Tuyển sinh đại học 2024: Trường kinh tế mở ngành công nghệ là 'tất yếu'

Năm nay, hàng loạt trường đại học khối kinh tế thông báo mở các ngành, chương trình đào tạo mới liên quan đến kỹ thuật, công nghệ. Cụ thể, trường Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó bốn ngành thuộc lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin gồm kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin.

Trường Đại học Ngoại thương cũng dự kiến ển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh. Một trường đại học khác chuyên đào tạo khối ngành kinh tế - xã hội là Trường đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh cũng mở ngành mới là kỹ thuật phần mềm.

Phó Giáo sư Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, trường có chiến lược trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực.

"Hiện nay trường đã có Nghị quyết để mở 3 trường, đó là Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh và Trường Công nghệ. Đối với 2 trường là kinh tế và quản lý công, trường kinh doanh, trường đã phát triển khá đa dạng và có nhiều người học. Còn đối với trường công nghệ vì còn ít thế nên là trường có chủ trương là trong thời gian trước mắt cụ thể năm nay, dự kiến sẽ mở thêm một số ngành thuộc lĩnh vực công nghệ, đúng với cái tên của trường. Trong hơn 20 năm qua, trường cũng đã chuẩn bị được nhân lực cũng tương đối tốt", Phó Giáo sư Bùi Đức Triệu cho biết.

Trường kinh tế mở ngành công nghệ là “tất yếu” (ảnh minh họa)

Cùng có chiến lược trở thành trường đại học đa ngành, Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Ngoại thương cho biết, trường đã có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển các ngành, chương trình giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, trong đó ngành Khoa học máy tính và các ngành công nghệ khác sẽ là một trong những ngành mà nhà trường sẽ mở. Trường đã chuẩn bị nhiều năm và đã thử nghiệm đào tạo các chương trình ngắn hạn liên quan đến lĩnh vực khoa học máy tính và công nghệ cho sinh viên của trường. Ngành học, chương trình đạo tạo mới cũng sẽ lựa chọn hướng đi là thế mạnh của trường để tạo ra sự khác biệt.

"Trường Đại học Ngoại thương lựa chọn hướng đi là khoa học máy tính theo hướng ứng dụng và cụ thể là ứng dụng trong kinh tế- kinh doanh. Ngành thì là ngành khoa học máy tính, nhưng tên chương trình đào tạo là khoa học máy tính và dữ liệu kinh tế- kinh doanh, sẽ kết hợp được thế mạnh hiện có của trường về kinh tế kinh doanh và những năng lực mới của ngành khoa học máy tính. Tất nhiên nền tảng thì vẫn là của ngành khoa học máy tính", Phó Giáo sư Vũ Thị Hiền chia sẻ.

Những năm gần đây, trong xu thế đào tạo đa ngành, việc các trường đại học khối kinh tế mở rộng lĩnh vực đào tạo, mở các ngành khối kỹ thuật - công nghệ không phải mới diễn ra. Từ năm 2020, Trường đại học Kinh tế, thuộc Đại học Đà Nẵng đã mở ngành mới "Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh". Năm 2021, Học viện Ngân hàng mở mới và tuyển sinh ngành công nghệ thông tin. Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh mở loạt ngành mới, trong đó có một số ngành công nghệ như robot và trí tuệ nhân tạo, công nghệ logistics. Nhiều trường đại học ở khối kỹ thuật cũng tuyển sinh các ngành khối kinh tế như: Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo Quản trị Kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán; trường Đại học Thủy lợi đào tạo Luật, Ngôn ngữ.

Theo một số chuyên gia, đại học đào tạo đa ngành là xu hướng chung của thế giới, phù hợp với xu thế đào tạo liên ngành. Ở Việt Nam, việc đại học phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững. Tuy vậy, nếu nếu vội vàng, chạy theo trào lưu mà không có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt sẽ rất nguy hiểm.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: "Để xây dựng được một ngành không phải là chuyện đơn giản. Bởi vì không chỉ là đủ điều kiện về mặt con người về nhân lực. Đó mới chỉ là điều kiện tối thiểu thôi. Xây dựng một ngành đòi hỏi sự công phu, đó là phải xây dựng đội ngũ, phải xây dựng phải gắn với định hướng nghiên cứu và có chiến lược phát triển của nhà trường. Quan điểm của tôi là nhà trường phải xây dựng chiến lược phát triển rất là rõ ràng và có lộ trình xây dựng phát triển đội ngũ, các hướng nghiên cứu cũng như các điều kiện cơ sở đảm bảo chất lượng, cũng như hoạch định những ngành nghề đó sẽ có tương lai, có vị trí như thế nào trong chiến lược phát triển của nhà trường thì mình mới mở không phải mở tràn lan vô tội vạ", ông Nguyễn Đình Đức cho biết.

Các chuyên gia cũng cho rằng, dù hầu hết trường đại học đã thực hiện tự chủ, được tự mở ngành theo quy định, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quy hoạch phát triển các ngành nghề đào tạo phù hợp cho từng giai đoạn, tránh để việc mở ngành tràn lan, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, làm mất cân đối cơ cấu ngành nghề, nhân lực trong tương lai.

Minh Hường/VOV1