trạng đầy hơi.

“Tổ chức dinh dưỡng Anh Quốc khuyến khích, sau khi nhịn ăn, nên ăn các loại thịt và các thực phẩm giàu protein. Tùy thuộc vào độ dài của mỗi lần nhịn ăn, nên chia nhỏ khẩu phần.

Tuy nhiên, người nhịn ăn nên hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, nên ưu tiên các loại thịt nạc (ví dụ như thịt gà bỏ da, phần thịt nạc). Bởi, điều này giúp tối ưu hóa lượng dinh dưỡng nạp vào trong khoảng thời gian được ăn trở lại”, chuyên gia cho biết.

Chia sẻ về thời gian cho mỗi lần nhịn ăn, bác sĩ Tùng nêu, điều đó phụ thuộc vào chế độ ăn mà mỗi người muốn theo đuổi. Chuyên gia dẫn chứng, trong một số tôn giáo, họ tôn thờ việc nhịn ăn. Điều này đã tạo ra các câu hỏi về lợi ích sức khỏe của việc nhịn ăn. Theo tạp chí Nutrition, nhịn ăn giúp cân bằng năng lượng, hạn chế tổn thương tế bào và mô do các gốc tự do, giảm lipid máu.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Dinh dưỡng Anh Quốc, trong thời gian nhịn ăn, cơ thể sẽ sử dụng hết carbohydrate và chất béo dự trữ để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nếu không uống nước, thận sẽ giữ nước và gây ra mất nước nhẹ.

Bác sĩ Tùng cho biết, theo các chuyên gia dinh dưỡng, tác động của nhịn ăn có giúp giảm cân hay không vẫn chưa rõ ràng. Các đánh giá dinh dưỡng của Mỹ năm 2017 hỗ trợ quan điểm rằng, nhịn ăn gián đoạn giúp giảm cân. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác không cho kết quả như vậy.

Trong ba kiểu nhịn ăn phổ biến (nhịn ăn xen kẽ trong ngày, nhịn ăn có điều chỉnh và nhịn ăn trong thời gian giới hạn) thì không có sự khác biệt đáng kể giữa phương pháp giảm cân nhịn ăn và phương pháp chế độ ăn ít năng lượng (low-calorie). Ngoài ra, nhịn ăn có thể không phù hợp với người có tiền sử rối loạn ăn uống, người mắc bệnh đái tháo đường và phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.

Theo BSCKI Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, nếu có nhu cầu nhịn ăn để giảm cân hay vì một mục đích nào đó, mọi người nên tìm hiểu kỹ nhịn ăn có tác hại gì trước khi thực hiện mục đích này. Để nhịn ăn an toàn, mọi người có thể áp dụng phương pháp này chỉ trong một thời gian ngắn.

Chuyên gia gợi ý, có thể lựa chọn nhịn ăn theo mô hình 5:2 hoặc 6:1. Trong đó, mô hình 5:2 có nghĩa là cần hạn chế lượng calo nạp vào trong hai ngày/tuần. Như vậy, trong 5 ngày liền, mỗi ngày nữ giới sẽ cần nạp khoảng 500 calo, còn nam giới cần nạp khoảng 600 calo, sau đó mới nhịn 2 ngày. Mô hình 6:1 thực hiện tương tự mô hình 5:2. Song, thay vì giảm lượng tiêu thụ calo trong 2 ngày, thì mô hình này chỉ giảm tiêu thụ calo trong 1 ngày..

Cũng theo chuyên gia này, nhiều người nhịn ăn vì nỗ lực giảm cân, nhưng điều này không chỉ gây thiếu hụt calo mà còn làm cho cơ thể bị mất cơ và mỡ. Muốn giảm thiểu mất cơ khi nhịn ăn thì cần ăn đủ đạm. Những ngày nhịn ăn chỉ cần ăn một lượng nhỏ đạm thì vẫn kiểm soát cơn đói rất tốt. Đây chính là phần sẽ bù đắp vào tác dụng phụ có thể xảy ra khi nhịn ăn.

“Nhịn ăn nhiều hoặc quá lâu rất dễ khiến cơ thể suy nhược, làm chậm quá trình trao đổi chất, rối loạn nhiều chức năng trong cơ thể, đau dạ dày,... Nếu đã biết được nhịn ăn có tác hại gì thì nên có chế độ ăn uống khoa học, luyện tập hợp lý. Không nên vì mục tiêu giảm cân mà nhịn ăn không đúng cách, rất dễ đẩy cơ thể vào các tình huống nguy hiểm”, bác sĩ Vân nhấn mạnh.

