Bầu cử Nghị viện Anh 2024: Đâu là mối quan tâm của cử tri?

Anh chuẩn bị cho tổng tuyển cử. Ảnh: geraldedelman

Chí phí sinh hoạt leo thang

Các cuộc thăm dò của Ipsos trong những tháng gần đây chỉ ra rằng, phần lớn người Anh cảm thấy nền kinh tế suy yếu hơn so với thời điểm diễn ra cuộc bầu cử trước đó vào năm 2019. Mức sống đã giảm sau hai năm lạm phát cao, một phần do cuộc chiến ở Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt. Tiền lương hiện tăng nhanh hơn giá cả, nhưng nền kinh tế không tăng trưởng đủ mạnh do đầu tư yếu, tăng trưởng năng suất chậm và thiếu lao động trên thị trường.

Trong khi đó, Chính phủ không thể tăng chi tiêu, một phần vì tăng trưởng yếu và mức nợ công cao. Lãi suất cao hơn và đồng tiền giảm giá có nghĩa là Chính phủ đang phải bỏ ra nhiều tiền hơn để trả khoản nợ mà họ phải gánh chịu nhằm bảo vệ nền kinh tế thông qua đại dịch - 19 và đợt tăng giá năng lượng vào năm 2022.

Quá tải dịch vụ y tế công cộng

Đối với nhiều cử tri, tình trạng khó khăn của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) - một cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí trong 75 năm qua, đang cho thấy những dấu hiệu bất ổn.

Kể từ sau đại dịch Covid - 19, cơ quan này tồn đọng một lượng lớn thuốc điều trị. Hiện tại, NHS đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên nghiêm trọng, các cuộc đình công của bác sĩ và y tá cũng như nhu cầu y tế ngày càng đắt đỏ của một xã hội già hóa. Kết quả là, người Anh trung bình thường phải chờ vài tuần để được gặp bác sĩ nếu không phải các trường hợp cấp cứu hoặc cần chăm sóc khẩn cấp. Và danh sách bệnh nhân phải chờ đợi để được điều trị đã tăng lên hơn 7 triệu trường hợp.

Khoa chăm sóc răng miệng của NHS cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khi ước tính có khoảng 12 triệu người Anh cần chăm sóc nha khoa không thể tiếp cận được dịch vụ.

Nỗi bất an về di cư

Vấn đề nhập cư luôn đóng một vai trò trung tâm trong nền chính trị Anh trong hơn một thập kỷ qua. Cuộc thăm dò vào tháng 2 của Ipsos cho thấy 37% cử tri cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng có thể ảnh hưởng đến lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử. Đây là lựa chọn thứ 4 của các cử tri, sau các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe, chi phí sinh hoạt và tình hình kinh tế chung.

Mối lo ngại ngày càng gia tăng của người dân xứ sở sương mù về số lượng người nhập cư vào Anh đã góp phần thúc đẩy cuộc bỏ phiếu ủng hộ Brexit năm 2016. Mới đây, Chính phủ của Thủ tướng Sunak đã thúc đẩy thông qua một đạo luật nhằm xóa bỏ nạn “thuyền nhân” (những người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi đến Anh thông qua eo biển Manche). Tuy nhiên, đạo luật này đang dẫn đến phản ứng gay gắt của các tổ chức nhân đạo khi cho rằng, Anh đang vi phạm Luật Nhân đạo của chính mình khi gửi những người nhập cư đến một nước xa xôi mà không có đảm bảo gì về tương lai cho họ.

Vấn đề nhà ở

Nếu chăm sóc y tế là mối quan tâm hàng đầu của cử tri lớn tuổi thì vấn đề nhà ở là điều khiến các cử tri trẻ tuổi lo ngại. Hầu hết những người trẻ ở Anh không đủ khả năng mua nhà ở Anh và ít người trong số họ sở hữu một căn nhà như hai thập kỷ trước.

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, trong khi thu nhập trung bình đã tăng gấp đôi từ năm 1997 đến năm 2023 thì giá nhà lại tăng gấp 4,5 lần. Giá thuê nhà cũng trở nên đắt đỏ hơn và lãi suất cao do lạm phát cao đã đẩy lãi suất thế chấp lên cao.

Bất chấp nhu cầu về nhà ở của thanh niên ngày càng tăng cao, Anh cũng không thể xây thêm khoảng 300.000 ngôi nhà cần thiết mỗi năm để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở và giúp kiềm chế tình trạng tăng giá.

Cảm giác thất vọng

Ngoài những vấn đề cụ thể, hầu hết cử tri cảm thấy rằng mọi thứ ở Anh đang không hoạt động tốt như trước đây, góp phần tạo ra cảm giác thất vọng. Một cuộc thăm dò của YouGov hồi đầu tháng này cho thấy 3/4 người Anh cho rằng ương quốc Anh đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn so với năm 2010, thời điểm Đảng Bảo thủ mới lên nắm quyền.

Dịch vụ của NHS quá tải, các nhà tù quá đông đúc, nhiều tòa công, trường học xuống cấp, đường sắt chậm trễ và cơ sở hạ tầng ọp ẹp, và ngay cả quân đội Anh hùng mạnh một thời cũng bị đánh giá là không sẵn sàng đối mặt với chiến tranh.

Mục tiêu khí hậu

Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng vẫn ủng hộ mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của Anh , nhưng nhiều ý kiến cho thấy họ phản đối các chính sách mà họ cho rằng phân bổ chi phí để đạt được mục tiêu đó một cách không công bằng. Những người khác, đặc biệt là những cử tri trẻ hơn và tiến bộ hơn, cho rằng Anh không theo đuổi các chính sách đủ cấp tiến để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Quỳnh Vũ (Theo Bloomberg, Reuters)