Bác sĩ 'Vinh Bỏng'

Ngã rẽ đến thành công

Đại tá, PGS, TS Vũ Quang Vinh, Phó bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y), Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam là tên tuổi không xa lạ với nhiều nhà báo. Nếu vào Google, gõ tên anh, hoặc kèm theo chữ “bỏng” thì sẽ cho kết quả hàng loạt. Với tôi, anh là người thân quen nhưng “đặt lịch” để có cuộc hẹn với anh cũng không hề dễ. Lúc anh trong phòng mổ, lúc trên giảng đường... ngay cả khi Chính ủy Bệnh viện, Đại tá, TS Trương Ngọc Dương dẫn tôi xuống tận phòng riêng của anh thì vẫn phải đợi bởi chi bộ nơi anh công tác đang sinh hoạt. Đây cũng chính là một trong những chi bộ duy trì chất lượng nền nếp sinh hoạt tốt trong Đảng bộ Bệnh viện Bỏng Quốc gia mà Vũ Quang Vinh là Phó bí thư chi bộ. Chi bộ có kết quả rất tích cực, hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào thực chất, có chiều sâu. Điều này góp phần để các thầy thuốc của trung tâm và toàn đảng bộ bệnh viện xây dựng, phát huy hình ảnh cao đẹp người thầy thuốc quân y trong lòng nhân dân.

Đại tá, PGS, TS, bác sĩ Vũ Quang Vinh và đồng nghiệp thực hiện ca phẫu thuật vi phẫu cho bệnh nhân. Ảnh do Bệnh viện Bỏng Quốc gia cung cấp

Vũ Quang Vinh sinh ra trong một gia đình có truyền thống về ngành y nhưng ước mơ ban đầu của anh lại là ngành an ninh. Thật run rủi khi Vinh thiếu đúng nửa điểm vào Học viện An ninh để anh... rẽ sang với ngành y. Trở thành bác sĩ, công tác tại Học viện Quân y danh tiếng, năm 2000, anh thi và giành học bổng của Chính phủ Nhật Bản, sang tu nghiệp tại Đại học Y khoa Nippon, trở thành học trò xuất sắc của Giáo sư Hiko Hyakusoku, chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tạo hình. Ở Việt Nam, chuyên ngành điều trị bỏng sớm được phát triển với những thầy thuốc hàng đầu như: Thiếu tướng, GS, TS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thế Trung; Nguyễn Văn Đồng; Đoàn Thế Lũy; Trần Xuân Vận; Thiếu tướng, GS, TS Lê Năm; Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Gia Tiến... Những tấm gương sáng của lớp cha anh trong nghề đã thôi thúc, nâng bước để Vũ Quang Vinh phấn đấu, ngày càng trưởng thành.

Trong hàng loạt vết thương, vết thương do bỏng có những cấp độ khác nhau nhưng di chứng để lại ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh, thường gặp nhất là các vết sẹo lồi lõm, co kéo, biến dạng tổ chức... Khủng khiếp hơn, nếu bệnh nhân bị các vết thương do bỏng hóa chất thì mức độ ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ có thể khiến người bệnh sang chấn tâm lý nặng nề. Thông thường, người bệnh sau khi khỏi sẽ hết lòng biết ơn các thầy thuốc nhưng cũng không ít trường hợp bệnh nhân bị bỏng “thập tử nhất sinh” được cứu sống đã “oán trách”, "bắt đền" các thầy thuốc, đòi... được chết bởi họ mặc cảm, họ không còn khả năng lao động, họ mất đi vẻ đẹp hình hài vốn có.

