Vì sao phân luồng học nghề sau THCS chưa đạt hiệu quả? - Kỳ 4: Tạo sức hút cho giáo dục nghề nghiệp

Giải mã được những trở ngại, thách thức khiến công tác phân luồng, hướng nghiệp HS sau THCS chưa đạt mục tiêu, nhiều giải pháp đã được đề ra để tạo cú hích cho GDNN.

Thời gian tới, các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THCS sẽ được đẩy mạnh để tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của phụ huynh và học sinh. Trong ảnh: Học sinh THCS tham quan, trải nghiệm tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu.

Gia tăng sức hút cho trường nghề

Nhằm tạo thêm sức hút cho trường nghề trong giai đoạn tới, các nhóm giải pháp thu hút và tiếp nhận HS tốt nghiệp THCS vào các cơ sở GDNN, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích HS học nghề đã và đang được xây dựng, triển khai sâu rộng.

Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, toàn tỉnh hiện có 3 cơ sở GDNN công lập, trong đó chỉ có Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu tuyển sinh hệ trung cấp với HS tốt nghiệp THCS. Sở KH-ĐT đã bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự án xây mới KTX của trường.

Hiện nay, nhà trường đang tiếp tục phối hợp với Sở KH-ĐT thực hiện các thủ tục tiếp theo để sớm thực hiện dự án này nhằm hỗ trợ chỗ ở cho HSSV. Ngoài xây mới KTX, trường còn được đầu tư các hạng mục khác như cải tạo, xây mới xưởng thực hành và phòng học lý thuyết tại cơ sở I tại huyện Đất Đỏ để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, thực hành, nâng cao chất lượng GDNN.

Việc tuyên truyền, hướng nghiệp chỉ là bước khởi đầu. Còn yếu tố ảnh hướng tới quyết định của HS, phụ huynh là sau khi tốt nghiệp, các em có việc làm ổn định, có điều kiện phát triển sự nghiệp, cơ hội học tiếp lên bậc học cao hơn hay không. Do đó, trong kế hoạch triển khai Kế hoạch 135 giai đoạn tới cần bổ sung trách nhiệm của trường dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, giới thiệu việc làm cho HS, SV sau tốt nghiệp. Yêu cầu Sở GD-ĐT, Sở LĐTBXH, các cơ sở GDNN và Trung tâm GDTX phối hợp tạo điều kiện cho những HS học nghề có điều kiện học văn hóa THPT.

Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Cùng với đó, tỉnh tăng cường kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục đầu tư phát triển hoạt động GDNN theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Theo lãnh đạo Sở LĐTBXH, trong điều kiện đất đai xây dựng cơ sở đào tạo theo hình thức xã hội hóa gặp khó khăn như hiện nay thì việc kêu gọi đầu tư chủ yếu là vận động các cơ sở đào tạo có năng lực ngoài tỉnh thực hiện liên kết đào tạo, mở phân hiệu để HS tham gia học nghề. Đồng thời phối hợp với ngành GD-ĐT khai thác cơ sở vật chất hiện có tại các trung tâm GDTX, ưu tiên các địa bàn chưa có cơ sở GDNN.

Sở LĐTBXH cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở GDNN thực hiện thủ tục tăng quy mô tuyển sinh, mở thêm ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu của HS và quy định của Luật GDNN. Riêng bậc CĐ và trung cấp đã có thêm 3 đơn vị tham gia đào tạo bổ sung: Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu đăng ký bổ sung hoạt động GDNN với 6 nghề; Trường Trung cấp nghề Nhân Đạo (TP. Hồ Chí Minh) liên kết với Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Phước Lộc đăng ký bổ sung 1 nghề trình độ trung cấp; Trường CĐ FPT Polytechnic liên kết với trường CĐ Dầu khí mở Văn phòng đại diện và địa điểm đào tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tuyển sinh đào tạo bậc trung cấp dành cho HS từ lớp 9 trở lên.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Phước Thắng (TP.Vũng Tàu) tham quan hướng nghiệp và trải nghiệm thực tế tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu.

Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường nghề và kêu gọi xã hội hóa GDNN, các giải pháp về chính sách hỗ trợ HS tham gia học nghề cũng được chú trọng. Theo bà Trúc My, ngành LĐTBXH sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố triển khai sâu rộng hơn nữa chính sách miễn giảm học phí học nghề đối với HS theo Nghị định 81 của Chính phủ. Sở LĐTBXH cũng đang phối hợp với Sở GTVT đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ giá xe buýt cho HSSV. Đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện và trình UBND tỉnh xin chủ trương xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho HS, SV trên địa bàn tỉnh tham gia học nghề trình độ CĐ và trung cấp.

Về phía các cơ sở GDNN, trước nhiệm vụ sống còn, các trường nghề cũng khẩn trương chuyển mình để đáp ứng yêu cầu thực tế, gây dựng lòng tin với phụ huynh, HS và toàn xã hội. Bà Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư bổ sung trang thiết bị đào tạo cho tất cả các ngành nghề, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đủ số lượng, đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cao đạt chuẩn quốc tế. Nhà trường cũng sẽ lựa chọn, phát triển hệ thống ngành nghề đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động, xây dựng mô hình quản trị chất lượng toàn diện, phát triển các chương trình đào tạo để được kiểm định đạt chuẩn quốc tế.

Con số 90,65% chưa đủ sức thuyết phục

Để tạo lòng tin với phụ huynh, HS và xã hội về cánh cửa rộng mở sau học nghề, Sở LĐTBXH đã đưa ra tỷ lệ HS tốt nghiệp bậc Trung cấp có việc làm sau 1 năm ra trường. Tính trung bình tại 8 cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh có tuyển sinh trình độ trung cấp, trong 4 năm qua, con số này là 90,65%. Riêng năm 2019 là 90,62%; năm 2020 là 91,75%; năm 2021 là 86,33% và năm 2022 là 93,93%.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, con số trên là chưa đủ sức thuyết phục. Cô Dương Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức) bày tỏ quan điểm, tỷ lệ HS có việc làm sau tốt nghiệp phải đi kèm với các thông tin có liên quan như việc làm có đúng với ngành nghề được đào tạo hay không, mức thu nhập ra sao… Những thông tin đưa ra phải cụ thể, rõ ràng, có sự phân tích, định hướng. Truyền thông với những thông tin chung chung sẽ không thể đem lại sự thay đổi về nhận thức cho phụ huynh, HS.

Tạo chuyển biến trong tuyên truyền, nhận thức

Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo để cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc huy động HS tốt nghiệp THCS tham gia các loại hình học tập, tăng cường công tác truyền thông, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền tới phụ huynh, HS. UBND tỉnh cũng yêu cầu các ban ngành, đoàn thể, địa phương và các cơ sở giáo dục tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS.

“Sở LĐTBXH phải phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp thông tin về thị trường lao động trên cơ sở kết quả điều tra cung cầu lao động hàng năm, thông tin về doanh nghiệp thành lập mới có nhu cầu sử dụng lao động đến các cơ sở đào tạo. Đồng thời, thông tin về cơ sở đào tạo, ngành nghề đào tạo đến các trường phổ thông với các hình thức phong phú hơn”, ông Đặng Minh Thông yêu cầu.

Về phía ngành giáo dục, theo bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT, ngành sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường. Chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp Khoa học-Công nghệ-Kỹ thuật-Toán (giáo dục STEM) trong Chương trình phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của quốc gia, đáp ứng thị trường lao động, chuẩn bị điều kiện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục là giải pháp giúp các trường nghề tạo dựng lòng tin với phụ huynh, học sinh.

Đặc biệt, ngành sẽ tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông; phối hợp với Sở LĐTBXH và các đơn vị có liên quan trong việc ký kết cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục phổ thông với cơ sở giáo dục ĐH và GDNN về công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông. Cùng với đó là việc đổi mới hình thức tổ chức ngày hội hướng nghiệp gắn với thực tiễn ngành nghề tại tỉnh, với sự tham gia của những chuyên gia hướng nghiệp, những nhà tâm lý chuyên nghiệp để tư vấn cho HS và phụ huynh.

“Sở đã thời kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí đánh giá việc thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông và tiêu chuẩn lựa chọn đối với người làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong trường phổ thông"” bà Trần Thị Ngọc Châu cho biết thêm.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: KHÁNH CHI