Xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học - công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực

(Trích tham luận của đồng chí LÊ QUANG MẠNH, Bí thư Thành ủy Cần Thơ)

Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng đồng bằng lớn nhất nước ta. Dù Cần Thơ không phải là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất vùng, nhưng là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế và đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm khoa học - công nghệ (KHCN) về nông nghiệp của quốc gia và khu vực. Điều này nổi bật trên một số mặt như:

Thứ nhất, Cần Thơ bước đầu đã thực hiện được vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo và KHCN. Với gần 92% tỷ trọng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, thời gian qua, thành phố giữ vai trò quan trọng trong khâu sản xuất - chế biến và thương mại của các chuỗi giá trị nông sản chủ lực vùng ĐBSCL. Là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất vùng ĐBSCL, là nơi tập trung kết nối giữa nhu cầu thị trường (trong nước và xuất khẩu) với vùng sản xuất nguyên liệu.

Thứ hai, Cần Thơ là địa phương có điều kiện tốt nhất vùng về tiềm năng KHCN, cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Với hệ thống đa dạng các trường đại học, viện nghiên cứu, trong đó có những đơn vị thuộc hàng đầu của quốc gia và khu vực về lĩnh vực nông nghiệp với đội ngũ đông đảo cán bộ nghiên cứu về nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan như công nghệ sinh học, công nghệ, công nghệ thông tin. Các dự án đầu tư lớn nâng cấp cơ sở vật chất cho nghiên cứu đang triển khai trên địa bàn thành phố hiện nay cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và môi trường sẽ làm thay đổi quan trọng về điều kiện, tiềm năng KHCN, sẽ trở thành động lực cho phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao của TP Cần Thơ và vùng.

Thứ ba, thành phố đã xác định rõ mục tiêu và quyết liệt triển khai chủ trương "làm cho KHCN thật sự là quốc sách hàng đầu". Kết quả là, bước đầu hình thành Hệ sinh thái KHCN, đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển, ứng dụng KHCN vào nông nghiệp với hệ thống các trường, viện, các quỹ đầu tư khởi nghiệp, mạng lưới liên kết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, sàn giao dịch công nghệ (Catex.vn), các sàn giao dịch nông sản… Thành phố đang triển khai thủ tục lập quy hoạch và xây dựng Khu công nghệ cao Cần Thơ, Khu công nghệ thông tin và ba khu nông nghiệp công nghệ cao cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư; thúc đẩy liên kết và hình thành được nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng trồng rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi thủy sản theo hướng tập trung, quy mô lớn, thuận lợi cho ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Thứ tư, trong những năm gần đây, các sản phẩm, dịch vụ KHCN của Cần Thơ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường vùng ĐBSCL, của cả nước và một số sản phẩm có thể cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.

Xu hướng công nghệ toàn cầu và bối cảnh kinh tế - xã hội của vùng đang xuất hiện những cơ hội mới để KHCN về nông nghiệp tại Cần Thơ có thể vượt qua những nút thắt trước đây để bước sang một giai đoạn phát triển cao hơn. Để làm được điều này, thành phố Cần Thơ đề xuất các định hướng giải pháp phát triển KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp như sau:

Thứ nhất, về quan điểm phát triển, thành phố phải tập trung chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo sang cơ chế thị trường với hệ thống các giải pháp thúc đẩy cả về phía cung - tức là tiềm lực nghiên cứu, phát triển KHCN của thành phố và phía cầu KHCN từ doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân, đồng bộ với các giải pháp liên kết cung - cầu, phát triển thị trường KHCN hoạt động hiệu quả.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng KHCN. Trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đẩy mạnh ứng dụng KHCN đổi mới sáng tạo không phải là một mục đích tự thân. Thực chất, đó là phương thức mà thông qua đó, người dân và doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp giá thành và giành được lợi thế hơn so với đối thủ cạnh tranh. Ứng dụng KHCN cần được khẩn trương hoàn thiện theo hướng hỗ trợ một cách lành mạnh và hiệu quả nhất cho các cuộc cạnh tranh giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng KHCN để xác định và từ đó tập trung thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp nào có thể thương mại hóa tri thức một cách tốt nhất.

Thứ ba, tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực KHCN của thành phố (bên cung) với sự gia tăng vai trò của khu vực doanh nghiệp. Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nguồn lực trình độ cao về nông nghiệp cho các viện nghiên cứu khoa học, trường đại học và các đơn vị khoa học của thành phố; tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp lớn, các tổ chức quốc tế đầu tư hay cùng đầu tư, tài trợ xây dựng các viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tầm quốc gia, khu vực tại TP Cần Thơ.

Thứ tư, thúc đẩy bên cầu đối với KHCN, coi doanh nghiệp và người nông dân là trung tâm của các hoạt động KHCN; bao gồm các biện pháp khuyến khích người nông dân học tập và năng động hơn trong việc hấp thụ các sản phẩm KHCN, khuyến khích nông dân tiếp cận khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh, áp dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp; các chương trình xúc tiến, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của ĐBSCL, các chính sách hỗ trợ tín dụng cho đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ năm, đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung cầu thị trường KHCN thông qua các chương trình phát triển các sàn giao dịch, các tổ chức trung gian nhằm kết nối sản phẩm cung của các viện nghiên cứu với cầu của doanh nghiệp, của người nông dân ĐBSCL. Mở rộng hoạt động hợp tác, kết nối, liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa TP Cần Thơ với các địa phương trong vùng. Phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu hệ sinh thái KHCN bằng các chương trình, giải pháp bền vững, bài bản không chỉ trong phạm vi không gian của TP Cần Thơ mà là một hệ sinh thái KHCN chung của cả vùng ĐBSCL