Bóng bàn và ước vọng lớn của Trung Quốc

Đằng sau sự vượt trội

Trung Quốc giành huy chương vàng tuyệt đối ở 4 nội dung đơn nam, đơn nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ, duy chỉ ở nội dung đôi nam nữ họ đã mất huy chương vào tay chủ nhà Nhật Bản. Thành tích này thật ra không bất ngờ, bởi Trung Quốc đã thống trị môn bóng bàn trong nhiều thập kỷ, từ thời người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Ðông.

3 cầu thủ bóng bàn Trung Quốc giành huy chương vàng đồng đội nam tại Thế vận hội Tokyo. Ảnh: Reuters

Trong mắt người phương Tây, bộ máy sản sinh ra các ngôi sao bóng bàn Trung Quốc trông rất khác thường. Ở bậc tiểu học, học sinh phải bỏ ra nhiều giờ mỗi ngày để hoàn thành các bài tập cơ học. Chúng thường được các huấn luyện viên bắn hàng trăm quả bóng liên tiếp vào người. Sau cả thập kỷ huấn luyện, những người không đạt yêu cầu sẽ được cho theo học chương trình giáo dục thông thường.

Tuy nhiên, tài năng và sự chăm chỉ không mang tính chất quyết định. Chẳng hạn, gia đình một đứa trẻ 12 tuổi ở thành phố Thượng Hải đã chi một khoản hối lộ đáng kể để cho con trai theo học một chương trình đào tạo chuyên nghiệp. Trong khi đó, một huấn luyện viên ở thủ đô Bắc Kinh tiết lộ với phóng viên tờ Bloomberg rằng học trò của anh từng tỏa sáng ở đội cấp tỉnh nhưng đành phải “bít đường” thăng tiến sau khi hục hặc với người quản lý.

Song, bất chấp những bất cập, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhận về “cơn mưa vàng” trong bóng bàn. Dù những mặt tiêu cực là có thật nhưng mặt tích cực lại “trội” hơn. Tờ Bloomberg cho biết, hầu hết 1,4 tỉ dân Trung Quốc đều chơi thử bóng bàn - nguồn lực lý tưởng để chọn ra những tài năng tiềm năng. Chính số người chơi bóng bàn lớn như vậy đã mang đến nhiều động lực cải thiện hơn cũng như thúc đẩy đầu tư vào cơ sở vật chất phục vụ cho môn thể thao này. Tuy việc huấn luyện có vẻ rất máy móc nhưng nó đã giúp các cầu thủ được đào tạo một cách chuyên sâu, đạt đỉnh cao về kỹ thuật, dẫn đến sự xuất hiện của nhiều thiên tài bóng bàn.

Ước vọng lớn của Bắc Kinh

Cách đây 50 năm năm, bóng bàn đã giúp hàn gắn quan hệ rạn nứt giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngày nay, môn thể thao mang sứ mệnh “ngoại giao bóng bàn” này vẫn được hàng triệu người chơi và những tấm huy chương giành được tại Thế vận hội Tokyo cùng các giải vô địch quốc tế khác đã trở thành niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc. “Bóng bàn là công cụ trong chính sách ngoại giao thể thao của Trung Quốc và là môn thể thao đầu tiên mà Trung Quốc sản sinh ra Dung Quốc Ðoàn, người giành huy chương vàng tại giải vô địch thế giới năm 1959 tại Tây Ðức” - Pete Millwood, nhà sử học và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Ðại học Hong Kong, cho biết.

Thế nhưng, ngoại giao bóng bàn trở nên có hiệu quả nhất là tại Giải vô địch bóng bàn thế giới năm 1971 ở Nhật Bản. Glenn Cowan, một cầu thủ trẻ người Mỹ, khi đó bị bắt gặp đi trên xe chở đội tuyển Trung Quốc. Hầu hết các vận động viên đều xa lánh Cowan nhưng nhà vô địch Trung Quốc Trang Tắc Ðống không chỉ chào hỏi Cowan mà còn tặng anh một món quà. Sau khi xem bức ảnh ghi lại cảnh Trang trao quà cho Cowan, Chủ tịch Mao Trạch Ðông vốn quan tâm đến cải thiện quan hệ với Mỹ đã mời đội tuyển bóng bàn xứ cờ hoa đến Trung Quốc. Chưa đầy một năm sau đó, Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã đến thăm Trung Quốc, đánh dấu sự ra đời của kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Trung.

Kể từ đó đến nay, quan hệ Washington - Bắc Kinh đã trải qua nhiều thăng trầm, đồng thời mối quan tâm của Trung Quốc trong việc cạnh tranh trên trường quốc tế ở nhiều lĩnh vực và nhiều môn thể thao đã được mở rộng đáng kể. Ðứng thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương ở Thế vận hội năm nay phù hợp vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Thể thao Trung Quốc đang chuẩn bị kế hoạch để có thể vươn lên vị trí số một tại Thế vận hội mùa đông năm 2022 tại Bắc Kinh và Olympic Paris năm 2024. Cùng với đó, con đường để GDP Trung Quốc đứng đầu thế giới có thể không còn xa nữa. Tuy nhiên, ước vọng lớn đó của Bắc Kinh liệu có thành hiện thực?

Chủ tịch Tập Cận Bình từng mong muốn Trung Quốc trở thành cường quốc môn bóng đá nhưng giấc mộng đó đã không thành. Liên đoàn Bóng bàn Quốc tế cho biết lượng người xem truyền hình của môn bóng bàn vẫn ở mức cao tại Trung Quốc nhưng nó chỉ là môn thể thao được xem nhiều thứ 4, sau bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền hồi năm 2018. Quả thật, trong khi môn bóng bàn tiếp tục mang lại nhiều huy chương vàng cho thế thao Trung Quốc, giới trẻ ngày nay đang tìm kiếm môn thể thao đại chúng hơn. “Trung Quốc vẫn thống trị, nhưng bóng bàn ngày nay được mặc định là môn thể thao của thế hệ ông bà”, Nicholas Griffin, người từng viết về lịch sử ngoại giao bóng bàn Mỹ - Trung, bình luận.

TRÍ VĂN (Theo Bloomberg, NBC News)