Tình hình y tế tại Gaza tiếp tục xấu đi

Bệnh nhân được điều trị tại một bệnh viện ở Dải Gaza ngày 24/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài đăng trên mạng xã hội X, UNRWA nêu rõ hiện chỉ còn một số ít trung tâm y tế của cơ quan này duy trì hoạt động cầm chừng ở . Các đội y tế ở Nuseirat, trung tâm Gaza, vẫn nỗ lực sơ cứu cho các gia đình tại đây, nhưng tình trạng thiếu thuốc và nhiên liệu nghiêm trọng đang cản trở mọi hoạt động. Trong khi đó, tình trạng sức khỏe của người dân tiếp tục suy giảm do nơi trú ẩn đông đúc, ô nhiễm nghiêm trọng, thiếu lương thực, nước và nhiên liệu cùng khả năng tiếp cận vật tư y tế hạn chế giữa mùa hè nắng nóng.

Cơ quan y tế tại Gaza cho biết ngày 27/6, 21 trẻ em mắc bệnh ung thư đã rời vùng lãnh thổ này qua cửa khẩu Kerem Shalom để điều trị ở nước ngoài. Đây là lần đầu tiên các bệnh nhân rời Gaza ra nước ngoài kể từ khi cửa khẩu biên giới Rafah bị đóng cửa vào đầu tháng 5 năm nay.

Người phụ trách các bệnh viện tại Gaza, ông Mohammed Zaqout cho biết cách thức đưa bệnh nhân ra ngoài vùng lãnh thổ này rất "khó khăn và phức tạp", "chưa và sẽ không" là một giải pháp thay thế cho việc vận chuyển người bệnh qua biên giới đất liền Rafah.

* Cùng ngày, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) xác nhận đã đồng ý khôi phục điện cho một nhà máy khử muối quan trọng ở phía Nam Gaza, nơi có thể cung cấp nước vô cùng cần thiết cho 1 triệu người phải di dời.

Người phát ngôn của UNICEF tại các vùng lãnh thổ của Palestine cho biết tổ chức này đã được thỏa thuận với Israel để thiết lập lại đường điện trung thế cho Nhà máy khử mặn phía Nam Gaza ở thành phố Khan Yunis. Sau khi được cấp điện trở lại, với công suất tối đa 15.000 m3, tương đương 15 triệu lít nước mỗi ngày, nhà máy này sẽ sản xuất đủ nước để đáp ứng tiêu chuẩn nhân đạo cấp nước uống tối thiểu 15 lít/ngày/người cho gần 1 triệu người phải di dời ở phía Nam Gaza.

Hiện điều phối viên của Israel về các vấn đề dân sự ở vùng lãnh thổ Palestine chưa phản hồi về thông tin trên.

Theo thống kê của cơ quan y tế tại Gaza, số người Palestine thiệt mạng kể từ khi xung đột giữa Phong trào Hồi giáo và Israel nổ ra vào tháng 10/2023 cho đến nay đã tăng lên 37.718 người. Dữ liệu tổng hợp của các cơ quan LHQ cho thấy, kể từ thời điểm đó, hơn 2/3 cơ sở vệ sinh và hạ tầng cấp nước của Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hỏng. Hiện chỉ nguồn nước đóng chai không liên tục mới được phép đưa vào vùng lãnh thổ này.

Minh Tâm (TTXVN)