Tôn vinh ý tưởng mang lại cơ hội việc làm cho trẻ tự kỷ

Các học viên của Trung tâm giáo dục Ngọc Ân đang chuẩn bị để làm các sản phẩm về lễ và oản nghệ thuật.

Vừa qua, dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỉ và khuyết tật phát triển bền vững” của bà Đào Thanh Hoàn đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội tôn vinh 10 ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của Phụ nữ Thủ đô.

Theo đánh giá của Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội, dự án đã tạo môi trường học tập, rèn luyện kỹ năng hòa nhập, làm chủ bản thân cho người tự kỷ. Cùng với đó, với việc lựa chọn sản phẩm sắp lễ tâm linh, hướng thiện, có đầu ra khá ổn định để học viên có việc làm phù hợp khả năng của mình, vừa giúp cho người tự kỷ rèn luyện tính kiên trì, vừa có thu nhập, giúp tìm ra niềm vui, nâng cao đời sống tinh thần, chữa bệnh hiệu quả.

Hội LHPN TP Hà Nội tôn vinh 10 ý tưởng, sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô, trong đó có dự án "Triển khai mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, trẻ tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn TP Hà Nội" của bà Đào Thanh Hoàn.

Giúp người tự kỷ có kỹ năng hòa nhập cuộc sống

Thực tế cho thấy, trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay đã có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật, nhưng nhìn chung các cơ sở chưa chú trọng đến việc định hướng nghề nghiệp cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, số lượng người tự kỷ tham gia học nghề tại các trung tâm này rất hạn chế.

Nhiều trẻ khuyết tật và tự kỷ khi kết thúc chương trình giáo dục tiểu học (giáo dục bắt buộc) không thể tiếp tục học lên bậc Trung học cơ sở và càng khó học lên Trung học phổ thông. Chính vì vậy cần có một mô hình giáo dục đặc biệt toàn diện từ thực nghiệm hướng nghiệp đến giải quyết việc làm, tạo thu nhập để các em có thể tham gia học tập suốt đời là một nhu cầu thiết yếu và có giá trị nhân văn.

Do đó, việc “Triển khai mô hình hỗ trợ thanh, thiếu niên, người tự kỉ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn TP Hà Nội” của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân là một việc làm cần thiết, không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, giúp các em khuyết tật và tự kỉ được học tập có được cuộc sống, công việc trọn vẹn mà còn góp phần không nhỏ giải quyết gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bà Đào Thanh Hoàn giới thiệu các sản phẩm của Trung tâm giáo dục Ngọc Ân với các đại biểu tham dự Ngày hội Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo năm 2023.

Đây là một mô hình được phát triển để giải quyết một số lượng lớn các thanh thiếu niên tự kỷ và khuyết tật sau khi tham gia các chương trình can thiệp sớm, giáo dục phổ thông, không thể tiếp tục học lên bậc học cao hơn.

Là một trong những học viên của Trung tâm giáo dục Ngọc Ân, em Đỗ Ngọc Đạt cho biết, em trở thành học viên của Trung tâm từ tháng 4/2022. “Mỗi ngày em đều được các thầy cô đưa đón từ Cơ sở giáo dục đặc biệt 2 lên xưởng thực nghiệm rồi dạy nghề sắp lễ, oản nghệ thuật. Em cảm thấy nhận được sự ấm áp, tình yêu thương của các thầy cô và coi trung tâm như ngôi nhà thứ hai của mình”- em Đỗ Ngọc Đạt chia sẻ.

Theo nhà sáng lập Trung tâm giáo dục Ngọc Ân Đào Thanh Hoàn, mô hình được sự ủng hộ từ gia đình có thanh thiếu niên tự kỷ và khuyết tật, bởi tính toàn diện. Với mô hình này, thanh thiếu niên tự kỉ và khuyết tật vừa được giáo dục đạo đức, phát triển vận động, phát triển tư duy; vừa được giáo dục hướng nghiệp; được học nghề tạo thu nhập cho bản thân. Ngoài ra, thanh thiếu niên tự kỷ và khuyết tật mặc dù có những rối loạn trong quá trình phát triển, nhưng các em cũng cần được học tập, được hòa nhập. Mô hình này sẽ thúc đẩy quá trình học tập suốt đời cho các em, giúp các em có những kiến thức, kĩ năng cần thiết để hòa nhập xã hội.

