Tin tức Đời sống 24/2: 3 nguyên tắc cần nhớ khi chơi thể thao

Từ vụ đột tử khi đá bóng, bác sĩ khuyến cáo 3 điều cần nhớ

Mới đây, người đàn ông 37 tuổi (trú Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang) đang chơi bóng đá thì thấy mệt nên ra sân nằm nghỉ. Trận bóng tiếp tục diễn ra, khoảng 30 phút sau có người phát hiện bệnh nhân không cử động, mất ý thức nên gọi trạm y tế kiểm tra và liên lạc cấp cứu tới hỗ trợ.

Ngay lập tức, Trung tâm Cấp cứu 115 có mặt tại hiện trường tiếp cận bệnh nhân trong tình trạng mất ý thức, ngừng tim. Nhân viên y tế nhận định đây là một trường hợp đột quỵ, tiến hành cấp cứu hồi sức tim phổi tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi do thời gian phát hiện muộn.

Theo PGS Nguyễn Hoài Nam - Giảng viên Cao cấp trường Đại học Y Dược TP.HCM, đột quỵ hay nhồi máu cơ tim khi chơi thể thao không hiếm gặp.

Bác sĩ Nam từng chứng kiến người quen tử vong trên sân tennis. Nhiều trường hợp đột quỵ khi chơi bóng bàn, bóng đá. Các tai biến xảy ra trong lúc tập thể dục, chơi thể thao đã được cảnh báo nhiều. Trước đó, các bệnh nhân đều cảm thấy khỏe mạnh, không có biểu hiện của bệnh tiềm ẩn.

Khi chơi thể thao, vận động gắng sức khiến nhịp tim và huyết áp thay đổi thất thường. Người có sẵn bệnh ăng huyết áp, bệnh tim mạch, tăng mỡ máu, đái tháo đường, bệnh về hô hấp có nguy cơ gặp các biến cố tim mạch, đột quỵ, gây tử vong.

Thứ nhất, nhớ dấu hiệu của đột quỵ. Theo bác sĩ Nam, đột quỵ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Đột quỵ có hai thể là chảy máu não và nhồi máu não. Ở người trẻ, đa phần do xuất huyết não, diễn biến nhanh, khó cấp cứu hơn.

Người dân cần nắm rõ các dấu hiệu nghi ngờ như đột ngột đau đầu dữ dội, giảm thị lực, có cảm giác tê yếu hoặc liệt ở mặt, không nói được, giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong phát âm.

Thứ hai, cần liên hệ y tế nếu nghi ngờ có người bị đột quỵ. Khi có người đang chơi thể thao bỗng nhiên mệt mỏi, đau đầu, vã mồ hôi, những người xung quanh ngay lập tức gọi cấp cứu 115 vận chuyển bệnh nhân an toàn, kịp thời tới bệnh viện gần nhất.

Nếu bệnh nhân ngưng thở, người xung quanh có thể tiến hành ép tim ngoài lồng ngực đến khi tim đập lại.

Thứ ba, nên khám tổng quát thường xuyên. Bác sĩ Nam cho biết, tập thể dục, chơi thể thao cần tùy vào thể trạng của mỗi người. Bạn dựa vào tình trạng sức khỏe để áp dụng lượng bài tập phù hợp, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bác sĩ khuyến cáo, bất cứ ai tham gia chơi thể thao nên kiểm tra sức khỏe tổng quát để đảm bảo rằng mình khỏe mạnh, chịu được môn thể thao gắng sức khi luyện tập.

Để phòng ngừa đột quỵ, các bác sĩ khuyến cáo cần cân đối giữa các nhóm thực phẩm với nhau, tăng cường rau xanh đồng thời đảm bảo những nhóm chất sinh năng lượng như protein (cá, thịt trắng, trứng, hạn chế các loại thịt đỏ), bổ sung lipid, glucide... Cân bằng thói quen tập thể thao tối thiểu 30 phút/ngày.

Quá tải bệnh nhân đái tháo đường nhập viện cấp cứu do biến chứng nặng

Bác sĩ Tôn Thất Kha - Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, có thời điểm lượng bệnh nhân cấp cứu tăng 200% so với cùng kỳ năm 2023. Điển hình, vào đêm Giao thừa, kíp trực đã hoạt động hết công suất khi liên tục tiếp nhận các ca cấp cứu biến chứng nặng.

Trong đó, đa phần là các bệnh nhân lớn tuổi đái tháo đường lâu năm mắc phải một bệnh nhiễm trùng, thông thường là hô hấp (do thời tiết lạnh) và tiết niệu (đường trong nước tiểu là môi trường do vi khuẩn) hoặc là biến chứng bàn chân( do bệnh nhân biến chứng bàn chân mất cảm giác ở bàn chân nên bị vật lạ xâm nhập mà không phát hiện ra).

Cụ thể, người bệnh Đ.V.S. (66 tuổi, Hàm Yên, Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng phù phổi cấp, viêm phổi, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, suy tim, suy thận, rối loạn chuyển hóa.

