Vì sao giá vàng thế giới, giá vàng trong nước 'dắt tay' nhau tăng phi mã?

Thời gian gần đây, á vàng thế giới liên tục thiết lập kỷ lục mới. Đã có lúc, giá vàng thiết lập mức giá rất cao, hơn 2.350 USD/ounce, đây được coi là mức giá chưa từng có.

Một số nhận định cho rằng, giá vàng thế giới có thể tăng lên mức 2.600 - 2.800 USD/ounce, thậm chí là 3.000 USD/ounce.

Giá vàng thế giới tăng cao cũng ảnh hưởng 1 phần tới giá vàng trong nước, tuy nhiên, đây chỉ là một yếu tố nhỏ. (Ảnh: VV)

Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, đó là do ngân hàng Trung ương tại một số quốc gia tích cực mua vàng để tích trữ.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng ân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết: Những căng thẳng địa chính trị gần đây đã khiến Ngân hàng Trung ương của một số quốc gia tích cực mua vàng để dự trữ.

Ông Hùng giải thích: Có thể hiểu vàng là một công cụ quản lý rủi ro khi có những biến động lớn về địa chính trị. Trong bối cảnh địa chính trị thế giới không thuận lơik, không có nhiều biến động, nhu cầu mua vàng tích trữ sẽ thấp.

Ngược lại, nếu địa chính trị căng thẳng, nhiều biến động, nhu cầu mua vàng tích trữ sẽ tăng cao.

“Việc giá vàng thế giới tăng gần đây thể hiện rõ quan điểm của Ngân hàng Trung ương các nước, trong việc phòng ngừa rủi ro khi bất ổn chính trị gia tăng”, ông Hùng nói.

Mặc dù không liên thông với giá vàng thế giới, tuy nhiên, thời gian qua, giá vàng trong nước cũng “nhảy múa” liên tục. Một số chuyên gia trong nước nhận định, việc giá vàng liên tục tăng mà không có giải pháp can thiệp có thể dẫn đến hiện tượng nhập lậu vàng, làm thất thu thuế, ảnh hưởng tới tỷ giá và chảy máu ngoại tệ.

Với nhận định này, ông Hùng cho rằng, giá vàng thế giới tăng cao cũng ảnh hưởng 1 phần tới giá vàng trong nước, tuy nhiên, đây chỉ là một yếu tố nhỏ. Trên thực tế, giá vàng trong nước tăng cao là do cầu vượt cung.

“Nhu cầu mua vàng trong nước đang có xu hướng gia tăng do tâm lý của người mua vàng bị ảnh hưởng, đồng thời, lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp cũng khiến các nhà đầu tư chuyển sang các vàng để đầu tư cũng khiến nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, nguồn cung vàng trong nước lại rất hạn chế, điều này lý giải vì sao giá vàng trong nước đang tăng mạnh trong thời gian qua”, ông Hùng nói.

Về việc có cần thêm công cụ quản lý vàng, ông Hùng cho rằng: Hiện Việt Nam vẫn coi vàng là một loại hàng hóa “đặc biệt”, vì vậy quy trình quản lý cũng “đặc biệt”.

“ADB không tham gia vào việc sửa đổi, điều chỉnh Nghị định 24 về kinh doanh vàng. Nhưng đứng dưới góc độ cá nhân, tôi cho rằng, Chính phủ nên coi vàng là một công cụ tiền tệ, 1 sản phẩm tài chính và cũng là một loại hàng hóa cơ bản. Do đó, cần có những giải pháp quản lý có thể dung hòa được các yếu tố này, thì việc quản lý sẽ hiệu quả hơn”, ông Hùng nói.

Định Trần