Uống rượu người đỏ phừng phừng tưởng tốt hóa ra là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm

Người đỏ như tôm luộc sau uống rượu

Anh Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1987, Hoàng Mai, Hà Nội) đến bệnh viện khám vì gần đây mỗi lần uống rượu anh thấy toàn thân đỏ như tôm luộc, một lúc lại loang lổ trắng, đỏ.

Trước đó anh Phong luôn tự hào vì tửu lượng của mình. Anh và ba người bạn có thể ngồi uống hết cả can 5 lít rượu mà mặt không đỏ. Trong khi đó, các chiến hữu mới uống nửa ly là mặt đỏ tía tai như con tôm luộc.

Bạn bè uống cùng chỉ có người ta say còn anh chẳng bao giờ say. Khi đến bệnh viện khám bác sĩ cho biết anh Phong bị men gan tăng cao kèm theo hiện tượng gan thoái mỡ do rượu.

Anh Phong ngỡ ngàng vì mặt tái khi uống rượu cũng không phải là tốt như anh vẫn nghĩ. Từ đợt Tết dương lịch, anh Phong phát hiện mỗi lần mình uống rượu xong người bắt đầu đỏ, ngồi một lúc thì các vùng da đỏ, da tái loang lổ trên toàn thân không riêng gì mặt.

Bác sĩ cho biết nguyên nhân của hiện tượng này là do sự tích tụ acetaldehyde vì uống quá nhiều bia rượu, khiến mạch máu phình lên và gây ra tình trạng đỏ da.

PGS Nguyễn Thị Ngọc – Phó Chủ tịch Hội gan mật Hà Nội cho biết bà liên tiếp gặp các trường hợp bệnh nhân đến khám vì uống rượu xong người đỏ như tôm luộc.

Ví dụ như trường hợp của Vũ Tấn Thạch – Hà Nam mỗi lần uống rượu anh Thạch thấy hoàn toàn bình thường nhưng phải 5,6 tiếng sau anh bắt đầu ngứa da, nổi mẩn và hai ba hôm mới hết. Anh Thạch thường xuyên theo dõi các triệu chứng này nhưng không rõ nguyên nhân do đâu. Vợ anh nghi ngờ gan yếu nên mua bổ gan về cho chồng uống. Khi uống thuốc bổ gan anh chỉ thấy cơ thể mệt thêm, mặt nặng hơn.

Khi đến bệnh viện khám, bác sĩ tư vấn cho anh Thạch biết rằng đây là triệu chứng điển hình tổn thương gan do rượu bia, có người uống rượu không đỏ mặt nhưng có tổn thương gan, nhiều người uống rượu gây dị ứng như mặt đỏ, ngứa ngáy. Anh Thạch được bác sĩ kê thuốc có tác dụng giải độc gan và kèm theo giảm mức độ dị ứng bia rượu khi uống để giảm bớt nguy cơ tổn thương gan.

PGS Trịnh Thị Ngọc khám cho người bệnh.

Khi uống rượu, mặt tái hay mặt đỏ tốt?

Thực tế, khi uống rượu một số người chỉ uống một ly nhỏ là mặt nóng bừng và biến sang màu đỏ, ở một số người khác mặt chẳng những không đỏ mà càng uống càng tái.

PGS Ngọc cho rằng nhiều người quan niệm uống rượu đỏ mặt là tốt hơn những người càng uống càng tái nhưng thực tế thì hoàn toàn không phải. Theo nhiều nghiên cứu, người bị đỏ mặt khi uống rượu thường thuộc nhóm có men/enzyme aldehyde dehydrogenase-2 (ALDH2) yếu hoặc bị bất hoạt, có chuyển hóa acetaldehyde chậm gây tích tụ acetaldehyde nhiều hơn trong cơ thể và độc tính lưu lại trong cơ thể lâu gây nên các bệnh nguy hiểm trong đó có ung thư.

Nếu người bị đỏ mặt khi uống rượu lại thêm thói quen nghiện rượu thì sự việc càng nghiêm trọng hơn vì ngoài ung thư nguy cơ gây rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, xơ gan, gout,… Hơn nữa còn ảnh hưởng đến khả năng có con, tác động xấu lên việc duy trì thế hệ sau khỏe mạnh.

Bác sĩ Ngọc cho biết trong uống rượu không có ngưỡng an toàn nào đo bằng đỏ mặt hay tái mặt vì cả hai trạng thái này đều nguy hiểm như nhau. Mặt tái hay mặt đỏ hoàn toàn không liên quan tới tửu lượng của một người.

Bà khuyến cáo những người có thói quen uống rượu cần cố gắng duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe của mình một năm ít nhất 1 lần để phát hiện các bất thường. Người bệnh có thể tới các cơ sở y tế có chuyên khoa gan – mật để làm xét nghiệm xem chức năng gan – mật

Nếu đã được bác sĩ chẩn đoán có bệnh về gan, về tiêu hóa do rượu thì cần kiêng rượu tuyệt đối và không nên cố uống rượu xong tìm cách thải độc bằng các phương pháp khác.

Trường hợp bắt buộc phải uống rượu tiếp khách thì cần giữ quy tắc an toàn trong uống rượu bia đó là không uống khi đói, không uống nhanh, nên ăn kèm các thực phẩm khác khi uống rượu thay vì uống rượu suông.

K.Chi