Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng nhu cầu trong nước, đảm bảo phục hồi kinh tế

Người đứng đầu cơ quan kế hoạch kinh tế nhà nước Zheng Shanjie cho biết nước này sẽ "ưu tiên khôi phục, mở rộng, ổn định tiêu dùng số lượng lớn và thúc đẩy tiêu dùng dịch vụ".

Ông Zheng cho biết Quốc cũng sẽ đẩy mạnh cải cách nhằm mở rộng nhóm thu nhập trung bình của đất nước.

Ảnh minh họa: CNA.

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã công bố một loạt biện pháp nhằm củng cố sự phục hồi kinh tế yếu ớt sau đại dịch, bị cản trở bởi sự sụt giảm tài sản, rủi ro nợ của chính quyền địa phương và tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Theo ông Zheng, Trung Quốc sẽ tăng cường cải cách theo định hướng thị trường và mở cửa thể chế để thúc đẩy phát triển.

Nước này cũng sẽ ngăn ngừa và giải quyết rủi ro trong các lĩnh vực trọng điểm, đồng thời “phối hợp giải quyết rủi ro trong bất động sản, nợ chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính vừa và nhỏ”.

Ông Zheng cũng cho rằng Trung Quốc cần đẩy mạnh phát triển công nghệ cao để vượt qua lệnh phong tỏa xuất khẩu công nghệ do một số nước áp đặt.

"Trung Quốc phải đẩy nhanh những đột phá trong các công nghệ cốt lõi quan trọng, đạt được mức độ tự chủ cao về khoa học và công nghệ, đồng thời tránh để các công nghệ và ngành công nghiệp bị 'nhốt' ở cấp thấp và trung cấp”, ông nhận định.

Các tháng cuối năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Mới đây, ỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lên 5,4%, tiếp tục dẫn đầu các nền kinh tế lớn trên thế giới. Viện Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 5,3% trong quý 4 và 5,2% cả năm 2023, đạt mục tiêu đề ra.

Đây là tiền đề quan trọng để Trung Quốc khắc phục những khó khăn trong một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, bất động sản…, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, chất lượng cao thời gian tới.

Theo Bert Burger, nhà kinh tế chính của Atradius, sự kết hợp giữa tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao, tình trạng già hóa và hệ thống an sinh xã hội kém phát triển đang gây ra áp lực về niềm tin của người tiêu dùng.

Lê Na (Theo CNA)