Chính sách cho Net Zero

Ảnh: minh họa

Theo Bộ Tài nguyên và Môi Trường, phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2020 khoảng 513 triệu tấn CO2 tương đương. Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ tự nguyện giảm 15,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) và giảm 43,5% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Đến năm 2050, tổng lượng phát thải khí nhà kính sẽ giảm xuống mức dưới 185 triệu tấn CO2 tương đương và được hấp thụ hoàn toàn bởi các hệ sinh thái tự nhiên.

Hiện, năng lượng là lĩnh vực có tỷ trọng phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 65% tổng lượng phát thải; sau đó là các lĩnh vực, các quá trình công nghiệp (14,6%), nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (13,9%) và chất thải (6%).

Mục tiêu Net Zero đã được cụ thể hóa trong các định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, sau năm 2030, dừng phát triển điện than từ để chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, mặt trời. Quy hoạch điện VIII cũng đề ra mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030 và lên đến 67,5-71,5% vào năm 2050. Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải cũng đã đề ra định hướng đến năm 2040, từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất các loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch; đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, năng lượng xanh.

Lĩnhvực nông nghiệp đang quyết liệt thực hiện nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và hơn một triệu ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đặc biệt, Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là một hình mẫu trên thế giới về phát triển nông nghiệp carbon thấp.

Ngoài ra, hàng loạt ứng dụng công nghệ thu giữ carbon, sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, giảm phát thải N2O trong công nghiệp hóa chất... đang phát triển rộng khắp. Cùng với phát triển đô thị xanh, hoạt động giảm phát sinh chất thải thông qua phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đẩy mạnh tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; sản xuất phân compost từ chất thải hữu cơ... đang phát huy hiệu quả giảm phát thải ra môi trường.

Ghi nhận mục tiêu Net Zero của Việt Nam đang đi đúng hướng, các tổ chức môi trường quốc tế khuyến nghị, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó xây dựng các kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính các ngành, lĩnh vực; đặc biệt chú trọng phát triển thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế; thực hiện phân bổ hạn ngạch phát thải; xây dựng cơ chế trao đổi, bù trừ, cơ chế chứng nhận tín chỉ carbon; thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Cam kết Net Zero đã và đang nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời cũng sẽ giúp huy động nguồn lực, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước bền vững.

Thiết nghĩ, để hoàn thiện chính sách về đầu tư, quy hoạch, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, Nhà nước cần sớm sửa đổi Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo. Đồng thời, khơi thông các nguồn tài chính xanh để thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi xanh.

Thanh Thảo