Bà Đào Thanh Hoàn và các học viên của Trung tâm

Hiện nay, Trung tâm Ngọc Ân là đơn vị tiên phong chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện dự án trên với nghề làm oản nghệ thuật và sắp lễ thủ công. Trên thị trường hiện nay đã có những sản phẩm “Lễ” và sản phẩm “Oản nghệ thuật” do các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp sản xuất, nhưng sản phẩm “Lễ sắp thủ công” và “Oản nghệ thuật” của Ngọc Ân là sự cộng tác của các học viên khuyết tật và tự kỷ tham gia. Đó là sự cố gắng hết mình của nhóm học viên này. Các em đã đóng góp vào quá trình hoàn thiện các sản phẩn tâm linh đáp ứng nhu cầu người dân thực hiện việc dâng lễ trong phong tục thờ cúng của người Việt Nam.

Những sản phẩm do học viên khuyết tật và tự kỉ làm nên có giá trị nhân văn rất sâu sắc; bởi người bình thường, không khuyết tật có thể mất ít thời gian hơn để hoàn thành các sản phẩm so với những người khuyết tật nói chung và học viên là thanh thiếu niên khuyết tật và tự kỉ nói riêng.

Một số sản phẩm “Lễ sắp thủ công” và “Oản nghệ thuật” của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân

Chính vì vậy, mỗi sản phẩm sẽ cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành. Dưới sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình tỷ mỷ của các giáo viên hướng nghiệp, giáo viên giáo dục đặc biệt và các nhà tâm lý học, nhà trị liệu hành vi, cảm xúc.., sản phẩm hướng nghiệp Ngọc Ân do học viên khuyệt tật và tự kỉ hoàn thành đạt tính thẩm mỹ và sự thuận tiện cho người sử dụng.

Nhân rộng mô hình mang ý nghĩa nhân văn

Qua thời gian thử nghiệm, các sản phẩm đã nhận được những ý kiến rất tích cực từ một số Trụ trì các Chùa, Đền… và các khách hàng quan tâm đến sản phẩm “Lễ” và “Oản nghệ thuật” của học viên khuyết tật và tự kỉ Ngọc Ân, đó là: “Sản phẩm có tính thẩm mỹ cao với nhiều mẫu mã phong phú và phù hợp nét riêng về nghi thức dâng lễ của các cảnh thờ tại Việt Nam”.

Mô hình này tạo ra những sản phẩm hướng nghiệp của người tự kỉ và khuyết tật có tính thẩm mĩ cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng mang đậm giá trị nhân văn, phát huy nét đẹp đạo đức, hiếu nghĩa, biết ơn hướng về cội nguồn… góp phần giữ gìn truyền thống “tốt đời đẹp đạo” trong văn hóa, lối sống của người Việt Nam.

Đến nay, Trung tâm Ngọc Ân đã phát triển được trên 7.000 mẫu sản phẩm đồ lễ các loại. Sản phẩm đồ lễ của Ngọc Ân đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước từ Bắc vào Nam như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bà Rịa – Vũng Tàu…và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Các học viên tại Trung tâm giáo dục Ngọc Ân.

Bà Đào Thanh Hoàn chia sẻ, về tương lai, mô hình cũng không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm phù hợp với khả năng của các dạng và mức độ khuyết tật khác nhau; tạo ra một mô hình phát triển bền vững cho người khuyết tật ở mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, không phân biệt giới tính.

“Trong thời gian tới, cán bộ, giáo viên Trung tâm Ngọc Ân sẽ nghiên cứu xây dựng ý tưởng đổi mới, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm hướng nghiệp đảm bảo chất lượng và mang tính thẩm mỹ cao tạo cảm hứng cho người lao động yếu thế trong xã hội. Luôn phấn đấu là một trong những đơn vị làm mẫu nhân rộng và lan tỏa mô hình thực nghiệm hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật tại các cơ sở giáo dục đặc biệt trên cả nước” - bà Đào Thanh Hoàn cho biết.

Thủy Tiên