Tổng Bí thư yêu cầu loại bỏ tư tưởng bàn lùi trong cán bộ

Sáng 11-8, Chính phủ khóa XV họp phiên đầu tiên để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa XV. Ảnh: VGP

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá đây là phiên họp có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều phương diện nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo Tổng Bí thư, trải qua hơn 75 năm, với 15 nhiệm kỳ hoạt động, Chính phủ thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, điều hành phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại...

Tổng Bí thư lưu ý trong bối cảnh hiện nay, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn trước và gay gắt hơn so với dự báo. Cụ thể, cả nước vẫn phải tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống dịch COVID-19. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát và có thể còn tiếp tục kéo dài, thậm chí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới.

Kinh tế - xã hội nước ta tuy tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Tổng Bí thư lưu ý Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 cần tập trung ưu tiên thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, xử lý dứt điểm những "điểm nghẽn", vướng mắc, tồn tại để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn…

Phải luôn luôn giữ vững độc lập, tự chủ

Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý Chính phủ 4 vấn đề lớn về: phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ.

Thứ nhất, về phát triển kinh tế, mô hình kinh tế chúng ta xây dựng là kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

Thứ hai, về phát triển văn hóa, xã hội, một đặc trưng cơ bản là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển…

Xã hội XHCN hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm. Do đó, cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội.

Trong chế độ chính trị XHCN, mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.

Thứ ba, về tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Tổng Bí thư nêu rõ tình hình thế giới, trong nước đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn quan tâm giữ vững độc lập, tự chủ.

Tổng Bí thư lưu ý việc tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước…

Loại bỏ tư tưởng bàn lùi

Thứ tư, về xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ, Tổng Bí thư nhận định đây là vấn đề cơ bản, rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ hoạt động của Chính phủ.

Do vậy, Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác này nhằm xây dựng tổ chức, bộ máy và cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn vững vàng.

Tổng Bí thư cũng lưu ý việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất.

Cạnh đó, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Tổng Bí thư cũng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó, kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng".

Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

ĐỨC MINH