Gắn bó với bệnh nhân bỏng, bác sĩ Vũ Quang Vinh có nhiều biệt danh: “Người tái sinh”; “người cấy những nụ cười”, “người có bàn tay vàng”, “bác sĩ siêu nhân”... Mỗi biệt danh ấy gắn với những dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh của anh và trong lòng hàng trăm bệnh nhân nặng được bác sĩ Vinh và các đồng nghiệp giành lại sự sống, trao tặng nụ cười. Câu chuyện chị Nguyễn Thị Kim Loan, nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) là bước ngoặt trong điều trị bỏng. Ngày 25-7-2005, chị Loan bị người xử thua kiện trong một phiên tòa đã tạt axit để trả thù, gây thương tật 64%. Gương mặt biến dạng, chị Loan phải vượt qua bao đau đớn, đắng cay, trải qua hơn 40 cuộc phẫu thuật ở các bệnh viện nổi tiếng trong và ngoài nước nhưng các chuyên gia thế giới gọi gương mặt chị là “sự thách thức của y học”. Nhờ sự phát triển của khoa học, nhất là sau khi bác sĩ Vinh cùng các đồng nghiệp thực hiện kỹ thuật dùng nguồn da vùng lưng ghép cho toàn bộ khuôn mặt chị Loan, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu thế giới đã phải thốt lên, gọi anh Vinh là “bác sĩ siêu nhân”. Trên thế giới, các bác sĩ từng kết luận: Không có vạt da tự thân nào đủ để tái tạo khuôn mặt, chỉ có thể “vá” từng miếng lại với nhau... Thành công của các thầy thuốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia đã mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân bỏng, từ chỗ có “khuôn mặt quỷ” đã được phẫu thuật, cấy ghép để tìm lại khuôn mặt dung dị.

Quê tôi, vùng đất trung du bán sơn địa thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, từ cuối năm 2019 râm ran một câu chuyện cổ tích. Đó là chuyện chị Nguyễn Thị Sáu, 54 tuổi ở xã Quang Húc được “thần tiên hô biến”! Chị Sáu bị bỏng từ năm 6 tuổi, gia đình khó khăn không thể chữa trị nên sẹo biến dạng, kéo cơ cằm, hàm, làm hàm răng mọc tua lên hai phía giống chiếc nơm úp cá mà không thể ngậm được miệng, ăn uống một miếng cũng là nỗi khổ. 48 năm đằng đẵng sống trong đau buồn, sau ca vi phẫu 5 giờ, kíp mổ do Đại tá, PGS, TS Vũ Quang Vinh và các thầy thuốc đã giải thoát khối sẹo bằng vạt da vùng lưng nối mạch “lắp” lên vùng cổ. Sau đó, chị Sáu được phẫu thuật nắn chỉnh hàm răng, bảo đảm tốt cả chức năng và thẩm mỹ. Toàn bộ chi phí điều trị của chị Sáu được Ban giám đốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia và một số nhà hảo tâm giúp đỡ. Ngày chị về quê, những người thân, xóm giềng hết sức mừng vui và bất ngờ đến độ không tin y học có thể mang lại phép màu như vậy! Thế rồi, những người nông dân chân chất ấy khẳng định: "Thần tiên hô biến cho chị Sáu!".

Biến áp lực thành động lực

Quen biết bác sĩ Vinh, nhiều lần “gửi gắm” anh và các thầy thuốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia những ca bệnh nặng nhẹ khác nhau, tôi thường xuyên theo dõi trang Facebook Cộng đồng nạn nhân bỏng Việt Nam. Bác sĩ Vũ Quang Vinh được nhiều người gọi là thầy thuốc có “đôi bàn tay vàng”. Nếu có dịp thống kê các ca vi phẫu (nối các mạch máu chỉ bằng ¼ sợi tóc), ghép da tái tạo gương mặt, như các trường hợp điển hình gần đây: Bệnh nhân Lê Thị L.V (24 tuổi, trú tại Đà Nẵng) bị chồng sắp cưới tạt axít, nửa gương mặt cháy đen...; bệnh nhân Nguyễn Thị H., ở Thanh Hóa bị bỏng trùm đầu và mặt... Phương pháp sử dụng vạt da siêu mỏng và đôi bàn tay khéo léo, trái tim nhiệt huyết với đời của bác sĩ Vinh đã giúp L.V và rất nhiều bệnh nhân khác tìm lại được nụ cười, tự tin bước tiếp quãng đường còn lại sau những biến cố. Nhiều người bệnh còn được phẫu thuật thực hiện chuyển ngón chân thay thế cho ngón tay bị mất; tái tạo vú sau cắt bỏ do ung thư... Ngoài những ca chữa trị giúp người bệnh có khối “chân voi” trở lại bình thường, mới đây nhất, ngày 11-1-2021, cụ B.T.H, 74 tuổi ở Đức Thọ, Hà Tĩnh đã được cắt bỏ khối u quái ác kích thước 12x14cm, chen choán nửa gương mặt. Giải phẫu bệnh là khối u sơ mạch, tăng sinh mạch máu, chèn đẩy vùng mũi vào các xoang hàm, xoang mũi, lan tới nền sọ. Thể trạng người bệnh yếu, chỉ cân nặng 38kg. Các thầy thuốc chuyên khoa hàng đầu của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Bỏng Quốc gia đã hội chẩn, phân tích kỹ nguy cơ, hướng xử lý. Cụ B.T.H đã được nút mạch nuôi khối u tại Bệnh viện Quân y 103 sau đó được cắt bỏ khối u, cắt gọt xương, răng, gò má, tái tạo lại vùng mặt thông qua sự phối hợp của các bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia và Bệnh viện Việt Đức.

