Ký ức hào hùng của những phụ nữ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Phụ nữ tỉnh Cao Bằng đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Phụ nữ các dân tộc một lòng theo cách mạng

Tháng 3/1953, theo quyết định của Ban Cán sự Đảng tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh Châu (cũ) được thành lập với 5 cơ sở Hội và 86 hội viên. Cụ Hoàng Thị Lập (SN 1927, quê gốc Nà Lẹng, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, đang công tác tại tỉnh Lai Châu) được phân công phụ trách công tác phụ nữ của tỉnh.

Ngay khi ra đời, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ lâm thời, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng, đã tập trung chỉ đạo phụ nữ các dân tộc trong tỉnh hăng hái tham gia công tác xây dựng vùng giải phóng, đi đầu phục vụ tiền tuyến. Qua các phong trào cách mạng, cuối năm 1953, toàn tỉnh đã phát triển thành 101 tổ phụ nữ gồm 1.346 hội viên.

Năm nay, cụ Hoàng Thị Lập (Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu từ năm 1953 đến 1972), đã 97 tuổi. Tuổi cao sức yếu, nhiều lúc cụ nhớ nhớ quên quên nhưng hễ nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ lại "minh mẫn đến lạ kỳ" (theo lời kể của con cháu cụ - PV). Chuyện của 7 thập kỷ trước trong trí nhớ của cụ Lập, không còn logic theo trật tự thời gian nhưng những chi tiết, sự vật, sự việc như ngấm vào trí óc, để mỗi lần chạm đến, lại ùa về như phản xạ tự nhiên.

Cụ Hoàng Thị Lập, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu từ năm 1953 đến năm 1972, giờ đã 97 tuổi

Trò chuyện với chúng tôi về những ngày kháng chiến, cụ Lập cất giọng sang sảng: "Ngày ấy, cả nước mình dồn toàn sức lực cho Điện Biên Phủ. Cùng với quân dân cả nước, phụ nữ Lai Châu chúng tôi cũng có phong trào thi đua phục vụ chiến dịch. Chị em các dân tộc trong tỉnh xưa nay không quen xa nhà nhưng chẳng quản nắng mưa, bom đạn, đường xa, cùng nam giới đi tiếp lương, tải đạn ra chiến trường. Mọi hoạt động của phong trào phụ nữ Lai Châu đều ưu tiên cho chiến dịch. Cán bộ Hội cử nhau đến từng nhà động viên nhân dân nói chung, phụ nữ nói riêng tích cực tham gia sản xuất lấy lương thực phục vụ chiến dịch; đồng thời khuyến khích chị em và gia đình xuống núi tham gia kháng chiến, một lòng theo cách mạng.

Bên cạnh việc vận động nhân dân và hội viên, cán bộ phụ nữ các cấp nêu gương hăng hái tham gia phục vụ chiến dịch bằng cách vận chuyển lương lực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Từ huyện Tuần Giáo vào đến Điện Biên, chúng tôi phải đi qua 6 cái suối, rất vất vả và nguy hiểm. Có chị, lúc đầu đi tải lương chưa quen nên chỉ gùi được vài cân gạo, sau dần dần lên đến vài chục cân. Công tác tiếp ứng hậu cần ở khu vực núi non hiểm trở rất khó khăn nhưng chúng tôi không nản, chị em động viên nhau mỗi người cố gắng một ít, mỗi ngày cố gắng một ít. Để có gạo phục vụ chiến dịch, chị em phụ nữ giã gạo vào cả ban đêm - việc mà trước đây đồng bào kiêng cữ.

Hồi chiến dịch vào cao điểm, địch nhảy dù xuống Điện Biên rất nhiều, chúng chặt hết cây cối để phá hoại chúng ta. Vũ khí của chúng hiện đại, còn ta thô sơ nhưng với tinh thần đoàn kết và ý chí chiến đấu cao, không lâu sau thì mình giành chiến thắng.

Điện Biên được giải phóng, các tầng lớp phụ nữ Lai Châu lại cùng các ban ngành đoàn thể tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng gia sản xuất, chăn nuôi, kiến thiết tỉnh nhà. Nếu không có thắng lợi Điện Biên Phủ thì nhân dân và phụ nữ các dân tộc ta không thể nào tiến bộ, đổi đời được".

