Vùng dậy và giành lại những gì đã mất!

Báo chí trước sức ép khổng lồ của Big Tech

Tương lai báo chí và truyền thông ngày càng nguy cấp sau khi các công ty công nghệ lớn (Big Tech) còn đang lợi dụng thêm í tuệ nhân tạo (AI) để xâm phạm các tác phẩm có bản quyền của báo chí. Không còn cách nào khác, báo chí cần phải đứng lên chống lại hay ít nhất gây sức ép buộc họ ngừng sử dụng AI và các “vũ khí công nghệ” khác để chiếm đoạt công sức của mình.

Báo chí thế giới đang đấu tranh mạnh mẽ để đòi lại những gì đã mất từ tay các Big Tech. Ảnh minh họa: GI

Chỉ chưa đầy một năm từ khi trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ với “phát súng hiệu lệnh” của vào cuối năm 2022, xã hội nói chung và giới báo chí nói riêng có cảm giác như vừa trải qua cả một thập kỷ do quá nhiều sự thay đổi đã diễn ra. Trí tuệ nhân tạo hiện đã “xâm nhập” vào mọi ngóc ngách của đời sống con người.

Sự bùng nổ AI được khẳng định sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng 4.0 vì sự tiến bộ của con người, giúp nhiều lĩnh vực đời sống phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Trong bối cảnh rộng lớn của lịch sử đó, giới báo chí và truyền thông dường như quá nhỏ bé, giống như một cồn cát nhỏ trước dòng sông cuồn cuộn của thời đại.

Nói cách khác, báo chí không thể là vật cản, và càng không nên tìm cách để trở thành vật cản ngăn bánh xe lịch sử trong hành trình vươn tới nền văn minh tiếp theo của nhân loại. Thực ra, một trong những sứ mệnh cao cả của báo chí còn là song hành và cổ vũ sự tiến bộ của con người.

Với AI, các Big Tech như Google và Facebook sẽ ngày càng tinh vi hơn trong việc chiếm đoạt nội dung báo chí để giành lợi nhuận. Ảnh: FT

Khi báo chí phải chống lại công nghệ

Nhưng, đến lúc này có cảm giác rằng thế giới báo chí đang đứng ở bên kia chiến tuyến để đối đầu với công nghệ nói chung, trí tuệ nhân tạo nói riêng? Không, báo chí cũng như nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng khác đang không chống lại AI, mà chỉ là chống lại những “gã khổng lồ tham lam” đang muốn lợi dụng AI để trục lợi cho riêng mình, muốn đẩy báo chí tiếp tục vào bước đường cùng sau khi đã vùi dập báo chí bằng những “vũ khí công nghệ” tinh vi khác - như mạng xã hội, công cụ chia sẻ hay công cụ tìm kiếm.

Trong những ngày cuối năm 2023 vừa rồi, một trong những tờ báo thành công nhất thế giới về cả nội dung lẫn kinh tế là New York Times của Mỹ đã chính thức kiện OpenAI và cả ông lớn công nghệ về việc sử dụng trái phép các bài báo của họ để đào tạo các mô hình AI như ChatGPT hay Bing, đồng thời đòi bồi thường tới “hàng tỷ đô la”.

Đó chỉ là trận chiến mới nhất. Cuộc chiến đã diễn ra rầm rộ, không chỉ trong báo chí và truyền thông, mà còn trong các lĩnh vực sáng tạo khác như văn học, điện ảnh... Trong năm qua, các nghệ sĩ, nhà biên kịch, tiểu thuyết gia và các tác giả khác đã đâm đơn kiện các Big Tech và yêu cầu bồi thường do sử dụng trái phép các tác phẩm của họ để đào tạo mô hình AI, để kiếm lời và không có ý định trả phí.

Hồi tháng 5/2023, tại hội nghị truyền thông INMA, CEO Robert Thomson của tập đoàn News Corp, đã nêu ra sự phẫn nộ của ngành báo chí và truyền thông với AI rằng: “Tài sản tập thể của phương tiện truyền thông đang bị đe dọa và chúng ta nên đấu tranh mạnh mẽ để được bồi thường... AI đang được thiết kế để người đọc sẽ không bao giờ truy cập một trang web báo chí nào, do đó làm suy yếu nghiêm trọng hoạt động báo chí”.

