Bàn thảo quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, dự thảo Quyết định được ban hành sẽ thể chế hóa những quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Một số quốc gia trong khu vực đã có những quy định về ưu đãi đầu tư

Mục đích của việc ban hành Quyết định là trong thời gian qua đã phát sinh một số vấn đề đối với những dự án đặc biệt mà nhà nước mong muốn kêu gọi đầu tư theo định hướng phát triển của quốc gia, nhưng chưa có một quy định nào để Thủ tướng Chính phủ có thể đàm phán trực tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, một số nước trong khu vực, nhất là các quốc gia đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong thu hút đầu tư đều đã có những quy định cụ thể về vấn đề này.

Trước thông tin trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc có quy định ưu đãi đầu tư đặc biệt với những dự án Việt Nam đang muốn kêu gọi đầu tư là cần thiết. Song, dự thảo Quyết định về xây dựng ưu đãi đầu tư đặc biệt phải hướng tới thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí chủ yếu. Đồng thời, cần ưu tiên những dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao. Có giá trị gia tăng và tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nhằm hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ theo đúng tinh thần đưa ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Đặc biệt, theo các đại biểu tham dự cuộc họp, phạm vi điều chỉnh của Quyết định ưu đãi đầu tư đặc biệt phải rõ ràng, chi tiết về mức độ, thời gian ưu đãi theo các tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ. Nhất là cần có nội dung doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, giá trị sản xuất trong nước đối với các dự án đầu tư nước ngoài tại khoản 2, Điều 20 Luật Đầu tư. Ưu đãi đầu tư đặc biệt cần áp dụng cho cả dự án mới và dự án mở rộng đầu tư, đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật Đầu tư.

Ưu đãi đầu tư đặc biệt được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tính lũy kế đến ngày 20/5/2021, Việt Nam thu hút được 33.615 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực ,với tổng vốn đăng ký 396,86 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ước đạt 240 tỷ USD, bằng 60,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Nguyễn Hòa