3 nhóm giải pháp để đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong khu công nghiệp, khu cách ly tập trung tại Đồng Nai

Trong buổi sáng ngày 10/7, đoàn công tác do Ông Nguyễn Đức Sơn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty TNHH Kureha, Công ty Cổ phần Trung Đông và các khu cách ly tập trung tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra tại Đồng Nai

Cùng ngày, đoàn kiểm tra đi đến khu cách ly trường mầm non Sơn Ca, huyện Tân Phú. Đoàn đánh giá khu cách ly đã tương đối đáp ứng các quy định trong Quyết định 878/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 12/3/2020.

Qua buổi làm việc với các đơn vị, Tổ công tác đã đưa ra những giải pháp đáp ứng công tác an toàn phòng COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu cách ly tập trung.

Thứ nhất, đối với hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm, địa phương cần sớm có kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm nhanh và tổ chức lấy mẫu cho công nhân theo đúng quy định trong quyết định 2787/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Thứ hai, đối với hoạt động phòng, chống dịch trong khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện Tân Phú: cần giám sát, điều tiết/phân luồng cho đối tượng cách ly, tránh tập trung đông người gây lây nhiễm chéo; Bổ sung nhiệt kế theo dõi nhiệt độ cho đối tượng cách ly hoặc cho từng phòng để tự theo dõi sức khỏe, giảm thiểu tiếp xúc của nhân viên y tế với các đối tượng cách ly, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; Hạn chế nhận đồ tiếp tế từ bên ngoài, gây phát sinh lượng lớn chất thải nguy hại cần phải xử lý và tránh liên quan đến an toàn thực phẩm; Trang bị thêm loa cầm tay cho khu cách ly để tiện thông báo, nhắc nhở trong khu cách ly.

Ngoài ra, Tổ công tác đã đề nghị với Ban chỉ đạo huyện Tân Phú Thành lập các tổ COVID cộng đồng và tổ giám sát khu cách lý để kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 hàng ngày và báo cáo về Ban chỉ đạo; xây dựng kịch bản phòng, chống dịch của huyện để đáp ứng trường hợp số lượng người nhiễm COVID tăng lên; bổ sung nâng cao năng lực xét nghiệm COVID, cần thiết có thể có phương án huy động tất cả các phòng khám tư nhân trong huyện; tổ chức tập huấn theo quyết định 2787/QĐ-BYT về việc Đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, do đặc thù địa lý, huyện Tân Phú cần thực hiện theo công văn 5389/BYT-MT về việc tiếp nhận người từ TP.HCM về địa phương.

Thứ ba, đối với hoạt động phòng, chống dịch trong cơ sở sản xuất kinh doanh: các công ty được kiểm soát cần xây dựng lại kế hoạch, phương án phòng, chống COVID-19 chi tiết đối với những tình huống cần xử trí khi có trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19; cần kiểm soát các xe chở nguyên vật liệu, chở hàng và cung cấp thực phẩm tới công ty; có phương án cho công nhân ở lại công ty khi có dịch xảy ra để giảm nguy cơ “đứt gãy” sản xuất, khi đó, công ty cần bố trí chỗ nghỉ cho người lao động ở lại trong công ty và thiết lập các công trình vệ sinh di động, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người lao động; thực hiện xét nghiệm cho người lao động theo Quyết định 2787/QĐ-BYT. Ưu tiên nhóm các đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên bếp ăn, bảo vệ và người lao động ở trọ; tổ chức ký cam kết với 100% người lao động trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, khu cách ly tập trung, Tổ công tác đề nghị đối với Ban chỉ đạo tỉnh thành lập các tổ kiểm tra khu cách ly tập trung, khu công nghiệp hàng ngày và có báo cáo kết quả thực hiện về BCĐ tỉnh. Hỗ trợ, bổ sung phương tiện vận chuyển mẫu xét nghiệm, phục vụ hoạt động xét nghiệm cho các khu vực miền núi, vùng sâu/vùng xa trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện tốt công tác xét nghiệm nhanh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch sớm tổ chức tập huấn về lấy mẫu xét nghiệm nhanh và thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Hoàng Ngọc