TP Hồ Chí Minh xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tham quan Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục của Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập, trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục.

Đồng thời, xây dựng xã hội học tập, khuyến khích, tạo điều kiện công bằng và thuận lợi để mọi người dân thành phố được học tập suốt đời; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và hội nhập quốc tế.

Phấn đấu đưa ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến thế giới vào năm 2045.

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tham gia cuộc thi chuyển đổi số trong giáo dục.

Đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở, 50% trường trung học phổ thông công lập đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia.

Đến năm 2030, mỗi quận, huyện, thành phố Thủ Đức có ít nhất 2 trường ở mỗi cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế".

Đến năm 2030, thành phố có ít nhất 10 trường trung học phổ thông, trung học phổ thông chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí trường chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”; 100% trường học của địa phương này phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, thành phố cũng đặt mục tiêu 100% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở dạy và học 2 buổi/ngày, có từ 80% trường trung học phổ thông trở lên ở mỗi quận, huyện, thành phố Thủ Đức dạy và học 2 buổi/ngày.

Học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh tham gia cuộc thi vẽ tranh nhân ngày 20/11.

80% học sinh trung học phổ thông có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ; 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 50% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế.

Cùng với đó, 100% học sinh phổ thông biết chơi ít nhất một môn nghệ thuật, nhạc cụ và luyện tập ít nhất một môn thể thao.

Đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong nước, khu vực ASEAN và bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành nghề đào tạo.

Đối với đội ngũ giáo viên, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng chính sách thu hút nhân tài, đội ngũ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới và có tầm nhìn chiến lược.

Tầm nhìn đến 2045, thành phố xây dựng ngành giáo dục và đào tạo văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, tiếp thu văn minh của thế giới; là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến học tập, sinh sống và làm việc, góp phần xây dựng thành phố phồn vinh, cuộc sống người dân ấm no, gia đình hạnh phúc; phấn đấu phát triển giáo dục và đào tạo thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN, đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.