Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng: Nhiều chuyển biến tích cực

Chất lượng vụ việc TGPL được chú trọng

Trong 5 năm qua, số lượng vụ việc TGPL tham gia tố tụng do các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giới thiệu có chiều hướng tăng lên, trong đó, chuyển biến rõ nhất là trong tố tụng hình sự và bắt đầu ngay từ giai đoạn điều tra. Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2020, trên toàn quốc thực hiện được 267.626 vụ việc, trong đó có 58.475 vụ việc tham gia tố tụng (chiếm 21,8%); 208.059 vụ việc tư vấn pháp luật; 1.152 vụ việc đại diện ngoài tố tụng.

Số người được TGPL từ năm 2016 đến hết năm 2019 là 271.703 lượt người. Trong đó phần lớn là người nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng, trẻ em, người khuyết tật…

Chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được chú trọng. Hầu hết, các vụ việc TGPL được đánh giá là đạt chất lượng và đạt chất lượng tốt. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do trợ giúp viên pháp lý thực hiện đạt hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí có những vụ việc được tuyên vô tội.

Để theo dõi, đánh giá và quản lý chất lượng công tác TGPL và vụ việc TGPL, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/08/2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL. Thông tư này quy định tiêu chí đánh giá và xếp loại chất lượng vụ việc TGPL; trách nhiệm thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL của tổ chức thực hiện TGPL và cơ quan quản lý nhà nước về TGPL.

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Bên cạnh những kết quả đạt được, mặc dù công tác TGPL đã đi vào thực chất, tập trung chủ yếu vào vụ việc TGPL tham gia tố tụng nhưng thực tế cho thấy số lượng vụ việc TGPL tham gia tố tụng vẫn còn khá nhỏ so với số lượng vụ án được xét xử trên toàn quốc. Các vụ việc tham gia tố tụng cũng mới chỉ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực tố tụng hình sự; các lĩnh vực tố tụng dân sự, hành chính còn ít.

Tại một số địa bàn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn có tình trạng bỏ sót người thuộc diện được TGPL do họ chưa biết về TGPL; số lượng vụ việc "nóng" có người được TGPL, dư luận quan tâm vẫn chưa nhiều. Việc này có phần nguyên nhân là do công tác truyền thông vẫn còn hạn chế. Vì vậy vẫn cần phải có giải pháp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của người thuộc diện TGPL, giúp họ dễ dàng tiếp cận được với dịch vụ TGPL.

Công tác phối hợp trong hoạt động TGPL tuy thời gian gần đây đã có nhiều biến chuyển tích cực nhưng nhìn chung hiệu quả phối hợp giữa các tổ chức thực hiện TGPL và cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức khác trong việc giới thiệu và thực hiện vụ việc TGPL vẫn còn hạn chế. Ở một số địa phương, cơ quan tiến hành tố tụng chưa đáp ứng được yêu cầu giới thiệu và chuyển gửi yêu cầu TGPL theo quy định. Các tổ chức xã hội ở địa phương chưa thực sự tích cực, chủ động, phát huy các nguồn lực trong việc hỗ trợ, thông tin và phối hợp với tổ chức TGPL và người thực hiện TGPL.

Ngoài ra, kinh phí, cơ sở vật chất dành cho hoạt động TGPL còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm thực hiện chi bồi dưỡng, thù lao thực hiện vụ việc TGPL; nhiều Trung tâm TGPL nhà nước còn chưa được bố trí trụ sở thuận tiện với người dân…

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, cần đẩy mạnh truyền thông, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ TGPL cho người dân, đặc biệt là ở những địa phương có tỷ lệ người thuộc diện TGPL cao, nguồn nhân lực của các cơ quan tiến hành tố tụng hạn chế, từ đó góp phần bảo đảm đáp ứng được nhu cầu TGPL của người dân một cách nhanh chóng và kịp thời nhất. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, người tiến hành tố tụng khi thụ lý vụ việc phải thực hiện hướng dẫn và thông báo về các cá nhân thuộc diện TGPL đến các trung tâm, chi nhánh TGPL tại địa phương.

Thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực và trách nhiệm của cho cơ quan quản lý TGPL ở Trung ương và địa phương trong việc thu hút nguồn lực cho công tác TGPL. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bộ công cụ, các tiêu chí đánh giá chất lượng công tác TGPL và chất lượng vụ việc TGPL theo hướng dễ áp dụng và phản ánh đúng, khách quan chất lượng dịch vụ TGPL trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.

Trung tâm TGPL nhà nước ở địa phương cần tăng cường số lượng trợ giúp viên pháp lý, tạo cơ chế huy động mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có uy tín, kinh nghiệm tham gia TGPL; sửa đổi quy định về ký hợp đồng thực hiện TGPL theo hướng đơn giản hóa thủ tục, trình tự lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL. Chú trọng việc nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL (bao gồm cả trợ giúp viên pháp lý, công tác viên TGPL và luật sư tham gia thực hiện TGPL) nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về TGPL của người dân thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo hoặc các hình thức chia sẻ kinh nghiệm.

Lê Hồng