Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. HCM: Hai nước cần tận dụng cơ hội 'hiếm có khó tìm'

Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam Susan Burns trả lời Báo Thế giới & Việt Nam bên lề Diễn đàn Kinh tế TPHCM. (Ảnh: Bến Thành)

Theo bà, việc Việt Nam-Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ đóng góp như thế nào vào tăng trưởng bền vững tại Việt Nam?

Trước hết, chúng tôi rất vui mừng về việc nâng cấp quan hệ trong chuyến thăm lịch sử tuần vừa qua của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trên thực tế, tôi cho rằng việc nâng cấp quan hệ, từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện đã tạo ra khuôn khổ mới để củng cố hợp tác sẵn có trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Một cấu phần quan trọng trong đó chắc chắn nằm trong lĩnh vực kinh tế. Không có bất cứ điều gì hai nước chúng ta đang làm trong lĩnh vực này mà không liên quan tới phát triển bền vững. Bởi lẽ, song song với việc Việt Nam có cam kết mạnh mẽ nhằm đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn mong muốn có thể phát triển và tăng trưởng một cách bền vững trên thế giới. Theo tôi, đây là một cơ hội “hiếm có khó tìm” và chúng tôi rất muốn nắm bắt nó.

Theo bà, doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đang hợp tác ra sao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững?

Đầu tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng đã đồng chủ trì hội nghị doanh nghiệp, với sự tham dự của Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tại đây, các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Microsoft, Meta hay NVIDIA đã chia sẻ về một số cách họ có thể tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam.

Tôi cho rằng, đây là điểm vô cùng quan trọng và trên thực tế, họ đã có mặt tại đây từ trước. Hợp tác về trí thông minh nhân tạo (AI) cũng có vai trò then chốt. Xét cho cùng, chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam tạo nhiều việc làm, qua đó dần trở thành một nền kinh tế dựa trên tri thức và ở mức cao hơn.

Bà có thể nêu một số sáng kiến và quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ mới nổi cũng như phát triển bền vững?

Một điều khiến chúng tôi đặc biệt quan tâm tại TP. HCM là lĩnh vực chất bán dẫn. Ở cuộc gặp hồi tuần trước, lãnh đạo hai nước cũng nhắc tới biên bản về hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Những điều này liên quan tới phát triển nguồn nhân lực và đây chắc chắn là khía cạnh then chốt trong việc đưa hợp tác giữa hai nước tiến về phía trước.

Hai bên có thể làm gì để xây dựng môi trường cho những người trẻ Việt Nam có đủ kỹ năng đảm nhận những công việc đòi hỏi trình độ cao hơn trong lĩnh vực bán dẫn?

Khoản hỗ trợ trị giá 2 triệu USD của chúng tôi vừa qua là một phần trong nỗ lực phát triển nhân lực nêu trên. Những tuần vừa qua, tôi đã có cơ hội trao đổi với 8 công ty bán dẫn khác nhau đang có mặt tại Việt Nam. Một số công ty như Synapse, Marvell đang muốn mở rộng hoạt động và tuyển dụng thêm nhiều người Việt để đảm nhận vị trí kỹ sư, trong bối cảnh vị thế của đất nước các bạn trong ngành bán dẫn đang ngày càng cao. Sự chuyển dịch này trong lĩnh vực bán dẫn sẽ đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng, đặc biệt là tại phía Nam.

Thêm nữa, tôi cho rằng, khi những doanh nghiệp này phát triển, họ chắc chắn sẽ muốn sử dụng năng lượng xanh. Mọi công ty Hoa Kỳ mà tôi có dịp tiếp xúc tại TPHCM đều khẳng định, họ muốn lắp đặt pin năng lượng mặt trời nên mái các cơ sở của mình. Năng lượng xanh đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và tôi rất vui khi thấy thành phố tập trung vào vấn đề này trong Diễn đàn Kinh tế TP. HCM.

Minh Vương