Mục tiêu là quân thù, ý chí là niềm tin chiến thắng

Những ngày cả nước hân hoan kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Phan Thị Bẩy (SN 1930, cựu dân công hỏa tuyến mặt trận Điện Biên Phủ, đang sinh sống tại phường Thanh Bình, ành phố Điện Biên Phủ) mang một cảm xúc rất đặc biệt. Cụ bảo, luôn tự hào vì được góp phần nhỏ bé của mình vào thành công của chiến dịch; tự hào vì nhìn đất nước đổi thay, quê hương thứ hai là Điện Biên phát triển mỗi ngày.

Cụ Bẩy quê gốc Hương Khê, Hà Tĩnh. Năm 1952, ở tuổi 22, cô gái Hương Khê cùng nhiều thanh niên nam nữ trong làng, trong xã tham gia lực lượng thanh niên xung phong, hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Cụ Phan Thị Bẩy, cựu dân công hỏa tuyến chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện 94 tuổi

Nhớ về những ngày hào hùng không thể quên, giọng cụ Bẩy hào sảng: "Ngày đó, thanh niên chúng tôi chẳng nghĩ gì đến cái chết, chỉ biết đất nước cần là lên đường ra trận thôi. Quê tôi nam giới lớn lên đều đi bộ đội, tham gia kháng chiến, con gái thì đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, ở lại làng chỉ còn ông bà già, phụ nữ trung tuổi và trẻ em. Vào dân công, tôi cùng đoàn tải lương thực lên chiến trường. Nhiều tháng trời ròng rã đội nắng mưa, trèo đèo lội suối, băng rừng, xẻ núi, bám vực cheo leo, mục tiêu của chúng tôi là quân thù và ý chí là niềm tin chiến thắng. Trời khô ráo còn đỡ, trời mưa đường trơn, nhiều người chân trần không giày không dép, phải bấm chặt các đầu ngón chân xuống đường để lần từng bước đi kẻo ngã. Nhiều lúc đói, mệt, sốt rét rừng hành hạ, phụ nữ "đến tháng" cực khổ muôn phần nhưng tất cả khó khăn chúng tôi chẳng sá chi.

Những ngày cao điểm, máy bay địch thả cả trăm tấn bom các loại với mục tiêu phá hủy rừng cây, đường sá, cầu cống, nhằm cắt đứt con đường tiếp viện của ta cho chiến trường Điện Biên Phủ. Trong đoàn quân chi viện cho mặt trận, trên đường hành quân, nhiều đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Đối diện với hiểm nguy là thế nhưng chúng tôi không một ai nhụt chí. Hồi ấy Điện Biên nghèo và hoang sơ lắm. Đường từ Tuần Giáo vào đến Điện Biên cây cối, cỏ dại mọc um tùm; nhiều nơi địch rào dây thép gai cao quá nguời khiến di chuyển một mình còn rất khó huống hồ là tải lương thực. Để có thể gánh được gạo, chúng tôi phải để đòn gánh ngang vai rồi cúi rạp người xuống, vừa bò vừa gánh vì sơ xẩy một chút là có thể bị dây thép gai và cây dại cào xước mặt ngay. Khi hành quân tải lương thực lên đến được mặt trận, chúng tôi lại tập trung san lấp, làm đường, chăm sóc thương bệnh binh, phục vụ hậu cần, tăng gia sản xuất cho đến ngày thắng lợi"…

Sau chiến thắng, để tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Điện Biên giàu mạnh, cụ Bẩy cùng nhiều đồng đội đã tình nguyện ở lại lấy nông trường làm nhà, Điện Biên làm quê hương thứ thứ hai xây dựng vùng kinh tế mới. Nhớ về những ngày thanh xuân hoa lửa, cụ Bẩy nghẹn ngào: "Đồng đội của chúng tôi năm xưa, giờ chẳng mấy người còn sống. Cuộc đời chúng tôi được đóng góp tuổi trẻ cho quê hương, đất nước hòa bình, ấy là niềm vinh dự lớn lao. Chúng tôi đã có những ngày đáng sống!".

