4 tháng đầu năm: Đầu tư ra nước ngoài tăng 7,9 lần

Cụ thể, có 18 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt 142,8 triệu USD, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ và 9 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm là 403,2 triệu USD, tăng 25,5 lần so với cùng kỳ.

Dự án đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 10 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học-công nghệ dẫn đầu với 8 dự án mới và 2 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 270,8 triệu USD, chiếm 19,6% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 147,8 triệu USD, chiếm 27,1%. Tiếp theo là các lĩnh vực nông-lâm nghiệp, thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ...

Có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó, dẫn đầu là Hoa Kỳ với 2 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 302,3 triệu USD, chiếm 55,4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Campuchia với tổng vốn đầu tư 89,1 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Pháp, Canada, Đức, Hà Lan.

Lũy kế đến ngày 20/4/2021, Việt Nam đã có 1.417 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 21,8 tỷ USD. Trong đó, tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực khai khoáng (36%), nông-lâm nghiệp, thủy sản (15,4%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là: Lào (23,1%); Campuchia (13%); Nga (12,7%).

Hiện những doanh nghiệp trong nước có dự án đầu tư ra nước ngoài đạt số vốn đăng ký vượt 1 tỷ USD, bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel); Tập đoàn Cao Su Việt Nam; Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai; Công ty CP Golf Long Thành…

Nguyễn Hòa