Trong khi đó, Báo Financial Times cho biết: “Bản quyền là một vấn đề sống còn đối với tất cả các nhà xuất bản”. Còn Mathias Döpfner - CEO của Tập đoàn truyền thông Axel Springer, chủ sở hữu của Politico, Bild hay Die Welt, tuyên bố: “Chúng ta cần một giải pháp cho toàn ngành báo chí và truyền thông. Chúng ta phải đoàn kết và làm việc cùng nhau về vấn đề này”.

Những lời kêu gọi đó đã rất cấp thiết, không hề mang tính hô hào. Thực tế, tương lai báo chí thế giới đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, nếu những người làm báo cứ khoanh tay đứng nhìn các Big Tech mặc nhiên sử dụng thuật toán, chiêu trò, mánh khóe và giờ dùng cả “vũ khí AI” để “chiếm đoạt” công sức và chất xám của mình.

Big Tech “chiếm đoạt” báo chí như thế nào?

Như đã biết, trong kỷ nguyên internet và mạng xã hội, các Big Tech ban đầu “lôi kéo” báo chí đưa tin tức lên các nền tảng công nghệ ưu việt của họ, để giành giật độc giả và tăng doanh thu. Sự “ngây thơ” đó của báo chí ban đầu đã sớm khiến cả một nền báo in có truyền thống đầy tự hào hàng trăm năm sụp đổ.

Sau khi giải quyết được “báo in”, các ông lớn công nghệ, gồm Microsoft, Meta và cả , tiếp tục vùi dập nốt “báo điện tử”, khiến hầu hết sản phẩm báo chí trở thành miễn phí hoặc giá rẻ; các nhà báo trở thành những người làm công không lương cho chính các MXH như Facebook, TikTok, Twitter (X)... hay các nền tảng công nghệ của Google và Microsoft.

Các thống kê ở hầu hết thị trường báo chí trên thế giới đều chỉ ra rằng ngoài việc gần như không còn lợi nhuận từ báo in, nguồn thu quảng cáo trực tuyến của báo chí cũng sụt giảm tới 70 đến 80%, phần lớn số tiền này đã chảy vào túi tiền của các Big Tech. Trong bối cảnh đó, không chỉ những tờ báo nhỏ lụi bại, những trang báo đình đám từng phụ thuộc vào các mạng xã hội đều sụp đổ hoặc sống lay lắt, như trường hợp của BuzzFeed News và Vice.

Sau khi lôi kéo người dùng đến các nền tảng của mình, gồm phần lớn độc giả truyền thống của báo chí, các Big Tech còn có động thái “hất cẳng” báo chí, khi không còn hỗ trợ tin tức, đặc biệt “vơ vét” hầu hết nguồn tài trợ quảng cáo. Chính Google và Facebook gần đây đã “phủi tay” nói rằng tin tức không còn nhiều giá trị đối với họ trong các vụ kiện trả tiền cho báo chí ở Úc và Canada. Thậm chí Facebook và Google dọa hoặc đã thử nghiệm chặn tin tức ở hai quốc gia này!

Đến lúc này, hầu hết các MXH đều không còn nhiều tin tức báo chí thuần túy, cũng như báo chí nói chung không còn hưởng lợi từ lượng truy cập trên các nền tảng công nghệ, bởi thuật toán hạn chế tiếp cận đường link liên kết hoặc hạn chế các yếu tố khuyến khích người dùng đọc báo khác. Nếu bằng cách nào đó mà các trang báo vẫn “hút view” được từ các nền tảng công nghệ, thì số tiền mà họ nhận được từ các lượt truy cập cũng rất bèo bọt.

Một thống kê cho thấy người Mỹ đang xem tin tức nhiều hơn bao giờ hết, với các tổ chức tin tức tiếp cận hơn 135 triệu người Mỹ trưởng thành mỗi tuần. Nhưng bất chấp lượng độc giả kỷ lục, doanh thu của các nhà xuất bản tin tức ở Mỹ vẫn giảm hơn 50% trong những năm gần đây. Hiển nhiên, đó cũng là tình trạng chung của hầu hết các quốc gia, gồm cả Việt Nam. Đơn giản, các bài báo như đã nói đã bị các Big Tech biến thành sản phẩm miễn phí trong nhiều năm qua!

