19 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được Bộ Y tế cấp phép

Bộ Y tế vừa cấp phép sử dụng 19 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, với mức giá dao động từ 100.000 - 200.000 đồng. Như vậy, trong tháng 7, Bộ Y tế cập nhật 4 lần danh mục test nhanh kháng nguyên được cấp phép, bao gồm 2 sản phẩm trong nước, 17 sản phẩm nhập khẩu.

19 kit test nhanh được cấp phép gồm:

Danh sách 19 loại kit test nhanh được Bộ Y tế cấp phép. Ảnh: T.T.

Kết quả test nhanh kháng nguyên cũng là hình thức được Sở Y tế TP.HCM lấy làm căn cứ cho các F0 xuất viện, cách ly theo dõi tại nhà.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị các bệnh viện dã chiến chủ động rà soát F0 không triệu chứng, xét nghiệm rRT-PCR vào ngày thứ 8. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính hoặc dương tính với giá trị CT > 30, bệnh nhân tiếp tục được test nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 10. Nếu test nhanh âm tính, F0 được phép xuất viện và cách ly theo dõi tại nhà.

Xét nghiệm nhanh kháng nguyên, hay còn gọi là test nhanh, có ưu điểm thuận tiện khi sử dụng, cho kết quả nhanh trong vòng 30 phút. Phương pháp này không quá khó thực hiện.

Theo TS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), test nhanh kháng nguyên là xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 dựa trên nguyên lý bắt cặp đặc hiệu giữa kháng nguyên và kháng thể.

Cụ thể, kháng thể đặc hiệu với SARS-CoV-2 được gắn lên que thử, sau đó dùng dịch ngoáy họng hoặc dịch hô hấp, tỵ hầu, nước bọt…, nhỏ lên que thử. Nếu có phản ứng (biểu hiện bằng chỉ thị màu giống que thử thai), nghĩa là có virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm.

Ưu điểm của xét nghiệm này là đơn giản, dễ thực hiện, cho kết quả nhanh (dưới 60 phút), ít bị phụ thuộc vào thời gian virus xâm nhập cơ thể. Do đó, test nhanh kháng nguyên giúp chẩn đoán sớm ngay giai đoạn mới nhiễm (thay vì cần 7-10 ngày sau phơi nhiễm như xét nghiệm phát hiện kháng thể).

Về nhược điểm, test nhanh kháng nguyên có độ nhạy kém hơn xét nghiệm rRT-PCR, dễ bỏ sót các ca nhiễm bệnh. Các kết quả dương tính của phương pháp này vẫn cần phải khẳng định lại bằng xét nghiệm rRT-PCR.

Quá trình lấy mẫu phải bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm cho người thực hiện, người được lấy mẫu và ra môi trường.

Đối với tác dụng của phương pháp này trong việc kiểm soát dịch tại TP.HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết test nhanh giúp thành phố gom được nhiều F0 lang thang.

Thiên Thư