Dùng tiếng hát giảm đau cho chiến sĩ bị thương

Quê gốc Hải Dương theo gia đình tản cư lên Bắc Giang, năm 13 tuổi, bà Trần Thị Ngà (SN 1938) xung phong vào bộ đội, thuộc biên chế Đoàn văn công Tổng cục Chính trị.

Bà kể: "Sau thời gian tập luyện, năm 1953 đoàn chúng tôi lệnh lên đường đi chiến dịch Trần Đình - mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Suốt mấy tháng trời đi đường bộ, ban ngày đoàn chúng tôi tập tiết mục, trời sẩm tối là hành quân. Mỗi đêm, chúng tôi đi 30km mới dừng chân nghỉ ngơi. Ngủ trong rừng, lấy lá cây làm chiếu, nhiều hôm sáng tỉnh dậy, vắt bám vào người hút mọng máu. Sợ lắm nhưng rồi cũng quen. Khi hành quân lên mặt trận, tôi 14 tuổi đầu, vô tư lắm. Nhìn đồng đội và các anh bộ đội lúc nào cũng tràn đầy khí thế, mình chẳng biết sợ, biết buồn là gì.

Nữ văn công Trần Thị Ngà (giữa) biểu diễn phục vụ bộ đội

Đến được mặt trận Điện Biên Phủ, nhiệm vụ của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị chúng tôi là biểu diễn văn nghệ động viên tinh thần chiến sĩ. Trên chiến trường ác liệt, chúng tôi được chia thành từng tổ theo phục vụ các đại đội, trung đội ngay tại chiến hào. Khi bộ đội ta giữ chốt, đào hào, đánh địch trở về là chúng tôi biểu diễn cho các anh xem. Nhờ những lời ca tiếng hát, tiết mục văn nghệ của văn công mà bộ đội quên đi mệt mỏi, hiểm nguy, chắc tay súng và ý chí quyết chiến. Những ngày nơi chiến trường bom đạn, văn công động viên tinh thần chiến sĩ, các chiến sĩ lại truyền sức mạnh và lòng hăng hái cho văn công.

Thời điểm trận chiến vào cao điểm, vì sự an toàn, chúng tôi không biểu diễn mà tham gia các công việc khác như chăm sóc thương bệnh binh, giặt giũ cơm nước cho bộ đội và đi làm đường. Trong điều kiện thuốc men thiếu thốn, các ca phẫu thuật phải mổ chay, chiến sĩ đau đớn vô cùng. Lúc này, chị em chúng tôi ở bên, vừa trò chuyện động viên an ủi, xoa vết thương và hát cho các anh nghe. Lời ca tiếng hát của chị em văn công chúng tôi trong hoàn cảnh ấy, có tác dụng không khác gì liều thuốc giảm đau cho chiến sĩ.

Bà Trần Thị Ngà, cựu văn công Đoàn văn công Tổng cục Chính trị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Tôi còn nhớ như in chiều hôm 7/5/1954, trong lúc chúng tôi đang tập trung làm đường thì có tiếng nói rất to của một chiến sĩ đang đạp xe tiến về phía chúng tôi: "Các đồng chí ơi, địch đầu hàng rồi! Điện Biên được giải phóng rồi các đồng chí ơi!". Giây phút ấy, tất cả như vỡ òa hạnh phúc. Hàng trăm anh chị em dân công, văn công, dân công bỏ hết quang gánh, cuốc xẻng ôm nhau hò reo, nhảy múa tưng bừng trong nước mắt của niềm vui sướng. Hôm khao toàn quân chiến thắng, chúng tôi được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Bác còn khao một bữa thịt bò và tặng mỗi người một chiếc Huy hiệu Điện Biên".

Sau này, bà Ngà công tác trong Đoàn văn công Tổng cục Chính trị đến năm 1965 thì chuyển công sang Hãng phim Quân đội nhưng chiếc Huy hiệu Điện Biên được Bác Hồ tặng luôn ở bên bà như một báu vật. Trước thềm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, dù tuổi đã cao nhưng bà Ngà vẫn cùng đồng đội thực hiện tâm nguyện về nguồn thăm lại chiến trường xưa. Bà xúc động chia sẻ: "Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là sự kiện chói lọi của đất nước Việt Nam ta mà còn là dấu ấn vàng son của những người chiến sĩ chúng tôi".

HKD (ghi)