Vì sao 'khắc khẩu'?

Minh họa: MINH SƠN

Có người cho rằng, sở dĩ đôi bên “khắc khẩu” là do không hiểu tính nết của nhau. Điều này không sai nhưng lại có trường hợp dù hiểu nhau tỏng tòng tong mà một khi thái độ của người vợ/chồng xét nét quá cũng dễ gây chuyện. Chẳng hạn, một ngày kia, sau khi nhận lương tháng đầu tiên sau những ngày tối tăm mặt mũi tìm việc, người chồng hào hứng đưa vợ đến một nhà hàng sang trọng. Đành rằng nơi chốn này sang trọng, giá cả cao ngất nhưng anh ta vẫn muốn thể hiện “đẳng cấp”. Người vợ cảm động lắm. Người chồng hào hứng lắm. Họ cầm tay dung dăng như thuở ban đầu mới yêu nhau.

Rồi sau đó, họ ăn uống rất ngon miệng?

Bước vào nhà hàng. Chễm chệ ngồi xuống ghế. Món ăn đã dọn lên. Người chồng vừa chuẩn bị cầm đũa, bỗng dưng nghe có tiếng nhắc nhở: “Cái khăn trắng tinh trên bàn đó, sao anh không trải lên đùi mà dùng lau tay? Anh nhìn qua các bàn khác thử xem?”. Đúng như lời vợ nói, các thực khách đều thực hiện vậy. Nghe góp ý hợp lý, người chồng cười hề hề rồi làm theo ngay.

Thấy miếng thịt bò bít-tết ngon quá, nuốt nước bọt cái ực, anh bắt đầu cầm các dụng cụ thao tác, lại nghe: “Ơ hay, đã dặn, đã hướng dẫn, đã chỉ bày nhiều lần rồi sao anh vẫn không nhớ cách cầm nĩa, dao? Phải cầm thế này, thế này chồng yêu ạ”. Vừa nói, người vợ vừa thao tác cho chồng bắt chước. Anh ta ngoan ngoãn làm theo và nghe vợ câu khen một câu mát lịm: “Phải thế chứ. Chồng em sành điệu đâu có thua gì ai”.

Rồi sau đó, họ ăn uống rất ngon miệng?

Vừa nhai miếng thịt bò, vừa lim dim con mắt đang tận hưởng vị ngon khoái khẩu, bỗng người chồng giật mình: “Trời, anh ơi là anh. Sao anh lại há miệng nhai chóp chép thế. Nhai từ từ, chậm rãi thôi, kẻo người ta cười cho”. Đột nhiên, anh ta có cảm thấy như đang… nhai miếng bìa cạc tông dai nhách! Hết cảm hứng. Nhắc nhở này không sai nhưng đã do quen với cách ẩm thực bổ bã “ăn tươi nuốt sống” nên anh ta cảm thấy bực mình. Bực thì bực nhưng đố dám tỏ thái độ phản ứng. Bèn ngoan ngoãn làm theo. Mà nào đã xong đâu. Những tưởng sau đó bữa ăn sẽ ngon lành, không còn gì phải nhắc nhở nữa, nhưng không: “Ơ kìa, sao anh lại ngồi ngã người ra ghế thế kia? Anh tưởng đang ngồi ở quán nhậu bình dân à?”.

Những tình huống chuyện này, không phải tôi bịa ra mà có thể nhiều người đã từng trải qua, tất nhiên họ cũng cảm thấy bị gò bó hết sức.

Nào đâu phải chỉ có thế. Tôi có quen chị bạn là giáo viên dạy môn Toán, chị kể, những lần về thăm bố mẹ chồng thì y như rằng, trăm lần như một bao giờ chị cũng “được” chồng “soi” từng ly từng tí vì những chuyện không đâu. Chẳng hạn, lúc ăn uống xong, lắm lúc chị vui vẻ nấn ná lại trong bếp và xăn tay áo cùng em chồng rửa dọn bát đũa. Bỗng người chồng từ đàng sau bước đến, đứng sát cạnh và ghé tai nói nhỏ: “Ai khiến em? Việc làm này là của Osin. Anh là con trai trưởng, em là dâu trưởng, vậy phải thể hiện “vị thế” của mình trước mặt các em chứ?”. Lời dặn dò ấy, liệu có hợp lý hay không? Chị áy náy lắm, dù vậy, chẳng lẽ cãi lại à? Trong bụng cứ ấm ức mãi khiến “bằng mặt mà không bằng lòng” là vậy.

Lại có chuyện rằng, do có cuộc họp mặt với anh em ở xa mới về, vừa rời khỏi cơ quan, chị phóng xe như bay đến trường đón bé nhóc. Sợ trễ giờ, cả hai mẹ con không dám về nhà thay quần áo mà qua luôn nhà nội. Người chồng sẽ hài lòng chứ? Nào ngờ, anh ta đã vội nhăm nhó, cau có: “Trưa trầy trưa trật rồi mà giờ này em mới đến, bộ em không nhớ hôm nay là ngày gì à?”. Tất nhiên là nhớ nhưng sao anh lại không thông cảm cho công việc của chị? Đã thế, anh còn nặng nhẹ: “Chà, hôm nay có người quen kẻ lạ mà em ăn mặc thế này coi sao đặng?”. Chị ăn mặc thế nào? Vẫn là bộ áo dài sáng nay vừa đứng dạy trên lớp đó thôi. Thế mà vẫn bị “phê bình”. Ức ghê!

Có những người xét nét, khó tính lạ lùng. Bất kỳ lúc nào, họ cũng “soi” không khác gì bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng. Oải lắm.

Còn chuyện của tôi đây, có lần hẹn hò, khi vừa đến nơi, tôi đã nghĩ trong đầu biết bao lời vàng, câu nói hoa mỹ tặng nàng, bỗng nghe rền vang như tiếng ta-lư: “Ủa, sao cưng lại ăn mặc giống như đi họp vậy hả? Cũng quần Tây, cũng áo sơ mi “đóng thùng” trông đạo mạo như ông già!”. Săm soi một lúc, nàng lại nhẹ nhàng như hát hay: “Anh là chúa lười. Thử cúi xuống nhìn đôi giày của anh đi? Quên đánh xi-ra rồi phải không?”. Ối dào, những tiểu tiết này có thể bỏ qua, không đáng để mắt đến nhưng rồi với nhiều người vẫn có chuyện để “soi”!

Ông bà mình thường bảo: “Nhân vô thập toàn”. Bất kỳ ai cũng có những khiếm khuyết nhưng cuộc sống sẽ kém vui nếu ta luôn xét nét “vạch lá tìm sâu”,. Vậy thì, có những chuyện đã thấy, đã gặp dù không hài lòng thì hãy bình tĩnh suy xét, liệu nó có ảnh hưởng đến “hòa bình thế giới”? Nếu không đáng thì hãy nhìn nhận độ lượng hơn, cảm thông hơn chứ lúc nào cũng xét nét khắc khe, gì cũng cằn nhằn, góp ý cho bằng được, ai chịu cho thấu?

LÊ MINH QUỐC