Cao su Phước Hòa sẽ chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ tối thiểu 30%

Theo tài liệu chính thức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) công bố ngày 30/6 trên HoSE, doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 thấp hơn so với thực hiện của năm 2022. Trong đó, tổng doanh thu công ty mẹ đạt 1.813,44 tỷ đồng, giảm 16% so với thực hiện của năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 549,14 tỷ đồng, giảm 40%; lợi nhuận sau thuế đạt 487,65 tỷ đồng, giảm 36%.

Theo kế hoạch, Cao su Phước Hòa sẽ chia tỷ lệ cổ tức năm 2023 với tỷ lệ tối thiểu 30%/mệnh giá.

Cao su Phước Hòa đặt mục tiêu khai thác 24.200 tấn mủ cao su quy khô; tiêu thụ 34.300 tấn mủ thành phẩm với giá bán 37,96 triệu đồng/tấn (năm 2022 giá bán đạt 38,82 triệu đồng/tấn).

Theo PHR, kế hoạch kinh doanh đi lùi so với năm 2022 do trong năm 2023, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn như tình trạng thiếu lao động, thời tiết diễn biến thất thường, năng suất vườn cây khai thác không cao do lượng phân bón hằng năm thấp sẽ là những nguyên nhân làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện kế hoạch sản lượng, giá bán mủ vẫn ở mức thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Bên cạnh đó, dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 chưa có nhiều khả quan khi người dân các nước tiếp tục thắt chặt chi tiêu trước áp lực của lạm phát.

Mặt khác, giá cao su thiên nhiên trong năm nay vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của yếu tố cơ bản cung – cầu và tâm lý chung trên thị trường chịu tác động chủ yếu từ diễn biến kinh tế toàn cầu, bao gồm tình hình đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc, hồi kết của cuộc xung đột Nga – Ukraine, giá năng lượng tiếp tục leo thang và lạm phát sẽ còn tăng cao cũng như việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ.

Để hoàn thành mục tiêu năm đã đề ra, PHR cho biết sẽ tăng cường quản lý kỹ thuật vườn cây khai thác, đặc biệt vườn cây nhóm I. Duy trì tốt các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISDO, chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống quản lý rừng quốc gia VFCs/PEFC và chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC cho 3 nhà máy chế biến.

Chủ động đàm phán với các khách hàng truyền thống để đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu, trong đó, tích cực nâng cao hợp đồng dài hạn.

Điều chỉnh kịp thời, linh hoạt giá thu mua mủ tạo điều kiện thu hút thêm khách hàng cung cấp mủ cho công ty. Thường xuyên kiểm tra chất lượng mủ nguyên liệu thu mua đầu vào để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục pháp lý để sớm triển khai đầu tư các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo đúng định hướng và chiến lược phát triển của PHR giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phê duyệt và phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh Bình Dương…

Trên sàn chứng khoán, chốt phiên 30/6 giá cổ phiếu PHR đang ở mức 46.400 đồng/cổ phiếu, tăng 15% so với đáy ngắn hạn phiên 24/4 và giảm 42% so với đỉnh lịch sử 80.000 đồng/cp phiên 18/4/2022.

Dương Anh