Vì sao chứng khoán đột ngột rớt mạnh?

Chứng khoán trong nước sau phiên sáng giảm sâu, có thời điểm mất tới 45 điểm đã thu đẹp đà giảm trong phiên chiều. VN-Index đóng cửa ngày giao dịch 26/1 ở 1.136 điểm, mất 30 điểm (-2,6%). Đây là phiên giảm mạnh thứ hai của thị trường trong năm 2021 sau ngày giảm kỷ lục 61 điểm hôm 19/1.

Đà giảm diễn ra trên toàn bộ các nhóm cổ phiếu. Trên sàn HoSE, 395 mã đóng cửa trong sắc đỏ và chỉ 78 mã kết phiên với sắc xanh. Trong danh mục VN30, 26/30 cổ phiếu giảm giá.

Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với phiên hôm trước với giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE cán mốc 15.000 tỷ đồng. Hiện tượng khó khớp lệnh lại xuất hiện trong phiên chiều. Còn nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng 148 tỷ đồng.

Có thể đến từ chủ đích của nhà đầu tư lớn

Chia sẻ với Zing, Giám đốc cấp cao của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam Trương Hiền Phương cho rằng chưa có thông tin tiêu cực để dẫn đến việc thị trường phải phản ứng mạnh. Do đó, ông Phương cho rằng một số yếu tố có thể tác động đến việc chứng khoán điều chỉnh mạnh hôm nay.

Đầu tiên, thị trường tương lai ở các nước châu Âu, châu Á nhìn chung có mức giảm khá lớn và có thể khiến tâm lý một số nhà đầu tư lo lắng.

Thứ hai, phiên giảm mạnh của chứng khoán ngày 26/1 có thể một phần đến từ chủ đích của các nhà đầu tư lớn, tương tự như phiên 19/1 trước đó. Ông Phương phân tích dấu hiệu khởi xướng bán mạnh trên thị trường bắt đầu từ thời điểm 9h30 và tăng dần đến sau 11h khi thị trường đóng cửa phiên sáng với áp lực bán quyết liệt.

“Theo kinh nghiệm của tôi, đây là cách bán của nhà đầu tư lớn, không phải nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Nhà đầu tư cá nhân thường để giá cao để có lời, chia ra nhiều bước giá để tối ưu hóa lợi nhuận. Và lực của họ cũng không đủ để dập thị trường xuống như vậy. Có thể đây vẫn là hành động của nhà đầu tư lớn”, ông Phương dự đoán.

Hầu hết cổ phiếu rổ VN30 chìm trong sắc đỏ phiên 26/1. Ảnh: SSI.

Giám đốc cấp cao của KIS cho rằng thị trường vẫn đang ở vùng giá rất cao và trong vùng kháng cự mạnh (1.200 điểm) về lý thuyết. Do đó, nhà đầu tư lớn có thể muốn mượn yếu tố tâm lý khi VN-Index đang ở vùng kháng cự mạnh để giảm cầu, tăng cung, tăng lực bán để làm nhà đầu tư nhỏ cũng “té nước theo mưa”. Lực bán tăng theo quán tính kéo thị trường giảm liên tục.

Theo ông, thông thường sau một phiên điều chỉnh mạnh như hôm nay, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy sẽ phải call margin (phải nộp thêm tiền mặt hoặc bán bớt chứng khoán để tỷ lệ vay margin ở ngưỡng an toàn khi giá cổ phiếu giảm). Những nhà đầu tư không còn tiền mặt sẽ phải chấp nhận bán cổ phiếu giá thấp và đây là cơ hội để nhà đầu tư lớn có lợi thế khi mua vào sau đợt sóng giảm giá.

Do đó, ông cho rằng những yếu tố xấu, rủi ro lên thị trường chưa xuất hiện và thiên về phiên điều chỉnh ngày 26/1 do áp lực bán có chủ đích của nhà đầu tư lớn.

Cân nhắc mua vào nếu có tiền mặt

Ông Phương nhấn mạnh các yếu tố vĩ mô trong nước đều đang tích cực, không có thông tin đáng lo lắng. Mới đây, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính cũng nhận xét tốt về tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán 2021. Lượng tiền vay ký quỹ (margin) cũng đang ở mức có thể chấp nhận, chưa rủi ro.

Khối ngoại thường xuyên bán ròng nhưng giá trị bình quân không quá lớn (100-200 tỷ đồng) và lượng bán ròng này luôn được cân bằng bởi dòng tiền của nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Các khối tự doanh, nhà đầu tư tổ chức trong nước vẫn có nhiều phiên mua ròng hơn so với bán ròng.

Diễn biến giá trị mua, bán ròng của khối ngoại từ tháng 9/2020. Ảnh: VNDS.

Do đó, ông Phương khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân cần hết sức bình tĩnh trong những phiên giao dịch tới do nguyên tắc vận động của thị trường là có tăng có giảm.

“Khi thị trường giảm không vì rủi ro cụ thể, rủi ro tiềm ẩn trong tương lai, nhà đầu tư cá nhân không cần phải quá lo lắng, dẫn đến hành động bất lợi như bán tháo để bị mất lợi nhuận đáng tiếc. Nhà đầu tư nên bình tĩnh chờ nhịp điều chỉnh qua”, ông Phương chia sẻ với Zing. Theo giám đốc cấp cao của KIS, nếu không xuất hiện thông tin xấu bất lợi, không có sóng giảm sâu, thị trường sẽ điều chỉnh nhanh trong 1, 2 hay 3 phiên.

Ông cũng đưa ra lời khuyên những nhà nhà đầu tư cá nhân có tiền mặt nhàn rỗi với vị thế trung và dài hạn có thể cân nhắc giải ngân, mua vào cổ phiếu trong những phiên điều chỉnh. Đây là thời điểm có thể dễ mua được cổ phiếu tốt ở mức giá tốt hơn.

'Nhà đầu tư mới không nên hoảng loạn' Giám đốc phân tích của YSVN khuyến nghị nhà đầu tư vừa mua mới không nên hoảng loạn và có thể mua bình quân, tận dụng nhịp hồi của thị trường chứng khoán để giảm rủi ro.

Việt Đức