Bài 1: Bảo đảm tốt an sinh xã hội

Bài 1: Bảo đảm tốt an sinh xã hội

Thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, củng cố hệ thống chính trị tại huyện Mường Nhé (Điện Biên) những năm qua cho thấy: Chuyện an cư, ăn no mặc ấm vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người dân nơi đây. Với quyết tâm của toàn huyện, được các cấp, các ngành từ Trung ương tới tỉnh giúp sức, hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân Mường Nhé đang có bước đổi thay tích cực...

Nhớ về chuyện xưa càng thêm quyết tâm

Vốn là người con của dân tộc Hà Nhì, lại có nhiều năm làm công tác quản lý, am hiểu địa bàn, phong tục, tập quán của đồng bào, đồng chí Pờ Diệu Ninh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Nhé chia sẻ với chúng tôi: “Mường Nhé là huyện vùng biên nằm giữa “ngã ba biên giới” Việt Nam-Lào-Trung Quốc, được thành lập vào năm 2002, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mường Tè và huyện Mường Lay của tỉnh Lai Châu cũ. Những năm mới thành lập, đời sống nhân dân đặc biệt khó khăn. Dân số của huyện chủ yếu là người Hà Nhì, Thái, lại gặp làn sóng di cư đến chóng mặt vào địa bàn”.

Để hiểu rõ hơn chuyện xưa, đồng chí Pờ Diệu Ninh giới thiệu chúng tôi về xã Chung Chải. Khi được hỏi về tình trạng di cư tự do trên địa bàn những năm trước đây, đồng chí Pờ Xè Chừ, Bí thư Đảng ủy xã lật từng trang sổ đã cũ nhàu, chằng chịt con số rồi kể lại: "Tháng 3-1998, xã phát hiện nhóm di cư đầu tiên với 19 hộ/151 khẩu dân tộc Mông từ xã Tà Tổng (Mường Tè) vào khu vực bản Suối Voi, xã Chung Chải. Họ dựng lán và lên rừng đốt nương, làm rẫy. Nhưng cao điểm nhất là từ năm 2006 đến 2012, số người dân tộc Mông di cư vào địa bàn tăng lên 741 hộ/4.925 khẩu. Tình trạng lúc bấy giờ vượt quá sức quản lý, xã phải báo cáo lên cấp trên. Huyện Mường Nhé đã quy hoạch 102 hộ/671 khẩu thành lập thêm 3 bản ở Chung Chải”.

Người dân ở xã Sín Thầu tham quan, học tập mô hình trồng cây sa nhân tím.

Lý giải nguyên nhân của những cuộc di cư ấy, theo đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé: Do các thế lực thù địch, phần tử xấu triệt để lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn giáo, kích động, lôi kéo nhân dân di cư vào khu vực biên giới và tham gia các hoạt động ly khai, tự trị, mà đỉnh điểm là sự kiện tháng 4-2011, hàng nghìn người tụ tập ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè để “đón vua” và lập “Vương quốc Mông”. Mặc dù chính quyền địa phương lúc đó đã triển khai nhiều giải pháp nhưng trước làn sóng di cư quá lớn khiến Mường Nhé rất căng thẳng và để lại không ít hệ lụy. Tội phạm ma túy, mua bán phụ nữ, trẻ em, mâu thuẫn với người dân sở tại, khiến tình hình an ninh chính trị phức tạp. Nhiều năm liền, tỷ lệ hộ nghèo hơn 60% cứ bám riết Mường Nhé. Kinh tế kém phát triển, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp trên đất dốc; kết cấu hạ tầng vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ; trình độ dân trí không đồng đều, khiến đời sống nhân dân đối diện với nhiều khó khăn.

Làm sao để giúp Mường Nhé vực dậy, dân bản có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc, người dân không phải du canh, du cư? Trả lời câu hỏi ấy đã có nhiều cuộc họp, nhiều ý kiến đưa ra và đều chung nhận định: Phải bảo đảm trước tiên về mặt an sinh xã hội, lo cho dân bản chuyện an cư, ổn định chỗ ở là vấn đề cấp bách. “Thế nhưng để giải "bài toán" khó ấy cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương”, đồng chí Nguyễn Quang Hưng cho hay.

