Vì sao 'vòng bụng càng to thì vòng đời càng ngắn'?

Mỡ “cứng đầu” khó loại bỏ

Theo Thạc sĩ, BS Nguyễn Đình Minh – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện E Hà Nội, mỡ là thành phần không thể thiếu trong cơ thể có tác dụng như một mô đệm bọc xung quanh cơ thể, tích trữ năng lượng, nguyên liệu để sản xuất một số hormon thiết yếu và đặc biệt sự phân bố của mô mỡ làm cho cơ thể có những đường cong tuyệt vời. Tuy vậy cơ thể rất hay xảy ra tình trạng dư thừa mỡ do thừa năng lượng cung cấp khi ăn uống hàng ngày và chế độ tập luyện, sinh hoạt tiêu thụ ít năng lượng

Thạc sĩ Minh cho biết có 2 loại mỡ ở cơ thể đó là mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Trong đó, mỡ dưới da được hình thành do quá trình tích trữ năng lượng của cơ thể. Lớp mỡ này khiến chúng ta có sức sống và làm ấm cơ thể khi trời lạnh. Mỡ dưới da như một nguồn năng lượng dự trữ cho các hoạt động cần thiết của cơ thể.

Mặt khác, khi năng lượng nạp vào cơ thể nhiều hơn năng lượng chúng ta tiêu hao mỗi ngày thì lớp mỡ dưới da sẽ dày lên, tạo thành mỡ thừa. Xét về tác hại, mỡ dưới da tuy chưa ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan nội tạng, nhưng lại là loại mỡ “cứng đầu” khó loại bỏ.

Chúng khiến cơ thể chúng ta trở nên nặng nề, các hoạt động vận động nhẹ cũng dễ khiến ta trở nên mệt mỏi. Ngoài ra, mỡ dưới da còn là “tiền đề” để hình thành mỡ nội tạng - loại mỡ vô cùng nguy hại đối với sức khỏe con người.

Mỡ nội tạng, thường được gọi là "mỡ sâu", bao bọc xung quanh các cơ quan bên trong “dân gian hay gọi là bụng bia”.

BS Minh cho biết mỡ tạng này rất khó để loại bỏ bằng phẫu thuật, đây là loại mỡ nguy hiểm nhất trong số các loại mỡ trên cơ thể. Một lý do khiến mỡ nội tạng dư thừa có hại là do lưu lượng máu chảy vào gan qua tĩnh mạch cửa. Nói cách khác, tất cả các chất độc và axit béo từ mỡ nội tạng sẽ bị cuốn theo máu và đổ vào gan, tác động tiêu cực đến việc sản xuất lipid máu (cholesterol).

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Minh.

Nghiên cứu cho thấy chất béo nội tạng bơm ra các hóa chất của hệ thống miễn dịch gọi là cytokine có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách thúc đẩy kháng insulin và viêm mãn tính. Nhưng so với mỡ dưới da thì chỉ cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh và luyện tập, mỡ nội tạng giảm dễ hơn mỡ dưới da.

Tác hại của mỡ vòng bụng

Thạc sĩ Minh cho biết quan niệm dân gian vẫn nói “vòng bụng to vòng đời ngắn” là bởi vì có các nghiên cứu đã chứng minh, béo bụng gây ra vô số bệnh tật nguy hiểm như: Gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, rối loạn nội tiết tố cơ thể, bệnh tiểu đường loại 2, ung thư vú, ung thư buồng trứng… do hàm lượng chất béo cao khiến quá trình chuyển hóa trong cơ thể rối loạn, kích thích lượng estrogen trong cơ thể sản sinh vượt mức.

Khi bị béo bụng thường khiến người đó cảm thấy nặng nề, mệt mỏi, đi lại, vận động khó khăn. Và thực tế, điều đó thường dẫn đến lười vận động, càng lười vận động càng khiến bụng to ra, mỡ tích tụ nhiều hơn.

Về mặt thẩm mỹ, phần bụng to quá khổ, mỡ núc ních sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến thân hình mất cân đối, kém đẹp… Hầu hết người bị béo bụng đều cảm thấy mình xấu xí, nặng nề, xuất hiện tâm lý tự ti, mặc cảm.

Để loại bỏ mỡ vùng bụng có hai biện pháp. Theo BS Minh có thể loại bỏ mỡ nhờ can thiệp phẫu thuật, hút mỡ… Hiện nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều công nghệ giảm béo hiện đại an toàn sẽ giúp cho người có vòng 2 quá khổ lấy lại vóc dáng.

Cách khác đó là tập thể dục thể thao kết hợp với chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Bỏ các thói quen như uống rượu bia, dùng thức ăn nhanh, ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ ngọt... Tuy nhiên, cách loại bỏ mỡ này lại rất mất thời gian và phải cần kiên trì nên không phải ai cũng thực hiện được.

K.Chi