Thế giới báo chí cần tiếp tục đấu tranh với nhóm công nghệ lớn vì quyền lợi và tương lai của mình. Ảnh minh họa: FT

AI, vũ khí mới và đáng sợ của Big Tech

Trước sự “bóp nghẹt” của các Big Tech, nhiều tờ báo lớn đã vùng dậy và tìm ra được một con đường mới, thay vì kiếm những đồng bạc lẻ từ quảng cáo Google hay Facebook, họ đang tìm đường trở lại giá trị cũ. Đó chính là “bán báo”, chỉ khác thay vì bán báo in như trước thì giờ theo hình thức đăng ký trả tiền hoặc tường phí trên báo điện tử.

Hầu hết các tờ báo lớn trên thế giới đã đi theo mô hình này và phần nào thành công, đã có thể tự sống bằng chính tiền đọc báo của độc giả, gần như không còn phụ thuộc vào Facebook hay Google, như New York Times, Reuters, Washington Post... Các tác phẩm báo chí chất lượng và chân chính một lần nữa lại trở thành một sản phẩm phải mất tiền mua - điều vốn dĩ là hiển nhiên trong hàng thế kỷ trước sự xuất hiện của Big Tech.

Tuy nhiên, niềm hy vọng của báo chí vừa lóe lên thì một hiểm họa mới đã ập đến: Sự xuất hiện của AI!

Như đã nói, không thể phủ nhận AI là một công nghệ có thể giúp loài người vươn tới nền văn minh tiếp theo, có giá trị vô song với mọi mặt của đời sống. Nhưng thật đáng tiếc, các Big Tech lại muốn lợi dụng nó để lấy đi nốt chút hy vọng còn lại của báo chí. Nhờ Mô hình Ngôn ngữ lớn (LLM), Học máy (ML) hay Học sâu (DL), các công cụ AI hiện đang “lục lọi” mọi ngõ ngách trên internet, để lấy đi tất cả kiến thức, sách vở và tin tức có bản quyền làm tài sản cho riêng mình và đang thu về những nguồn lợi kếch xù từ điều này, đồng thời không muốn trả phí.

Có nghĩa, các Big Tech đang muốn đánh sập tiếp mô hình kinh doanh mà báo chí vừa gây dựng. Với khả năng siêu việt, AI sẽ dễ dàng “đánh cắp” hoặc chỉ phải trả một khoản phí rất nhỏ như một người dùng bình thường để lấy đi tất cả nội dung bản quyền của các tờ báo chỉ trong nháy mắt, sau đó đem ra huấn luyện các mô hình AI hoặc lấy nội dung đó cung cấp cho người dùng thông qua các chatbot. Đó là hành vi vi phạm bản quyền trắng trợn!

Vậy, cụ thể các chatbot và các mô hình AI khác đang đánh cắp chất xám của các tòa báo, các nhà báo và các tác giả khác như thế nào?

Về cơ bản, nó sẽ lấy nguyên nội dung của báo chí hoặc “xào xáo” lại để phản hồi cho các truy vấn của người dùng. Chính New York Times trong vụ kiện hồi cuối tháng 12 vừa rồi đã trích dẫn một số ví dụ về việc ChatGPT đưa ra các phản hồi gần giống với các bài báo của họ, đặc biệt nếu thông tin nào đó bị phát hiện sai thì nó lại sẽ quy trách nhiệm cho nguồn tin báo chí. Tức là ChatGPT không phải chi một đồng nào cho nội dung hoặc phải chịu trách nhiệm gì về nội dung, chỉ việc giành lợi nhuận! Đó là sự bất công không thể lớn hơn!

Thậm chí, ChatGPT đã tung cả một trình duyệt internet riêng của mình vào tháng 9 vừa rồi để kinh doanh tin tức, qua đó sẽ tiếp tục lấy thông tin báo chí để kiếm lợi cho bản thân, đồng thời chưa bao giờ tự ngỏ ý trả tiền cho báo chí. Trong khi đó, các công cụ tìm kiếm Google hay Bing cũng đã áp dụng và chắc chắn tăng cường tích hợp các chatbot AI để trực tiếp trả lời mọi câu hỏi cho người dùng, khiến độc giả chẳng còn lý do nào để vào nguồn tin gốc báo chí.

Chưa hết, các Big Tech còn muốn tiến xa hơn, tinh vi hơn nhờ AI tới đây. Đó là việc sử dụng các công nghệ Ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để viết lại các bài báo, qua đó sẽ khiến báo chí sẽ khó lên án và khó kiện cáo hơn. Cụ thể, vào tháng 7 năm 2023, Google đã thử nghiệm một sản phẩm AI tự tạo ra tin tức dựa trên nội dung báo chí hoặc các nguồn tin khác. Ban đầu, họ đã giới thiệu công cụ này tới các tổ chức báo chí lớn như New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, ngỏ ý về một sự “hợp tác”. Nhưng tất cả đã thận trọng hơn, bởi báo chí vẫn chưa quên sự “hợp tác” với Google trong giai đoạn đầu kỷ nguyên internet sẽ dẫn đến điều gì!

