Trung tâm trí tuệ nhân tạo đầu tiên của Việt Nam chính thức khởi động

Một trong những hoạt động mở đầu thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam được Chính phủ ban hành từ tháng 2/2021 là việc ra mắt chính thức Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về AI.

Ra mắt Trung tâm nghiên cứu quốc tế Ai đầu tiên của Việt Nam với sự hợp tác của ĐH Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn NAVER Hàn Quốc

Trung tâm này được thành lập theo mô hình trung tâm nghiên cứu quốc tế hỗn hợp với sự phối hợp giữa ĐH Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc).

Trong buổi ra mắt Trung tâm này, PGS.TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trong dài hạn, Trung tâm sẽ là nơi kết nối các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực AI trong nước và thế giới để triển khai các nghiên cứu cơ bản, tạo ra các công nghệ lõi "made in Vietnam".

Đặc biệt, Trung tâm này hướng tới các nghiên cứu AI ứng dụng thực tế. "Một trong những sản phẩm ứng dụng AI mới nhất của chúng tôi được đưa vào sử dụng rộng rãi hiện tại chính là công nghệ lấy vân tay làm làm thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử mã hóa các dữ liệu cá nhân nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an"- PGS.TS Tạ Hải Tùng cho biết.

Việc phối hợp giữa ĐH Bách khoa Hà Nội với Tập đoàn NAVER thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc tế AI đầu tiên ở Việt Nam góp phần trực tiếp thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia đến năm 2030: Việt Nam hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI; có ít nhất 01 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về AI dẫn đầu trong khu vực ASEAN…

GS. Hồ Tú Bảo, một trong những nhà khoa học người Việt có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo và Học máy được bổ nhiệm làm Giám đốc Khoa học của Trung tâm.

Trung tâm có hơn 50 nhà khoa học của ĐH Bách khoa Hà Nội và một số chuyên gia đến từ các trường, viện và tập đoàn công nghệ trong các lĩnh vực liên quan đến AI và ứng dụng, như: Học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, tối ưu hóa, mạng thông minh, tin học y sinh, công nghệ phần mềm thông minh...

Theo GS.Hồ Tú Bảo, môi trường số đang tạo ra cơ hội vô giá, "cơ hội cuối cùng" để đất nước phát triển, nơi cần những trung tâm khoa học giỏi, làm chủ được các công nghệ quan trọng (một trong đó là AI) và có khát vọng cống hiến.

Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đã đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mục tiêu đưa ra đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng TTNT trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Đến năm 2030 đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam; phấn đấu Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT;

Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam xây dựng được 10 thương hiệu TTNT có uy tín trong khu vực; phát triển được 03 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ TTNT.

Trung tâm cũng chú trọng phát triển ứng dụng AI trong các ngành, các lĩnh vực khác nhau để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Duy Anh