Xây dựng đời sống văn hóa là nền nếp từ mỗi khu dân cư

Phong trào chơi bóng chuyền hơi được người dân liên khu phố của phường Cẩm Trung (TP Cẩm Phả) tích cực hưởng ứng.

Nếu xét về hiệu quả nâng cao đời sống văn hóa, tăng cường sức khỏe, vừa đồng thời củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, thì chính là các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng. Tại các xã, phường, thôn, khu phố, phần lớn đã có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng cũng đều dành quỹ đất cho không gian phục vụ nhân dân đến tập luyện thân thể, giao lưu vui khỏe. Nhiều giải thể thao theo hình thức xã hội hóa như Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, Giải Marathon quốc tế Hạ Long Bay... đã tạo ra sân chơi lành mạnh thu hút đông đảo người tham gia cũng như người theo dõi, cổ vũ.

Được biết những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao là cơ quan chủ trì tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương, ban, ngành, đoàn thể phối hợp nhân rộng các mô hình sinh hoạt thể thao từ cơ sở. Như là việc thường xuyên tổ chức các giải thể thao ở các dịp lễ hội địa phương; tích cực bảo tồn, khôi phục, phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện; khuyến khích việc thành lập các mô hình đội nhóm, câu lạc bộ thể thao... Khi đời sống ngày càng phát triển, các điều kiện về cơ sở vật chất tập luyện thể thao cũng được đầu tư nhiều hơn, nên người dân tham gia tập luyện ngày càng thêm nhiều.

CLB luyện tập yoga tại thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà) duy trì hoạt động hiệu quả, thu hút hội viên phụ nữ tham gia.

Đời sống văn hóa được nâng lên còn thể hiện rõ qua việc các địa phương xây dựng tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Từ năm 2007, UBND tỉnh đã ban hành quy định về nội dung này, làm căn cứ để các địa phương trong tỉnh thuận tiện trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng quy ước, hương ước, biểu dương, khen thưởng... Như trong việc cưới, nam nữ phải tự nguyện, cùng nhau thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình; phần lễ cần phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình. Còn trong việc tang, các gia đình được khuyến khích thay đổi các hủ tục như: Cử nhạc tang quá giờ quy định, quản linh cữu tại gia quá 48 tiếng đồng hồ, cúng bái linh đình lãng phí...

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện, tháng 7/2020, UBND tỉnh ban hành thêm Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND với nhiều quy định bổ sung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh. Bao gồm: Khuyến khích việc sử dụng hội trường hoặc địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao ở khu dân cư để tổ chức tiệc cưới. Đám cưới và đám tang đều không được mở nhạc cưới/cử nhạc tang trước 6h và sau 22h; âm thanh bật trong ngày không được vượt quá độ ồn cho phép theo quy chuẩn Quốc gia. Hay như tại các lễ hội thì việc tổ chức các hoạt động dịch vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan và bảo đảm không xâm hại di tích, danh lam thắng cảnh và cảnh quan môi trường trong khu vực tổ chức lễ hội...

Lễ hội hoa Sở tổ chức vào tháng 12 hằng năm đã trở thành sản phẩm du lịch - văn hóa độc đáo, hấp dẫn của huyện Bình Liêu.

Có thể nói, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thực hiện bằng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Những chuyển biến tích cực không chỉ riêng ở cộng đồng dân cư, mà cũng rất được chú trọng thực hiện trong các cơ quan, công sở. Cụ thể là gắn việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị đi liền với xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, tạo dựng môi trường văn hóa, lành mạnh, phong phú; đề cao vai trò chủ động, sáng tạo của cộng đồng dân cư.

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao, đến nay trong toàn tỉnh, tỷ lệ số hộ gia đình được công nhận là “Gia đình văn hóa” đạt 89,5%; tỷ lệ thôn, bản, khu phố được công nhận văn hóa đạt 82,3%; gần 97% đám hiếu, hỷ tại các vùng miền đã thực hiện tốt tinh thần văn minh, tiết kiệm mà vẫn gìn giữ được văn hóa vùng miền, dân tộc.

Hoàng Giang