WCO 2023: Đón đầu kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ và thúc đẩy đổi mới hải quan

Đây là Hội nghị quốc tế thường niên lớn nhất của WCO, với chủ đề của năm 2023 là “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, Thúc đẩy đổi mới và Nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp”. Hội nghị có sự góp mặt của các diễn giả là lãnh đạo, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, của hải quan các nước, các công ty đa quốc gia cung cấp giải pháp công nghệ về hải quan.

Diễn ra trong vòng 3 ngày từ ngày 10/10 - 12/10, hội nghị được tổ chức gồm 2 phần: Hội nghị và Triển lãm. Trong đó, phần hội nghị gồm 10 phiên toàn thể, 9 phiên chuyên đề và các cuộc nói chuyện công nghệ. Phần triển lãm có khoảng 50 gian hàng giới thiệu các công nghệ mới của các doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực hải quan và thương mại.

Toàn cảnh phiên khai mạc hội nghị

Các phiên toàn thể sẽ thảo luận chủ đề như: ứng dụng công nghệ trong hoạt động hải quan, như: ứng dụng phân tích dữ liệu lớn, máy học, trí tuệ nhận tạo trong quản lý rủi ro; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, máy học, Internet vạn vật trong soi chiếu hàng hóa; ứng dụng công nghệ chuỗi khối và dữ liệu để tăng cường sự tin cậy và chất lượng dữ liệu.

Ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu, như trao đổi thông tin qua cơ chế một cửa; Phát triển thương mại điện tử an toàn và bền vững. Đảm bảo an ninh, an toàn và tính liên tục của hệ thống hải quan có khả năng ứng phó với sự cố, thảm họa…

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, việc đăng cai tổ chức sự kiện khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm của Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với WCO.

Sự kiện diễn ra vào dịp tròn 30 năm Hải quan Việt Nam gia nhập WCO. 30 năm qua, Hải quan Việt Nam đã gắn liền với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt hơn 732 tỷ USD, đứng trong nhóm 20 nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới.

“Trong tiến trình hội nhập của đất nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của WCO, đặc biệt là ngài Tổng thư ký Kunio Mikuriya, WCO đã có nhiều kết nối với các nước thành viên trong hợp tác song phương, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho CBCC Hải quan Việt Nam, trợ giúp kỹ thuật, công nghệ, thúc đẩy tiến trình cải cách, hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn khẳng định.

Các gian hàng triển lãm về công nghệ mới trong ngành Hải quan.

30 năm qua, Hải quan Việt Nam đã có sự chuyển đổi căn bản từ thực hiện thủ tục hải quan thủ công sang hải quan điện tử và tiến tới hải quan phi giấy tờ, đảm bảo lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng toàn cầu, đảm bảo an ninh an toàn cho cộng đồng và lợi ích quốc gia.

Hiện nay, Hải quan Việt Nam đang triển khai kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với các bộ, ngành; kết nối Cơ chế một cửa ASEAN với các thành viên trong khu vực; kết nối với cơ quan hải quan các nước có chung đường biên giới và cơ quan hải quan các nước khác trên thế giới theo hướng hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh đúng như khuyến nghị của WCO và chỉ đạo của Chính phủ.

Tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là xây dựng và phát triển ngành hải quan hiện đại, đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Chiến lược phát triển hải quan Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ, lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan để xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh.

Gian triển lãm của các nhà tài trợ

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về hải quan một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, phát triển quan hệ với các đối tác hải quan song phương và đa phương, thực hiện nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận, chương trình hợp tác và cam kết với các đối tác quốc tế; đẩy mạnh quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế để đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước.

Bên cạnh việc phát huy tối đa nội lực, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của WCO và cơ quan hải quan của các đối tác, thông qua các hình thức như: Hỗ trợ kỹ thuật; chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm; hỗ trợ chuyển đổi số; hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị; tối ưu hóa quy trình, thủ tục; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực…

Hội nghị cũng là dịp để các doanh nghiệp (DN) hiểu thêm về hoạt động hải quan, nắm bắt xu hướng, giải pháp công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực hải quan và thương mại quốc tế. Qua đó, DN tích cực tham gia hợp tác, đồng hành cùng cơ quan Hải quan trong tiến trình hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Đồng thời, DN cũng có thể mở rộng mạng lưới kết nối với các công ty cung cấp giải pháp công nghệ trong lĩnh vực hải quan và thương mại quốc tế, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế trên toàn cầu.

Cẩm Tú/VOV.VN