Trên 1,1 triệu người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề

Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm, trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30 nghìn người từ 15-60 tuổi tham gia các lớp học xóa mù chữ. Năm 2019, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 của toàn quốc là 97,85%, tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15-60 tuổi biết chữ là 93,7%; năm 2019, có 80,9% người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Năm học 2018-2019, toàn quốc có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố với gần 110 nghìn học sinh. Trường phổ thông dân tộc bán trú đã được thành lập ở 28 tỉnh, với quy mô 1.097 trường và hơn 185 nghìn học sinh.

Nghề dệt thổ cẩm ở huyện Ngọc Lặc – Thanh Hóa.

Hiện nay, đã có 51/53 dân tộc thiểu số có học sinh, sinh viên cử tuyển. Cả nước có 04 trường dự bị đại học, 01 trường phổ thông dân tộc nội trú đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc và 03 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường đại học, đào tạo hơn 5.000 học sinh dự bị/năm. Các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề người dân tộc thiểu số đã hỗ trợ đào tạo khoảng trên 1,1 triệu người, chiếm hơn 14% trên tổng số gần 08 triệu người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động. Đến năm 2019, có 10,3% người dân tộc thiểu số đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ; 82,1% người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên có việc làm.

Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núinhư: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình 30A,… Qua các chương trình, dự án đầu tư của Chính phủ, mạng lưới trường, lớp học thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núiphát triển nhanh, hầu như các xã đều có trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, nhiều trung tâm cụm xã có trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, chất lượng phòng học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núicòn kém, số lượng trường học bán kiên cố và đơn sơ còn nhiều là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn thua kém so với vùng phát triển.

Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núigiai đoạn 2021 – 2030 đã được triển khai xây dựng gồm 10 dự án, tiểu dự án với các hoạt động, nội dung hướng tới người dân sinh sống ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền nuiớ̉ nước ta trong đó có nội dung tiếp tục đầu tư nguồn lực để xây dựng trường học cho người dân tộc thiểu số.

Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực công tác dân tộc, chú trọng tới mục tiêu củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, năng lực đào tạo các trường dự bị đại học, phổ thông dân tộc nội trú. Nâng cao chất lượng đào tạo hệ dự bị đại học cho học sinh dân tộc thiểu số để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học người dân tộc thiểu số. Tập trung đào tạo các chuyên ngành y, dược, nông, lâm nghiệp cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, đang là vùng thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ bác sĩ, dược sỹ, kỹ sư nông nghiệp, đang là những thách thức lớn trong phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núivà thực hiện chính sách dân tộc .

Cùng với đó, đổi mới hoạt động của cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, tạo nguồn đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo đảm thực hiện công bằng trong giáo dục giữa các vùng, miền và dân tộc.

Các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề người dân tộc thiểu số được tích cực triển khai thực hiện, đã hỗ trợ đào tạo khoảng trên 1,1 triệu người, chiếm hơn 14 % trên tổng số gần 8 triệu người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động theo chính sách của Đề án 1956/QĐ-TTg . Hiện nay, đang thí điểm tổ chức đặt hàng trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề với 26 cơ sở đào tạo để đào tạo cho 8.555 lao động là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp có khó khăn về kinh tế. Ở nhiều địa phương, dạy nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm, nhiều người dân tộc thiểu số sau khi được học nghề, bồi dưỡng tay nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, làm giàu tại chỗ theo phương châm "ly nông bất ly hương".

VÂN KHÁNH