Viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ khiến xung đột không có hồi kết?

Phát biểu tại cuộc họp do phía đề xuất, quan chức về các vấn đề giải trừ vũ khí của Liên Hợp Quốc Adedeji Ebo khẳng định, thế giới không thể chấp nhận được cuộc chiến tranh vô nghĩa ở Ukraine tiếp diễn khi nguồn cung vũ khí tiếp tục đổ về quốc gia Đông Âu này:

“Thế giới không thể chấp nhận để cuộc chiến vô nghĩa này tiếp diễn. Như Tổng thư ký ên Hợp Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh, Liên Hợp Quốc cam kết hỗ trợ mọi nỗ lực có ý nghĩa nhằm mang lại nền hòa bình công bằng và bền vững cho Ukraine, được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong những tháng qua, có thông tin cho rằng việc chuyển giao vũ khí và đạn dược cho lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục. Điều này sẽ chỉ khiến cuộc xung đột không có hồi kết".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Ý kiến của đại diện Liên Hợp Quốc cũng là ý kiến của phần đông đại diện các nước yêu chuộng hòa bình đưa ra tại cuộc họp.

Không phải đến cuộc họp này của Hội đồng Bảo an, hậu quả của việc cung cấp vũ khí cho mới được đặt ra. Từ trước đó, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia Liên Hợp Quốc và nhiều nước trên thế giới cũng đã phản đối hành động này. Ngay trong nội bộ các nước phương Tây, người dân các quốc gia này cũng không đồng tình với việc chính phủ các nước này tiếp tục hỗ trợ vũ khí hàng tỷ USD cho một quốc gia khác trong khi bản thân nhiều nước phương Tây vẫn đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao và kinh tế suy thoái.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy nhấn mạnh, vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine và những hệ lụy kèm theo đã được Nga cảnh báo nhiều lần trước đây:

“Nếu chúng ta tóm tắt tình hình ở Ukraine thì mọi thứ đang diễn ra đúng như những gì chúng tôi đã nói trong vài tháng qua. Sự ủng hộ dành cho chính quyền Ukraine để phục vụ lợi ích địa chính trị của phương Tây đang giảm đáng kể”.

Ước tính hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự đã được Mỹ và các nước phương Tây rót về cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra từ tháng 2/2022. Điều này không chỉ khiến xung đột không ngừng leo thang mà còn khiến các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine lâm vào bế tắc hơn 1 năm nay. Chiến trường ở Ukraine đang ngày một khốc liệt hơn khi vũ khí được các phương Tây liên tục gửi đến quốc gia này. Trong khi Tổng thống Ukraine đã nhiều lần kêu gọi phương Tây, thậm chí tới cả các quốc gia này để kêu gọi, vận động cung cấp các vũ khí hạng nặng và máy bay chiến đấu hiện đại.

Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Mỹ hôm qua (11/12), Tổng thống Zelensky tiếp tục bày tỏ hy vọng ông vẫn có thể trông cậy vào Mỹ, trong bối cảnh có nhiều nghi vấn về việc viện trợ quân sự trong tương lai của Mỹ cho Ukraine. Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thể hiện cam kết hỗ trợ cũng như sát cánh cùng Ukraine. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cuộc xung đột tại quốc gia Đông Âu này chưa biết bao giờ mới có hồi kết. Chừng nào mà phương Tây còn tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho quốc gia Đông Âu này, chừng đó cơ hội hòa bình cho Ukraine vẫn còn xa vời.

Hồng Nhung/VOV1 Tổng hợp