Như vậy, có thể khẳng định, nếu không có một sự thay đổi toàn diện, tất cả những gì đã nói ở trên sẽ dẫn đến một ngày nào đó độc giả quên hẳn từng có một nền báo chí, ít nhất từng có các trang báo chí cung cấp thông tin cho mọi người - giống cách báo in hiện đã gần như “tuyệt chủng”.

Trong bối cảnh đó, một bộ phận không nhỏ thế giới báo chí đã bước vào cuộc chiến “sống còn” này, thông qua những vụ kiện, những thỏa thuận buộc các Big Tech phải trả tiền cho tin tức và các sản phẩm bản quyền khác, như vụ kiện của New York Times hay việc các quốc gia đã và sắp ban hành các đạo luật buộc Big Tech phải thỏa thuận thương mại với báo chí, như Úc và Canada đã làm được.

Nếu có sự đoàn kết và sự trợ giúp của nhà hoạch định chính sách ở từng quốc gia, báo chí thực ra vẫn có thể chiến thắng trong cuộc đối đầu với những gã khổng lồ công nghệ, để có thể tiếp tục tồn tại và thực hiện các sứ mệnh của mình!

Những vụ kiện và thỏa thuận thương mại nổi bật giữa báo chí và Big Tech

Năm 2023 đã đánh dấu sự vùng lên mạnh mẽ của cộng đồng báo chí thế giới trước sức ép của Big Tech. Dưới đây là những vụ việc mới và nổi bật nhất:

Google đã đồng ý trả tiền cho tin tức ở Úc và Canada. Ảnh: Shutterstock

* Vào tháng 11/2023, Google đã đồng ý trả 100 triệu đô la Canada mỗi năm cho một quỹ hỗ trợ các tổ chức tin tức ở Canada như một phần của luật tin tức trực tuyến mới của nước này nhằm buộc các Big Tech như Google và Meta phải trích số tiền kiếm được từ quảng cáo trả cho báo chí.

* Vào tháng 5/2023, New York Times đã đạt được thỏa thuận nhận được khoảng 100 triệu USD cho việc cung cấp tin tức trên các nền tảng của Google trong 3 năm. Đây là một phần của thỏa thuận rộng hơn cho phép Alphabet - Công ty mẹ của Google thiệu bài báo của New York Times trên một số nền tảng công nghệ và truyền thông xã hội của mình.

* Hãng tin Associated Press (AP) vào tháng 7/2023 đã đạt thỏa thuận cho phép OpenAI - Nhà phát hành ChatGPT, có quyền sử dụng nội dung báo chí của họ, đổi lại AP sẽ được OpenAI hỗ trợ công nghệ và một khoản tài chính lớn, nhưng không được tiết lộ.

* Một nhóm gồm 11 tác giả, gồm một số người từng đoạt giải Pulitzer, vào tháng 12/2023 đã kiện OpenAI và Microsoft sử dụng trái phép các tác phẩm của họ để đào tạo các mô hình AI như ChatGPT. Đơn kiện cáo buộc các Big Tech “đang kiếm được hàng tỷ USD từ việc sử dụng trái phép” tác phẩm của họ.

* Google vào tháng 10/2023 đã đồng ý trả 3,2 triệu euro mỗi năm cho Corint Media, một tổ chức bảo trợ đại diện cho lợi ích của các nhà xuất bản tin tức Đức và quốc tế như RTL, Axel Springer hay CNBC. Corint Media còn yêu cầu khoản bồi thường 420 triệu euro cho việc Google sử dụng nội dung tin tức từ năm 2022.

* Tập đoàn truyền thông Axel Springer của Đức vào tháng 12/2023 đã đạt thỏa thuận cho phép OpenAI sử dụng nội dung lấy từ các ấn phẩm của mình như Bild, Politico và Business Insider để đào tạo ChatGPT, đổi lại họ sẽ nhận về một khoản tiền “hàng chục triệu euro” mỗi năm.

Nhiều hãng tin thay vì phải làm theo để được Google đề xuất, thì hiện đang buộc Google phải trả tiền để đề xuất nội dung của họ. Ảnh: CJR

Hoàng Hải