ThS Lưu Liên Hương, Viện Y học ứng dụng Việt Nam lưu ý, những người bị rối loạn ăn uống, có tiền sử rối loạn ăn uống hoặc ám ảnh về cơ thể thì không nên áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn.

'Đau muốn rụng giò', đi khám phát hiện bướu thận di căn

Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết chỉ chưa đầy 1 tháng, bệnh viện đã thực hiện 2 cuộc phẫu thuật phức tạp thay mới tĩnh mạch chủ dưới, cứu 2 người bệnh có chồi bướu xuyên thành chít hẹp tĩnh mạch chủ cản trở máu về tim.

Ca thứ nhất là bệnh nhân PVĐ (60 tuổi, ngụ TP.HCM) đi khám vì chân phải đột nhiên đau nhiều không rõ nguyên nhân gần một tuần, kèm sốt.

Theo ông Đ diễn tả, chân phải của ông đau đến mức “muốn rụng giò” khiến một người chưa bao giờ chịu đi khám bệnh như ông phải tìm gặp bác sĩ.

Trước đó, qua khám tại bệnh viện địa phương, kết quả siêu âm cho thấy ông Đ có bướu thận, sau đó ông được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân điều trị tiếp.

Tại Bệnh viện Bình Dân, qua hình ảnh CT-scan có cản quang và MRI (chụp cộng hưởng từ), các bác sĩ phát hiện bướu thận phải kích thước lớn 80 x 40 mm. Chồi bướu đã ăn lan, xuyên vào thành tĩnh mạch chủ dưới gây chít hẹp khiến máu từ chân phải không chảy về tim được. Đây chính là lý do làm cho ông Đ cảm thấy đau chân dữ dội.

Theo y văn, ung thư thận có chồi bướu vào lòng tĩnh mạch chiếm 4-10% các tổng số người bệnh. Nếu không điều trị, thời gian sống trung bình của người bệnh là 5 tháng.

Tuy nhiên, trường hợp phát hiện muộn như ông Đ, các bác sĩ ước tính bệnh nhân khó giữ được tính mạng trong 2 tuần tiếp theo nếu không phẫu thuật do bướu thận sẽ lan dần về tim, lên phổi gây tắc nghẽn tuần hoàn.

Ca phẫu thuật bướu thận cho ông Đ đã thành công sau hơn 11 giờ nỗ lực của ê kíp bác sĩ nhiều chuyên khoa. 2 ngày sau phẫu thuật ông Đ đã vận động được tại giường và được cắt chỉ ở ngày hậu phẫu thứ 7, xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 10.

Trước khi xuất viện, ông Đ được kiểm tra ống ghép và mạch máu lưu thông tốt, chức năng thận trái tốt. Sau khi vết thương ổn định, ông sẽ tiếp tục các liệu trình hóa trị để loại trừ các tế bào ung thư và sử dụng thuốc chống đông, phòng ngừa huyết khối sau này.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân PTN (37 tuổi), nhập viện vì đau hông lưng âm ỉ bên phải từ 2 tháng trước kèm ăn uống kém, sụt cân.

Cách đây 5 năm, bệnh nhân từng được phẫu thuật do ung thư vỏ tuyến thượng thận bên phải, nhưng do dịch COVID-19 đến nay không tái khám.

Tại Bệnh viện Bình Dân, các bác sĩ phát hiện bướu vỏ tuyến thượng thận của bệnh nhân đã tái phát, lớn bằng trái banh tennis. Đáng kể, bướu đã xâm lấn gây huyết khối hoàn toàn đoạn tĩnh mạch chủ dưới lân cận, xâm lấn gan, bao quanh động mạch thận phải, dính cực trên thận phải và dính tá tràng.

Các bác sĩ đánh giá đây là một ca bướu tuyến thượng thận có chồi bướu ăn lan phức tạp vào tĩnh mạch chủ rất hiếm gặp.

Ca phẫu thuật diễn ra trong gần 8 giờ với rất nhiều nỗ lực của các bác sĩ để gỡ dính, tách bướu an toàn ra khỏi đại tràng phải, tá tràng và cuống gan.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân lưu ý nếu đã có đau vùng hông lưng, tiểu khó, đau bụng, đau tức chân thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám sớm. Ngay với người bệnh khỏe mạnh, không có triệu chứng gì cũng nên đi siêu âm bụng mỗi năm để kiểm tra các cơ quan trong ổ bụng như gan, mật, tụy, thận, bàng quang… và tầm soát thêm mạch máu.

Đặc biệt, những người trên 40 tuổi cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện những bất thường mạch máu như xơ vữa động mạch, suy tĩnh mạch.

T.M (tổng hợp)