Vì sao nhiều kỷ lục xuất hiện ở đường chạy Olympic?

Sân điền kinh Olympic 2020 chứng kiến nhiều kỷ lục thế giới, Olympic, châu lục, quốc gia được thiết lập. Các vận động viên (VĐV) đều thi đấu hơn khả năng của mình.

Kỳ Olympic hứa hẹn nhiều kỷ lục

Ngay cuộc thi chung kết điền kinh đầu tiên của nữ, một kỷ lục Olympic được thiết lập. Elaine Thompson Herah của Đoàn thể thao Jamaica không chỉ bảo vệ chiếc HCV chạy 100 m giành được tại Olympic 2016, mà còn phá kỷ lục Olympic đứng từ năm 1988.

Tại Olynpic Seoul 1988, VĐV người Mỹ với bộ móng tay dài độc đáo Florence Griffith Joyner chạy hết 10 giây 62. Còn ở Tokyo 2020, thành tích của Herah là 10 giây 61.

Tuy nhiên, Joyner vẫn giữ kỷ lục thế giới 10 giây 49, lập tại một cuộc thi ở Mỹ năm 1988. Các kỷ lục thế giới lớn hơn và bao trùm các kỷ lục Olympic. Kỷ lục thế giới có thể được ghi nhận ở bất kỳ cuộc thi nào trong hệ thống các giải điền kinh được phê chuẩn. Trong khi đó, kỷ lục Olympic chỉ ghi ở các kỳ Olympic.

Tới ngày 1/8, Marcell Jacobs chạy 100 m hết 9 giây 80 để giành chiếc HCV cá nhân, được xem là danh giá nhất Thế vận hội. Ba kỳ Olympic trước đó, Usain Bolt đều giành HCV.

Tại Rio de Janeiro năm 2016, Bolt giành HCV ở mức 9 giây 81. Như vậy, thành tích của Jacobs năm nay còn hơn Bolt 5 năm trước.

Đến năm 2018, Jacobs vẫn còn tập trung vào thi nhảy xa. Còn bây giờ, anh lập kỷ lục châu Âu ở đường chạy 100 m.

Đường chạy 400 m rào nam, VĐV Nauy Karsten Warholm thiết lập kỷ lục thế giới mới 45 giây 94. Đội chạy tiếp sức phối hợp nam nữ 4x400 m Ba Lan cũng có kỷ lục Olympic ở mức 3 phút 09 giây 87. Các kỷ lục thế giới U20, quốc gia, hay thành tích cá nhân tốt nhất của các VĐV cũng rất nhiều.

Nhiều kỷ lục được thiết lập tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters.

Đường chạy nảy như bạt nhún

Sân vận động mới ở Tokyo có sức chứa 68.000 khán giả được kiến trúc sư Kengo Kuma thiết kế có chi phí xây lắp 1,4 tỷ USD. Đây là công trình kết hợp giữa sắt thép với gỗ độc đáo, thẩm mỹ và đầy tính truyền thống của Nhật Bản.

Gỗ thông và gỗ tuyết tùng lấy tượng trưng từ tất cả 47 tỉnh của Nhật Bản, được sắp đặt ở phần mái như những ngôi chùa Nhật Bản truyền thống. Nó có tác động lấy gió và chuyển hướng gió lan tỏa khắp sân, nhằm kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm cho khán giả và các VĐV.

Thông gió tốt có thể giúp làm tăng khả năng thi đấu của những tay chạy. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn với họ là mặt đường chạy, nơi VĐV lấy đà, nhảy, bứt tốc. Phụ trách việc này là kỹ sư người Italy Andrea Vallauri và công ty Mondo của ông.

Mondo thiết kế 12 đường chạy Olympic cho nhiều đối tác, mất gần 3 năm để làm việc với mặt sân đang được sử dụng tại Tokyo, từ thí nghiệm để chọn các loại vật liệu, pha trộn vật liệu, hỏi ý thích của các VĐV, dựng đường chạy thử. Khi sân hoàn tất, các VĐV cũng được mời đến chạy thử.

“Câu trả lời công ty nhận được từ các VĐV là đường chạy hiện tại đây”, Vallauri khẳng định trên truyền thông. Theo Vallauri, mặt sân chạy này hút hết các chấn động, đưa trở lại đôi chân các VĐV nguồn năng lượng, như thể họ đang chơi bạt nhún trampoline.

“Bạn có thể cảm nhận được độ nảy của đường chạy khác. Đường chạy khác hút độ nảy, còn đường chạy này tạo ra độ nảy”, Sydney McLaughlin nói. VĐV người Mỹ đang giữ kỷ lục thế giới 400 m rào nữ sẽ thi chung kết trong hôm nay (4/8).

