Trang phục dân tộc trong sân chơi sắc đẹp: Giới hạn nào cho sự sáng tạo?

Tại vòng thi National Costume (Trang phục dân tộc) của Mister Grand International (Nam vương Hòa bình Quốc tế) đầu năm nay, thí sinh Nguyễn Hoàng Tùng đã khiến công chúng xôn xao khi trình diễn bộ trang phục lấy cảm hứng từ áo trấn thủ. Đồ nhà binh gần như giữ nguyên với nón cối, quần lính, dép cao su, áo trấn thủ chần bông biến tấu với áo dài bằng chất liệu voan mỏng cùng màu. Phần áo dài có hàng cúc ở giữa có thể đóng mở tùy ý để khoe hình thể.

Trang phục dân tộc của Nguyễn Hoàng Tùng tại Nam vương Hòa bình Quốc tế 2024 khiến dư luận phản ứng.

Trang phục này do Vũ Việt Hà thiết kế kèm lời giới thiệu: “Với bộ trang phục chần bông trấn thủ, một trang phục đặc biệt đến từ thời kỳ Điện Biên Phủ những năm 1954 miêu tả hình ảnh các chiến sĩ Việt Nam đang đứng lên để bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc. Trang phục này được làm từ vải đũi và tơ tằm trong suốt, được lồng ghép tinh tế trong đó là hình ảnh chiếc áo dài truyền thống Việt Nam. Nó tượng trưng cho tinh thần của những con người Việt Nam trong việc bảo vệ và xây dựng hòa bình cho Tổ quốc nói riêng và thế giới nói chung. Tùng biết ơn và tôn kính sâu sắc tới thế hệ ông cha đã mang lại hòa bình cho đất nước Việt Nam thông qua những trang phục quân đội như này. Và hôm nay Tùng mang bộ trang phục này đến cuộc thi với mong muốn mãnh liệt trong tim đó là truyền đi thông điệp hòa bình trên toàn thế giới”.

Ngay khi hình ảnh bộ trang phục được tung lên trang cá nhân của Hoàng Tùng, khán giả đã tranh cãi dữ dội, nhất là những tấm ảnh anh phanh áo khoe cơ bụng. Nhiều người phản ứng vô cùng gay gắt: “Anh khoe thân hay giới thiệu trang phục dân tộc?”. Bạn bè thân thiết khuyên Tùng thật lòng: “Bộ này lúc trình diễn cẩn thận nha anh, nó dễ tranh cãi”. Mặc lời khuyên, ở màn trình diễn chính thức trên sân khấu, Hoàng Tùng liên tục phanh áo khoe ngực trần kể cả lúc đứng nghiêm chào cờ kết thúc màn biểu diễn. Thông điệp hòa bình hay vẻ oai phong của người lính chẳng thấy đâu, chỉ thấy cơ bắp anh chàng lồ lộ với chiếc áo thõng thượt. Khán giả Thành Tâm la ó: “Suy nghĩ sao mà phá cách bộ quân phục của đất nước. Hết ý tưởng thì dẹp, đi thi làm gì?”.

Dù biết thiết kế này nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng nhiều ý kiến cho rằng: trước hết việc đưa trang phục của lực lượng vũ trang vào sân chơi sắc đẹp đã là điều nên cân nhắc chứ chưa kể đến chuyện phá cách, sáng tạo quá đà như trường hợp trên. Bởi trang phục quân đội không phù hợp cho một cuộc thi đậm tính giải trí. Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023 cũng từng giới thiệu một thiết kế mang tên “Mắc võng Trường Sơn”. Dù tạo hình khá đẹp nhưng trang phục vẫn gây tranh cãi khi tái hiện chiếc võng Trường Sơn quen thuộc trên hình thể người mẫu.

Thiết kế lấy cảm hứng từ hai nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023.