Là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của cả nước, Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư từ Học viện Quân y và cấp trên cho việc nghiên cứu, áp dụng các kỹ thuật mới, hiện đại trong điều trị. Trong đó, kỹ thuật nội soi chẩn đoán và điều trị bỏng hô hấp; kỹ thuật cắt bỏ phần hoại tử trong 72 giờ đầu; kỹ thuật ghép da mảnh siêu nhỏ che phủ vết bỏng sâu; sử dụng vật liệu thay thế tạm thời để che phủ vết thương; sử dụng sản phẩm công nghệ nuôi cấy tế bào... không chỉ mang lại sức khỏe, sự sống cho bệnh nhân trong nước mà bè bạn quốc tế cũng đã và đang trao đổi, học tập kỹ thuật từ Việt Nam để điều trị rộng rãi. Ứng dụng kỹ thuật vi phẫu điều trị di chứng bỏng của Bệnh viện Bỏng Quốc gia được Bộ Y tế đánh giá là một trong 10 thành tựu của y học cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo là đơn vị đào tạo chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Bỏng Quốc gia thuộc Học viện Quân y triển khai đào tạo. Đây là một trong những trung tâm đào tạo, thực hành uy tín trong lĩnh vực thẩm mỹ, thu hút số lượng lớn bệnh nhân đến điều trị. Theo bác sĩ Vinh, trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu làm đẹp là tất yếu, chính đáng. Việt Nam đã tiếp cận các công nghệ làm đẹp hiện đại trên thế giới, từ thẩm mỹ phẫu thuật đến thẩm mỹ không phẫu thuật. Phẫu thuật tạo hình và tái tạo các di chứng bỏng và di chứng ung thư cũng ngang tầm thế giới, có loại phẫu thuật được chuyên gia nước ngoài đánh giá thuộc tốp đầu thế giới như di chứng sẹo co kéo cằm cổ, di chứng loét sau xạ trị, phù bạch mạch...

Trò chuyện và cùng nhau uống cạn tuần trà, tôi hỏi anh Vinh rằng, sau những thành công trong nghề, anh có chịu nhiều áp lực không? Nhẹ nhàng và thẳng thắn, anh nói với tôi: "Áp lực công việc là không hề nhỏ, đơn giản nhất là áp lực về thời gian, áp lực phải vươn lên, không tự bằng lòng, không được tụt hậu... Áp lực trong từng ca bệnh cụ thể. Chẳng hạn, đó là những ca mổ giữa sự sống và cái chết, giữa thành công và thất bại mà nghiêng nhiều về phần sau nhưng lương tâm nghề nghiệp và cả tinh thần không khuất phục khiến những thầy thuốc chúng tôi không ngã lòng".

Phần nào tôi thấu hiểu áp lực thời gian của các anh. Có lần, PGS, TS, Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia, Thiếu tướng Nguyễn Gia Tiến đã lý giải giúp tôi về áp lực thời gian. Đó là thời gian dành cho nhiệm vụ chuyên môn, cho nghiên cứu, đào tạo, điều trị; dành cho công tác quản lý, cho các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị và các hoạt động khác của tập thể... Thời gian phải được phân bổ, sắp đặt khoa học để mang lại hiệu quả cao nhất. Câu chuyện của người đứng đầu Bệnh viện Bỏng Quốc gia đã cho tôi hiểu rõ hơn thời gian chờ đợi buổi sinh hoạt chi bộ của bác sĩ Vinh với đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chính ủy bệnh viện rằng, truyền thống của những thầy thuốc áo lính, cộng với sự trui rèn hằng ngày, trách nhiệm trong học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ: "Lương y phải như từ mẫu" chính là điều sâu xa để các anh biến áp lực thành động lực vươn lên.

NGÔ ANH THU