Sau khi chạy một cách khá thoải mái ở các vòng loại, McLaughlin cho rằng rất có thể kỷ lục thế giới mới sẽ được thiết lập. Cô hy vọng người đó sẽ là mình.

Herah nói rằng nếu cô không ăn mừng sớm trước khi về đích, thì bản thân có thể đe dọa kỷ lục thế giới 10 giây 49 của Joyner. “Nếu tập trung hơn ở những mét cuối, tôi có thể chạy nhanh hơn nữa”, Herah cho biết.

Vallauri kỳ vọng đường chạy trị giá 1,5 triệu USD tăng thành tích thêm cho mỗi VĐV khoảng 2%. Với việc các kỷ lục thường được phá bởi những phần trăm giây, thì 2% này rất có ý nghĩa.

Cái tên Mondo có thể không quen thuộc với khán giả, nhưng rất quen thuộc với các VĐV. Hơn phân nửa số kỷ lục thế giới thiết lập trong 20 năm qua được thiết lập trên các đường chạy được thi công bởi công ty đóng trụ sở tại Alba, gần Torino.

Mặt sân không chỉ có lợi cho các tay nước rút, nó góp phần vào thành tích cao cho các VĐV nhảy. Nữ VĐV Yulimar Rojas (Venezuela) phá kỷ lục thế giới nhảy 3 bước đã đứng từ 26 năm nay, trước khi cô chào đời 2 tháng. Thành tích của Rojas là 15,67 m, hơn kỷ lục cũ đến 17 cm.

Nhiệt độ cũng là yếu tố chi phối thành tích. Nhiệt độ cao có thể khiến các VĐV môn thi khác hoặc VĐV chạy cự ly dài khó chịu. Đó là lý do mà cuộc thi chạy marathon nam và nữ được tổ chức tại thành phố Sapporo, thủ phủ đảo Hokkaido, cách Tokyo 800 km về phía Bắc, nơi nhiệt độ trung bình vào tháng 8 là 26 độ C.

Song, với các VĐV chạy cự ly ngắn thì nhiệt độ cao khiến họ thi đấu tốt hơn. Nhiệt độ cao khiến các tế bào sản sinh phần tử mang năng lượng ATP (adenosine triphosphate) tốt hơn, kích hoạt hệ thần kinh vận động và cơ bắp nhanh hơn. Tức là tốt cho việc sinh lực bùng nổ trong thời gian ngắn.

“99% các tay chạy nước rút đều thích nhiệt độ cao”, huyền thoại điền kinh Mỹ Carl Lewis khẳng định.

Hầu hết kỷ lục thế giới về chạy, nhảy được lập vào tháng 7 và tháng 8 trong năm. Nhiệt độ trung bình ở Tokyo tháng này là trên 30 độ C.

Đường chạy là một trong những yếu tố giúp VĐV có thành tích cao hơn. Ảnh: Reuters.

Nhanh hơn, nhưng cũng nguy hiểm hơn

Tuy vậy, một số VĐV phàn nàn rằng mặt sân chạy này đẩy sức chịu đựng cơ thể của họ tới hạn mà các đường chạy khác không tạo ra. Tay chạy Pháp Jimmy Vicaut nói rằng tập chạy ở đây dễ bị chấn thương cơ bắp.

Gavin Smellie, VĐV người Canada, cho biết tập trên mặt sân khiến cơ thể đau nhức, đặc biệt là vào ngày hôm sau. Để thích nghi, Smellie đặt lịch các buổi tập 24 giờ trước khi thi đấu, để có nhiều thời gian hồi phục hơn.

Sau khi chạy với thành tích cá nhân tốt nhất của mình ở vòng bán kết chạy 100 m, nam VĐV người Nigeria Enoch Adegoke không thể chạy hết 100 m ở cuộc thi chung kết. Anh bị đau gân khoeo ngay sau 20 m đầu tiên.

Nữ VĐV người Anh Dina Asher-Smith nói đường chạy mới làm trầm trọng hơn các chấn thương. Công nghệ luôn tiến triển trong thiết kế đường chạy và giày chạy đang đẩy câu hỏi: Mức hỗ trợ về công nghệ cho các VĐV bao nhiêu là vừa?

Cho dù có thể mạo hiểm hơn với cơ thể, phần lớn các VĐV đều thích các đường chạy cho phép thành tích của họ tốt hơn.

Marcell Jacobs giành HCV chạy 100 m nam Tối 1/8, vận động viên người Italy giành huy chương danh giá nhất của môn điền kinh tại Olympic Tokyo 2020.

Chính Phong