Giữ dân, giúp dân an cư, lạc nghiệp

Đúng như lời giới thiệu của đồng chí Pờ Diệu Ninh, xã Nậm Kè bây giờ đã thay đổi nhiều hơn xưa. Con đường nối dài từ Quốc lộ 4H vào trung tâm bản Nậm Kè 2, xã Nậm Kè (Mường Nhé) giờ đây đã được nâng cấp hoàn toàn bằng bê tông. Mùa này, con nước dưới suối Nậm Kè đục ngầu, chảy xiết nhưng cũng không khiến dân bản lo lắng bởi đã có cây cầu gỗ vững chãi. Đi qua những ngôi nhà lợp mái tôn, Thiếu tá Vũ Văn Hưng, Trưởng công an huyện Mường Nhé tự hào: “Những năm trước, không ai dám nghĩ Nậm Kè 2 có được khung cảnh yên bình này. Đây là quyết tâm của cả hệ thống chính trị vì mục tiêu an sinh xã hội cho người dân Mường Nhé”.

Cách đây hơn 5 năm, anh Vừ A Tú sống ở bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé. Vốn là dân di cư tự do, khi đến Mường Nhé, anh Tú và những người thân sống tạm bợ trong những căn nhà xiêu vẹo, không có đất sản xuất, không có nguồn nước. Cuộc sống khó khăn khiến anh Tú phải đốt nương, làm rẫy, di cư nay đây mai đó. Năm 2017, gia đình anh Tú cùng 20 gia đình khác được chuyển về định cư tại bản Nậm Kè 2, xã Nậm Kè sinh sống. Tại đây, anh cùng các gia đình được cấp đất, làm chứng minh thư nhân dân. Khoe căn nhà mới vừa được Nhà nước hỗ trợ xây dựng, anh Vừ A Tú phấn khởi: “Trước đây, tôi không dám nghĩ có cuộc sống này. Khi mới về đây, được Nhà nước hỗ trợ bò giống, cấp 1ha đất trồng lúa nước, tôi nuôi thêm lợn, vịt, trồng nhãn. Cuộc sống ổn định rồi, có nhà cửa kiên cố, tôi không đi đâu nữa”.

Được biết, thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ, huyện Mường Nhé đã tổ chức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao cho hơn 17.000 hộ dân. Điều đáng mừng, trong những năm qua, ở Mường Nhé đã và đang "sinh sôi", "trỗi dậy" nhiều mô hình hỗ trợ, giúp dân phát triển kinh tế hiệu quả. Ví như mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở bản Nà Pán, xã Mường Nhé; mô hình thâm canh lúa đông xuân, cây thảo quả ở xã Sín Thầu, xã Nậm Kè cho thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng/ha... Qua đó, giúp hộ nghèo trên địa bàn tìm hướng đi mới trong sản xuất, chăn nuôi, cải thiện thu nhập, từng bước thoát khỏi đói nghèo. 10 năm qua, huyện đã dạy nghề, tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động...

Đồng chí Giàng A Ly, Chủ tịch UBND xã Nậm Kè cho biết: "Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 79/QĐ-TTg, ngày 12-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Ðề án 79), huyện đã chỉ đạo xã Nậm Kè sắp xếp, ổn định nơi ở đối với 20 hộ bản Nậm Kè 2; ổn định tại chỗ hai bản là Chuyên Gia 3 và Huổi Thanh 1".

Sau 9 năm triển khai thực hiện Đề án 79, huyện Mường Nhé đã thực hiện bố trí, sắp xếp 1.016/1.079 hộ, đạt 94% so với chỉ tiêu. Thực hiện các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, bố trí đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; đầu tư xây dựng hơn 80 công trình dự án phục vụ yêu cầu cuộc sống của người dân. 100% hộ dân tại các điểm bản theo Đề án 79 đều được sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục...

Để góp phần giúp người dân Mường Nhé ổn định bền vững, từ năm 2019, Bộ Công an phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi và phát động xã hội hóa hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo tại huyện Mường Nhé. Sau khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị đã thành lập tổ công tác vào địa bàn triển khai thực hiện. Hơn 400 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên từ 24 sở, ban, ngành, LLVT tỉnh đã giúp người dân làm mới hơn 1.000 ngôi nhà.

Nhờ sự quan tâm đặc biệt của các cấp cùng những biện pháp phù hợp, mở ra hướng đi mới, giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân Mường Nhé ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện giảm bình quân 3,15 %/năm. Bức tranh nông thôn Mường Nhé dần khởi sắc...

(còn nữa)

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN