Bắt nhịp 'chuyến tàu' công nghệ số

Trung tâm Điều hành thành phố thông minh - "bộ não số" của tỉnh Quảng Ninh được đưa vào vận hành từ tháng 8/2019.

Các đô thị thông minh dần hiện hữu

Năm 2019 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi tỉnh Quảng Ninh đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh. Trên cơ sở ứng dụng tiến bộ KHKT, Trung tâm là “bộ não số” của tỉnh. Tại đây tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có của tỉnh cùng với các phần mềm được đầu tư thêm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh Quảng Ninh trên mọi lĩnh vực.

Hơn một năm đi vào vận hành, đến nay Trung tâm Điều hành thành phố thông minh đã có thể quản lý và giám sát từ tổng thể đến chi tiết từng tình huống diễn ra trong thực tế ở tất cả các lĩnh vực, đời sống xã hội thông qua dữ liệu thu thập từ 2.038 camera về các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ camera kết nối về Trung tâm được sắp xếp và hiển thị trên nền bản đồ số với chất lượng hình ảnh rõ nét.

Đặc biệt, với tính năng tương tác lớn thông qua hệ thống ứng dụng di động, người dân có thể cập nhật thông tin cũng như tương tác với chính quyền một cách nhanh chóng thông qua vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để lãnh đạo tỉnh có thể đưa ra những quyết định xử lý nhanh chóng, chính xác và đáp ứng nhanh, giải quyết kịp thời nguyện vọng của người dân.

Với ứng dụng "Smart Quảng Ninh" trên điện thoại di động, các tương tác giữa người dân và chính quyền được chuyển tải nhanh chóng, kịp thời.

“Ứng dụng thành phố thông minh trên điện thoại giúp người dân chúng tôi phản ánh nhanh chóng những bất cập, sự cố đang diễn ra. Đơn cử như sự việc hỏng hệ thống điện dùng chung vừa qua, ngay sau khi chuyển góp ý lên hệ thống đã được ban, ngành chức năng tiếp nhận và xử lý, khắc phục kịp thời. Những tiện ích này mang lại một cuộc sống hiện đại hơn cho cư dân chúng tôi” - Anh Ngô Xuân Hiệp, phường Hồng Gai, TP Hạ Long, chia sẻ.

Cũng từ Trung tâm Điều hành thành phố thông minh, các thao tác về thống kê, số liệu của tỉnh cũng được cập nhật một cách nhanh chóng, chính xác. Từ tháng 8/2020, Trung tâm đã kết nối thành công với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia - Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành Chính phủ và cập nhật tự động số liệu đối với 5 chỉ số báo cáo: Thu NSNN, chi NSNN, tổng kim ngạch xuất khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội, phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hàng loạt các đô thị thông minh với nhiều tiện tích được quản lý, điều hành bằng công nghệ đang dần hiện hữu. Trong ảnh: Trung tâm điều hành thành phố thông minh của TP Móng Cái.

Công nghệ 4.0 ghi dấu ở nhiều lĩnh vực

Với chủ trương coi KH&CN là động lực then chốt, những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung ứng dụng thành tựu của công nghệ số vào từng lĩnh vực của đời sống KT-XH. Nhiều địa phương đã bắt nhịp kịp thời với yêu cầu mới, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động.

TP Hạ Long – thủ phủ của Quảng Ninh, nơi cuộc cách mạng 4.0 đã hiện diện ở nhiều mặt, đặc biệt khi địa phương này được lựa chọn làm thí điểm triển khai mô hình thành phố thông minh. Bên cạnh những thành công bước đầu về việc triển khai hệ thống chiếu sáng thông minh, camera giám sát quản lý đô thị, du lịch thông minh…. mới đây, thành phố cũng đưa ứng dụng CNTT vào quản lý nhân khẩu, hộ khẩu. Qua đó, giúp cho việc tra cứu nhân khẩu, hộ khẩu, nhân thân của từng người được nhanh chóng, cụ thể, hạn chế nhầm lẫn.

Sau Hạ Long, các đô thị thông minh cũng dần hiện hữu tại các thành phố lớn như Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả. Đặc biệt, với những động thái tích cực trong mục tiêu trở thành đô thị hiện đại, TP Móng Cái cũng đã được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao Giải thưởng Thành phố thông minh 2020. Đây chính là bước đệm đầu tiên cho lộ trình xây dựng những đô thị đáng sống.

Một tiết học Toán ứng dụng CNTT của học sinh Trường THCS Cao Thắng, TP Hạ Long. Ảnh: Cao Quỳnh

Công nghệ cùng dần chiếm lĩnh và khẳng định vai trò quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp. Tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, “3 hóa” (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) được áp dụng triệt để nhằm tăng giá trị hòn than cũng như cải thiện điều kiện làm việc cho thợ lò, hạn chế tác động đến môi trường. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty Than Khe Chàm (năm 2015) đến nay, TKV đã nhân rộng 10 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại 8 đơn vị, gồm: Than Hà Lầm, Than Vàng Danh, Than Khe Chàm, Than Núi Béo, Than Mông Dương, Than Dương Huy, Than Quang Hanh và Than Uông Bí. Nhờ đó, năng suất lao động toàn Tập đoàn tăng bình quân 12%/năm.

