Vì sao Mỹ lạnh nhạt trước yêu cầu trợ giúp quân sự từ Haiti?

“Chúng tôi đã nhận được và đang phân tích yêu cầu (từ chính quyền Haiti)”, John Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ngày 10/7 trả lời New York Times.

Tuy nói rằng sẽ cẩn thận cân nhắc, các lãnh đạo quân đội Mỹ không mấy hứng thú với việc triển khai lực lượng tới Haiti theo yêu cầu Port-au-France đưa ra vào tối 9/7, New York Times nhận định.

“Mỹ chưa có kế hoạch cung cấp hỗ trợ quân sự vào thời điểm này”, một quan chức cấp cao khác trong chính quyền ông Biden cho biết.

Tình hình chính trị ở Haiti đã bất ổn từ trước vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise. Ảnh: Reuters.

Haiti yêu cầu Mỹ giúp đỡ sau vụ khi Tổng thống Moise bị ám sát tại dinh thự riêng ở thủ đô Port-au-Prince vào rạng sáng 7/7.

Yêu cầu của Haiti đặt ra lựa chọn khó khăn với ông Biden: Hoặc đưa quân giúp nước láng giềng trong lúc đang cố giảm sự hiện diện của quân đội ở nước ngoài, hoặc không làm gì và tình trạng hỗn loạn ở Haiti có thể leo thang thành khủng hoảng tị nạn.

Quan chức Nhà Trắng trước mắt tập trung vào những phương thức hỗ trợ khác như tăng cường huấn luyện và trợ giúp cảnh sát và quân đội Haiti.

Nhưng sự giúp đỡ như trên chưa chắc sẽ tạo ra khác biệt, nhất là tại khi nạn nghèo đói và tham nhũng tại Haiti không chuyển biến tích cực trong nhiều thập kỷ, bất chấp hàng tỷ USD viện trợ quốc tế.

Thái độ lạnh nhạt của chính quyền Biden phản ánh việc Mỹ muốn củng cố, thay vì mở rộng, sự hiện diện của quân đội ở nước ngoài, trong bối cảnh lực lượng nước này đang rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm giao tranh.

Mỹ cũng lo sợ rủi ro khi triển khai dù chỉ một lượng nhỏ binh sĩ tới Haiti, nơi có nhiều băng đảng vũ trang. Chính trường Haiti đang hỗn loạn khi 2 quan chức tự nhận là người kế nhiệm Tổng thống Moise.

Trước mắt ông Biden vẫn còn đó khủng hoảng chính trị của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Năm 1992, ông Clinton triển khai quân đội Mỹ tới Somalia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Động thái này dẫn đến trận đấu súng vào tháng 10/1993 tại Mogadishu, khiến 18 lính Mỹ và hàng trăm người Somali thiệt mạng.

Yêu cầu của chính quyền Haiti còn vấp phải một số ý kiến phản đối của người dân.

“Chúng tôi không muốn Mỹ can thiệp hay gì cả”, Monique Clesca, một tác giả và nhà hoạt động xã hội dân sự người Haiti, trả lời CNN.

Một nguyên nhân khác khiến Nhà Trắng thờ ơ là yêu cầu của Haiti mơ hồ và không nói rõ cần lính Mỹ làm gì.

Tuy nhiên, ông Biden cũng chịu áp lực phải can thiệp từ cộng đồng người Mỹ gốc Haiti và người tị nạn trú tại Mỹ, đặc biệt là nếu tình hình chính trị và an ninh của quốc gia vùng Caribbean này tiếp tục suy yếu.

Áp lực trên sẽ tiếp tục gia tăng nếu người Haiti trốn khỏi đất nước với số lượng đông đảo, trong bối cảnh ông Biden đang phải kiểm soát số lượng di dân vượt biên vào Mỹ từ biên giới Mexico.

James Stavridis, cựu đô đốc hải quân và nguyên lãnh đạo Bộ Tư lệnh miền Nam Mỹ, cho biết làn sóng tị nạn Haiti có thể làm thay đổi tính toán của chính quyền ông Biden. Vị này cũng bổ sung rằng quân đội đã lên kế hoạch đối phó dòng người di cư gia tăng bất thường.

Quốc Đạt