Trung tâm Ghép tạng trẻ em Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ hoạt động vào năm 2025

Các y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép thận, ghép gan và ghép tế bào gốc cho trẻ em. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)

Bệnh viện Nhi đồng 2 là một trong các bệnh viện Nhi đầu tiên tiến hành ghép thận và ghép gan cho trẻ em từ rất sớm, ca ghép thận đầu tiên được thực hiện từ năm 2004 và ghép gan từ năm 2005. Cho đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện thành công 33 ca ghép gan, 30 ca ghép thận, 10 ca ghép tế bào gốc tự thân.

Bên cạnh các kỹ thuật ghép thận, ghép gan và ghép tế bào gốc đồng ghép đã triển khai thành công trong thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiến tới sẽ làm chủ kỹ thuật ghép tạng mới như ghép tim, ghép tủy xương và ghép tế bào gốc dị ghép.

Các y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép thận, ghép gan và ghép tế bào gốc đúng theo quy trình tuyển chọn bệnh nhân, tuyển chọn người cho tạng, quy trình chăm sóc điều trị trước trong và sau ghép, quy trình này đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động thường quy.

Trung tâm Ghép tạng trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)

Trước đó, ngày 2/4, Bộ Y Tế ra quyết định số 785/QĐ-BYT về việc công nhận Bệnh viện Nhi đồng 2 là cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận, gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não.

Ghép tạng là phương pháp điều trị phẫu thuật thay thế cơ quan bệnh bằng cơ quan tương ứng của người khác. Đây được coi là biện pháp điều trị cuối cùng, mang lại sự sống cho các bệnh suy chức năng tạng giai đoạn cuối, không còn khả năng điều trị bảo tồn như suy thận mạn, một số bệnh gan mạn tính, bệnh chuyển hóa, cũng như các bệnh lý ác tính. Các cơ quan có thể thay thế, cấy ghép có thể kể đến: tim, thận, gan, phổi, ruột, tụy và tủy xương.

Riêng với người bệnh là trẻ em, ghép thận được thực hiện hiệu quả đối với những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, những bất thường bẩm sinh của thận hoặc đường tiết niệu, hay xơ hóa cầu thận,…

Tùy theo nguồn gốc tạng ghép, có thể chia làm hai nhóm chính: ghép tạng từ người hiến chết não và ghép tạng từ người hiến sống. Vì nhiều lý do, trong đó có các vấn đề về tín ngưỡng, phong tục tập quán mà nguồn tạng ghép từ người hiến chết não ở Việt Nam nói riêng và các nước Á Đông nói chung còn rất hạn chế. Chính vì thế, phương thức ghép tạng từ người hiến sống rất đang được ưu tiên áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, phương pháp này đặc biệt phù hợp với người bệnh cần được ghép tạng là trẻ em.

Đỗ Quyên