Bên cạnh đó, từ Tập đoàn đến các đơn vị đều đầu tư hạ tầng truyền thông số tốc độ cao, kết hợp xây dựng các trung tâm điều khiển giám sát tập trung hiện đại có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung. Hiện tại, TKV đang tiếp tục triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ điều hành sản xuất như: Phần mềm hóa đơn điện tử; phần mềm quản lý, dự báo tâm lý an toàn, sức khỏe cho người lao động mỏ hầm lò, nhận diện cấp phát nhiên liệu thông minh tại các đơn vị khai thác lộ thiên, hệ thống giám sát lưu chuyển than,…

Tự động hóa, tin học hóa được nhiều doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng với kỳ vọng sẽ bắt nhịp với xu thế của thế giới.

Những doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang có những bước chuyển mình đáng kể để “chạy đua” với bước tiến của công nghệ. Tiêu biểu như Công ty CP XNK thủy sản Quảng Ninh với hệ thống quản lý chất lượng đã nâng hiệu suất lao động lên khoảng 15% so với trước đây và sản phẩm được đối tác Nhật Bản tín nhiệm. Xí nghiệp bia Thăng Long đầu tư dây chuyền công nghệ cao, tự động sản xuất trị giá 6,5 tỷ đồng nhằm hiện đại hóa quy trình sản xuất. Công ty Green Aquatech đã đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ chế biến, làm mát và đóng gói khí cải tiến MAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…

Nông nghiệp công nghệ cao cũng từng bước được hình thành với sự ra đời của Khu nông nghiệp công nghệ cao VinEco tại TX Đông Triều và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại huyện Đầm Hà. Các công nghệ mới trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản sản phẩm được nông dân, hộ sản xuất kinh doanh quan tâm đầu tư như: Công nghệ trồng rau thủy canh; hệ thống nhà màng, nhà lưới kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm; tưới nhỏ giọt hay công nghệ tưới văng bằng smartphone; ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi an toàn…, đã góp phần tạo ra nông sản chất lượng, giá trị kinh tế cao, từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.

Y tế thông minh, giáo dục thông minh đang ngày càng được chú trọng thông qua hàng loạt các bệnh viện thông minh, lớp học thông minh được đầu tư, mang lại điều kiện khám, chữa bệnh cũng như môi trường giáo dục hiện đại, tiên tiến. Hiện toàn tỉnh đang có Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được ưu tiên hiện đại hóa theo mục tiêu bệnh viện thông minh; 66 trường học và trên 500 lớp học tiên tiến, thông minh đang được sử dụng phục vụ việc dạy và học của giáo viên, học sinh.

Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (TX Đông Triều).

Những bước tiến về KT-XH dưới sự “trợ lực” từ KH&CN đã đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, mạnh mẽ, khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh trên "chuyến tàu" công nghệ. Thành quả từ giải pháp công nghệ cũng đưa Quảng Ninh vươn tới danh hiệu danh giá “Chính quyền số xuất sắc” do tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương trao tặng vào năm 2018, khi những nỗ lực về đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào xây dựng chính quyền điện tử.

Sáng tạo, ứng dụng KH&CN tiếp tục là động lực phát triển

Trong chủ trương phát triển của tỉnh, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Với mục tiêu đó, sáng tạo và ứng dụng KH&CN tiếp tục được xem là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực cũng như nâng mức thụ hưởng dịch vụ xã hội, điều kiện sống của người dân.

Tỉnh cũng xác định việc phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường là một trong những nhóm nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn tới. Trên tinh thần này, ngay trong nhiệm kỳ 2021-2025, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết đầu tiên về phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với kỳ vọng thông qua Nghị quyết này sẽ thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại. Những ngành có hàm lượng công nghệ cao như: Công nghiệp thông tin và truyền thông, công nghiệp điện tử - viễn thông, sản phẩm số, công nghiệp ô tô, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp thời trang... sẽ được ưu tiên để thu hút đầu tư tại tỉnh. Qua đó, tạo sức bật, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách của tỉnh.

Các cơ sở y tế trong tỉnh đã quan tâm đầu tư kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Xác định những thành tựu của thời kỳ 4.0 sẽ là bước đệm cần thiết cho đổi mới, phát triển, các ngành, địa phương trong tỉnh cũng tiếp tục dành nhiều ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực KH&CN. Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao, y tế thông minh, giáo dục thông minh, hiện đại hóa nền hành chính tiếp tục được nhấn mạnh và triển khai đồng bộ, quyết liệt. Kiên trì mục tiêu này cũng chính là chặng đường mà tỉnh Quảng Ninh đang tiến đến, nhằm bắt nhịp kịp thời với “chuyến tàu” công nghệ số, từng bước tiếp cận gần hơn với tốc độ phát triển của khu vực và thế giới.

Nguyên Ngọc