Hơn năm năm trở lại đây, các cuộc thi sắc đẹp ngày càng chú trọng vào phần thi trang phục dân tộc. Bởi so với các phần thi có định dạng na ná nhau như trang phục áo dài, trang phục dạ hội, trang phục áo tắm, phần thi ứng xử thì chỉ có phần thi trang phục dân tộc là mang lại nhiều bất ngờ, độc đáo hơn cả. Sự sáng tạo vô biên của các nhà thiết kế đã đưa rất nhiều yếu tố văn hóa, đặc trưng vùng miền lên tấm áo một cách lạ lẫm, đầy ngỡ ngàng và tự hào. Không dừng lại ở áo dài, áo tứ thân, áo bà ba truyền thống mà các thiết kế đã đi sâu hơn vào di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể, từ các món ăn đến danh lam thắng cảnh… Bước ra đấu trường quốc tế, trang phục dân tộc là phần thi giúp thí sinh quảng bá văn hóa, đặc trưng quê hương xứ sở. Nói không ngoa, từ thành công của thiết kế “Bánh mì” mà H'Hen Niê thể hiện tại Hoa hậu Hoàn vũ 2017, phần thi trang phục dân tộc mới chính thức được chú trọng và đầu tư nhiều hơn. Ngay sau đó, quả ngọt mà Hoàng Thùy gặt hái với “Cà phê phin”, Khánh Vân với “Kén em”… đã khiến trang phục dân tộc bùng nổ với muôn hoa ngàn sắc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá trang phục văn hóa dân tộc ở các cuộc thi sắc đẹp ngày càng có độ nhận diện cao, là sự tích hợp của các loại hình văn hóa, nghệ thuật. Các nhà thiết kế trẻ sẵn sàng dấn thân, tìm tòi về văn hóa, từ những đạo cụ hay những chi tiết nhỏ trên trang phục, để mang nét đẹp văn hóa dân tộc đến khán giả trẻ lẫn bạn bè quốc tế. Theo dõi nhiều cuộc thi, nhà thiết kế Lê Long Dũng cho rằng các nhà thiết kế trẻ không chỉ lấy cảm hứng từ truyền thống mà còn thoải mái tung tẩy với các chủ đề mang hơi thở đương đại, thậm chí hướng tới tương lai.

Bên cạnh loạt trang phục ghi dấu ấn, số trang phục khiến khán giả choáng váng cũng không hề ít. Các thiết kế lấy cảm hứng về nghề nail, cua Cà Mau, heo đất, bàn thờ gia tiên... đều bị khán giả tẩy chay. Mới đây, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 gây ồn ào bởi bộ trang phục lấy cảm hứng từ hai nghệ sĩ xiếc ốc Cơ - Quốc Nghiệp. Xiêm y cồng kềnh mô tả pha chồng đầu quen thuộc của hai nghệ sĩ. Nhiều ý kiến cho rằng hai nghệ sĩ chưa đến mức trở thành đại diện cho quốc gia, dân tộc để đưa vào thiết kế. Rùng rợn hơn cả là trang phục mang tên “Huyền Sương mẫu” ở Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023. Dẫu biết đây là một nhân vật nổi tiếng trong cải lương, thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng nhưng hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài không đầu chắc chắn sẽ khiến công chúng thất kinh nếu được trình diễn trên sâu khấu hoa hậu.

Không kém cạnh, đường đua sắc đẹp của cánh mày râu cũng dành nhiều “đất” với trang phục dân tộc. Nhưng sự chăm chút ở sân chơi phái mạnh dường như không được như bên phái đẹp nên trang phục dân tộc của đại diện Việt Nam gần như lần nào cũng gây tranh cãi. Ở Mister Altitude World 2023, Hoàng Đức Trung bị cho là lố lăng khi đội nón lá Việt Nam, thân trên khoác tấm vải chéo thể hiện món cơm tấm Sài Gòn, thân dưới quấn tấm vải trắng ngắn cũn cỡn. Thẩm mỹ chưa thấy đâu chứ đừng nói là nghệ thuật. Thạch Kiêm Mara thì bị dân tình ví như ông Táo khi diện bộ xiêm y lấy cảm hứng từ một vị hoàng đế khi so tài tại Mister Global 2023. Trước đó, thiết kế lấy cảm hứng từ nước mắm Phú Quốc của Phùng Phước Thịnh tại cuộc thi Mister Tourism World 2023 bị cho là thô thiển khi bê nguyên hai chai nước mắm trên lưng.

Ai cũng hiểu rằng bó buộc sự sáng tạo là điều ấu trĩ. Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh xã hội và phong tục tập quán mỗi đất nước mà có những lằn ranh đỏ cần phải cẩn trọng. Điểm qua những bộ trang phục mất điểm có thể thấy công chúng khó tính chỉ khi thiết kế đó tung hứng quá đà với những giá trị thiêng liêng, thiếu tôn trọng giá trị lịch sử hay chính trị. Ngoài ra, công chúng cũng dị ứng với những nhà thiết kế quá “tự nhiên chủ nghĩa”, thực tế ra sao thì bê y nguyên vào trang phục mà không đếm xỉa đến giá trị văn hóa của nó, bỏ qua tính thẩm mỹ, nghệ thuật lẫn tính thời trang.

Ví dụ điển hình nhất là những bộ trang phục về món ăn. Tô bún nước lèo, bún mắm hay quầy bánh tráng trộn gần như “nuốt chửng” người mẫu vì tạo hình quá cồng kềnh, mô phỏng nguyên xi ngoài đời. Một mẫu thiết kế độc đáo, sáng tạo, mang được nét đẹp của văn hóa Việt Nam, đồng thời vừa mang tính thời trang, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại là thử thách khó khăn nhưng cũng đầy hấp dẫn để tìm ra nhà thiết kế tài năng, tâm huyết. Ngoài việc tự nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, nhà thiết kể trẻ nên biết lắng nghe những ý kiến trái chiều để hoàn thiện các tác phẩm về sau.