Bệnh nhân T.M.T. (85 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) có tiền sử đái tháo đường hơn 10 năm. Tai biến mạch máu não đã 3 lần trong đó lần gần nhất cách đây 3 tháng đã nhập viện trong tình trạng loét vị trí tỳ đè vùng cùng cụt, vùng mông 2 bên, vết thương lan rộng, hoại tử, chảy dịch mủ nhiều. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra khi người bị đái tháo đường không kiểm soát được mức đường huyết trong máu.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đối với người lớn tuổi, khi mắc một bệnh nhiễm trùng, việc kiểm soát đường huyết trở nên rất phức tạp, đòi hỏi phải thay đổi phác đồ điều trị. Vì vậy, để tránh trường hợp này, khi có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh cần phải được đưa tới các bệnh viện chuyên khoa có chuyên môn và uy tín để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều bệnh nhân đột quỵ nhập viện

TS Trần Song Giang - Trưởng Đơn vị C9, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay từ những ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ Tết, đơn vị C9 đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện điều trị trong tình trạng nguy cấp, trong đó có 2 trường hợp điển hình.

Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân, 67 tuổi, bị tăng huyết áp (THA) nhiều năm nay. Bệnh nhân vẫn uống 1 loại thuốc đều hàng ngày, nhưng HA vẫn thường xuyên ở mức 150/95mmHg. Vì không có dấu hiệu khó chịu nên bệnh nhân không đi khám lại để bác sĩ chỉnh đơn thuốc.

Ngày 18/2/2024, sau khi uống rượu, bệnh nhân thấy đau đầu, choáng váng, tê bì nửa người phải. Bệnh nhân về nhà đo HA, thấy cao (190/105mmHg), tự uống thêm 1 viên thuốc hạ HA. Một lúc sau, thấy dễ chịu hơn, mặc dù vẫn còn tê bì nhẹ nửa người phải.

Ngày hôm sau, bệnh nhân thấy tay chân bên phải yếu nhiều hơn. Đến chiều ngày 19/2, tay và chân phải không cử động được nữa, bệnh nhân mới đến viện, chụp cắt lớp sọ não có hình ảnh nhồi máu não (tắc mạch não) giờ thứ 30.

Trường hợp 2 là nữ bệnh nhân nữ, 75 tuổi, được chẩn đoán THA nhiều năm, đang được bác sĩ của Bệnh viện Quân đội cho dùng 2 thuốc hạ HA. Thỉnh thoảng, bệnh nhân quên không uống thuốc. Khoảng 1 tuần nay, HA dao động lên xuống thất thường, có lúc lên tới 180/100mmHg.

5 ngày nay, bệnh nhân đau đầu, chóng mặt, đi khám ở phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán là cơn THA - rối loạn tiền đình và cho đơn thuốc về điều trị ngoại trú. Cách vào viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nói ngọng... Đến khi bệnh nhân đi khám, được chụp cắt lớp có hình ảnh nhồi máu não. Lúc đó bệnh nhân đã bị liệt nửa người bên trái.

TS Trần Song Giang cho biết, nguyên nhân gây ra đột quỵ ở cả 2 bệnh nhân trên đều là do việc điều trị THA chưa được tốt. HA tối ưu cần đạt được khi điều trị là dưới 130/80mmHg.

Do đó, khi HA còn cao trên 140/90mmHg, cần quay lại gặp bác sĩ để tăng liều thuốc hoặc thêm thuốc. Bác sĩ cũng lưu ý, bệnh nhân không được tự ý bỏ thuốc, hoặc uống thuốc không đều hàng ngày.

TS Trần Song Giang khuyến cáo, cả 2 bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não nhưng nhập viện muộn. Nếu nhập viện sớm, trong giai đoạn "giờ vàng", bệnh nhân sẽ được dùng thuốc tiêu cục máu đông hoặc được hút cục máu đông gây tắc mạch não thì các dấu hiệu của đột quỵ như liệt nửa người sẽ được hồi phục nhanh chóng, thậm chí có thể trở về bình thường. Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Các dấu hiệu của đột quỵ được viết tắt bằng các từ tiếng Anh - BEFAST, trong đó, B - Balance (mất thăng bằng, nhức đầu, chóng mặt); E - Eye (mờ mắt); F - Face (méo, xệ mặt một bên); A - Arms (tay, chân cùng bên tê bì hoặc yếu hơn bên kia); S - Speech (khó nói, nói ngọng); T - Time (Cần gọi ngay cứu thương hoặc đến bệnh viện càng sớm càng tốt).

“Giai đoạn “giờ vàng” được tính từ lúc xuất hiện triệu chứng bất thường cho đến khi được chẩn đoán là từ 4-6 giờ.

Như vậy, đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp. Khi gặp những dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại các cơ sở y tế trong giai đoạn giờ vàng. Người dân cần lưu ý điều trị huyết áp cao đúng cách để hạn chế nguy cơ đột quỵ” - TS Trần Song Giang lưu ý.

T.M (tổng hợp)