'Chạm một nét hoa': Những bức tranh từ vải vụn tái chế

Các họa sĩ tham gia triển lãm.

Triển lãm nhằm lan tỏa ý nghĩa và tinh thần của việc sử dụng những vật liệu tái chế như vải vụn làm thành những bức tranh đầy màu sắc và tính nghệ thuật. Triển lãm góp phần nâng cao ý thức, giúp mọi người có cái nhìn tích cực trong nhận thức và hành động đối với việc bảo vệ môi trường.

Triển lãm gồm hơn 43 tác phẩm của 30 họa sĩ được trưng bày với các chủ đề đa dạng. Mỗi tác phẩm là những góc nhìn riêng biệt của từng tác giả về cuộc sống, thế giới nội tâm và cảm hứng sáng tác nghệ thuật.

Khán giả xem các tác phẩm trong sách giới thiệu.

Trưởng ban tổ chức Đào Nhật Hải cho biết 4V là dự án phi lợi nhuận, ra đời từ cuộc thi ASEAN Social Impact Program 2023 với 9 thành viên ở khắp các tỉnh, thành phố. 4V đã tổ chức thành công sự kiện đầu tiên “Lớp lớp Hà Nội” và sau đó là dự án “Chạm một nét hoa”, với mục đích lan tỏa tính nhân văn, nâng cao ý thức về tái chế, kiểm soát sử dụng đối với rác thải như vải vụn.

Ngày 23/3, 4V đã hợp tác với Le Eco Chic tổ chức thành công sự kiện trưng bày tranh nghệ thuật tại Singapore, mở rộng tác động của dự án ra phạm vi quốc tế.

Theo chủ nhiệm dự án, họa sĩ Vũ Anh Tuấn, đây là một dự án nhân văn, mang tính chất cộng đồng, nhằm mục đích hướng tới một cộng đồng văn minh, yêu môi trường và có cái nhìn tích cực hơn về những vật liệu tái chế như vải vụn. Từ đó, triển lãm ra đời với sứ mệnh “Người dọn rác vũ trụ”.

Họa sĩ chia sẻ: “Trong 20 năm hoạt động nghệ thuật, tôi đánh giá đây là triển lãm đặc biệt nhờ ý nghĩa nhân văn và thông điệp về bảo vệ môi trường mà các bạn trẻ mang lại. Đặc biệt, các bạn trẻ còn có trình độ, khả năng, phông thẩm mỹ rất tốt để cho ra những tác phẩm thật sự chất lượng.”

'Lá đùm lá" của Nguyễn Giáng.

Đến với “Chạm một nét hoa”, người xem có thể trải nghiệm đa tầng những góc nhìn khác nhau về cuộc sống đời thường với chất liệu mới. Mỗi tác phẩm được trưng bày tại triển lãm thể hiện một thế giới, một cá tính cũng như phong cách riêng biệt của người họa sĩ. Với chất liệu đặc biệt như vải, để tạo nên các bức tranh, các họa sĩ đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm. Mỗi tấm toan là một bài toán khó, buộc họ phải nghĩ cách để kết hợp những mảng vải không đồng nhất với ý tưởng để tạo ra thành phẩm hoàn hảo.

"Tái sinh" - tác phẩm của họa sĩ Hồ Nguyên Đán.

Khác với chất liệu giấy thông thường, tranh vẽ trên vải đòi hỏi sự công phu, tỉ mẩn của họa sĩ trong khâu phối và sử dụng màu. Để tranh bám sơn, họa sĩ phải phủ qua một lớp màu acrylic trắng, vecni hay thạch cao cho toàn bộ bức tranh.

Mỗi mảnh vải là một loại tơ-sợi khác nhau, cách dệt và độ dày của từng mảng cũng khác nhau, bởi vậy nếu chỉ đơn thuần vẽ trên vải chưa qua xử lý sẽ khiến màu dễ dàng thấm qua vải và mất đi tính nghệ thuật. Độ dày chất liệu khác nhau còn làm cho thời hạn sử dụng khác nhau. Đây cũng là điều đặc biệt tạo nên sự độc nhất cho tác phẩm.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt và tác phẩm"Viễn".

Chia sẻ tác phẩm “Viễn”, họa sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết, anh lấy cảm hứng từ khu tập thể cũ ở Hà Nội với nhiều thế hệ khác nhau. Sự xoay chuyển của con người, thời gian ở thế hệ mới đối lập với thế hệ cũ đã giúp anh có ý tưởng để sáng tác “Viễn”.

“Trong quá trình hoàn thành tác phẩm, khó khăn nhất đối với mình là lúc bắt đầu lên ý tưởng, cân bằng cảm xúc hội họa và tìm chất liệu xúc tác. Tác phẩm này đặc biệt quan trọng với mình vì nó lột tả rõ nội tâm của bản thân và mình muốn góp phần nhỏ cho dự án bảo vệ môi trường lần này” - họa sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết.

Họa sĩ Trịnh Hùng Tân với tác phẩm "Vô vi".

Đặc biệt, trong buổi triển lãm có tiết mục vẽ tranh giao lưu cùng khán giả của họa sĩ Trịnh Hùng Tân với bức họa “Vô vi”. Anh chia sẻ: “Bức tranh lấy cảm hứng từ chính buổi triển lãm với sự tham gia của các bạn trẻ. Thực chất thì bức tranh không có ý đồ gì cụ thể, mình nghĩ gì vẽ nấy”.

Triển lãm đem lại những cảm nhận thú vị đối với người xem. Chị Ngọc Hoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy các bạn rất tài năng, có góc nhìn hội họa và sự sáng tạo độc đáo. Nhìn những tác phẩm này, tôi không nghĩ chúng được tạo nên từ những mảnh vải vụn. Đây cũng là dự án nhân văn, giúp mọi người có cái nhìn thiết thực hơn về bảo vệ môi trường bền vững”.

Toàn bộ doanh thu từ triển lãm và workshop sẽ góp vào Quỹ học bổng Mỹ Thuật 4V, hỗ trợ các em học sinh đam mê hội họa có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, “Chạm một nét hoa” cũng góp phần xử lý khoảng 30kg vải vụn từ cửa hàng dệt may tư nhân và xưởng của Canifa. Mong muốn của 4V là phát triển hơn, giúp các họa sĩ biết thêm về chất liệu mới để tái chế thành những tác phẩm sáng tạo.